7. Bố cục của luận văn
3.1.2. Cốt truyện trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình
Như đã nói, cốt truyện đơn tuyến là một cách kết cấu quen thuộc trong sáng tác của các tác giả văn xuôi dân tộc thiểu số như: Vi Hồng, Triều Ân, Hoàng Hạc, Cao Duy Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Hà Trung Nghĩa, Y Điêng, Kim Nhất... Khảo sát toàn bộ truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, chúng tôi nhận thấy hầu hết cốt truyện trong truyện ngắn của nhà văn đều được tổ chức, sắp xếp theo lối truyền thống, đó là: tổ chức thời gian theo trật tự tuyến tính, kết thúc truyện có hậu, có những nhân vật trung tâm dẫn dắt, kết nối bởi các chi tiết chọn lọc hợp lí.
Hầu hết các tác phẩm của Vi Thị Kim Bình đều xuất phát từ những cảnh đời thực mà nhà văn biết. Truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình thường có một cốt truyện rõ ràng, được diễn biến một cách tuần tự theo dòng sự kiện, nhân vật chính thường là những con người nhiệt tình với cuộc sống, lao động hết mình, luôn hướng về cái mới, cái tiến bộ, dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng họ đều biết vươn lên, vượt qua tất cả những thử thách, trở ngại để hướng tới tương lai và cuối cùng họ đều nhận được một kết quả tốt đẹp, một phần thưởng xứng đáng. Qua những nhân vật đó nhà văn muốn
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/
khẳng định vẻ đẹp của cái thiện, niềm tin vào sự thật và sự trân trọng đối với những phẩm chất tốt đẹp, chân chính của con người. Điều đó khiến tác phẩm của Vi Thị Kim Bình đậm chất nhân bản, sáng ngời niềm tin vào con người và đặc biệt là hướng con người đến những cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ trong cuộc sống. Ta sẽ gặp kiểu cốt truyện này trong các truyện ngắn: Niềm vui, Đốm sáng, Cuốn băng màu da, Những bông huệ trắng, Mối tình đầu muộn mằn, Ánh đuốc bên bờ suối, Lỡ hẹn, Ba người đào mương, Giấc mơ kì diệu, Tình yêu chiến thắng tất cả, Trong khung cửa sổ....
Trong truyện ngắn Cuốn băng màu da số phận, cuộc đời và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của dược sĩ Minh đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Khi còn trẻ, Minh là một cô gái quê mùa, chất phác. Với tình yêu và trái tim chân thành, cô đã nhận lời lấy một chiến sĩ cộng sản vừa ở tù đế quốc ra. Cưới nhau xong, anh đi biền biệt mấy năm liền chỉ về nhà có một lần duy nhất rồi hi sinh. Người chồng mà chị rất đỗi yêu thương vĩnh viễn ra đi, chị phải sống cảnh góa bụa, cô đơn. Vượt qua những đau khổ, thử thách của cuộc đời, chị một mình nuôi con và luôn cố gắng trong công việc để xứng đáng với người chồng đã hi sinh anh dũng cho đất nước của chị. Khi còn là công nhân ở xưởng thuốc khu bốn, chị là người đã dũng cảm băng qua dòng nước lũ để cứu cả kho thuốc của đơn vị. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt, chị được điều chuyển sang làm tổ phó tổ băng dính phụ trách kĩ thuật. Lúc bấy giờ, băng dính do nhà máy chị làm ra đều không dùng được mà thương binh nơi tiền tuyến thì rất cần băng dính. Với trách nhiệm của một người đảng viên chị đã không ngừng tìm tòi, khám phá, thử nghiệm, vượt qua nhiều khó khăn, cản trở, hi sinh chị đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm băng dính cung cấp cho các bệnh viện thời chiến đạt tiêu chuẩn chất lượng không thua kém sản phẩm của nước ngoài. Với thành công đó, chị đã được đề bạt làm phó quản đốc của xí nghiệp, phụ trách ngót hai trăm công nhân. Nhìn từng chuyến ô tô đi mang theo những cuộn băng dính
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/
nhỏ bé ghi dòng chữ "Xí nghiệp Dược phẩm I sản xuất" nụ cười cởi mở, chất phác lại hiện trên đôi môi và niềm vui ngập tràn trong lòng người phụ nữ giàu nghị lực ấy.
Vân trong truyện ngắn Niềm vui là một y tá làm việc tại một bệnh viện lao. Với tấm lòng nhân hậu và niềm ước mơ trở thành người thầy thuốc để chữa bệnh cho người nghèo, Vân đã vượt qua nhiều cản trở từ nhận thức của mọi người về bệnh lao khủng khiếp cho đến điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn của bệnh viện. Với quan niệm người thầy thuốc giỏi cũng như người mẹ hiền, chị đã dành thật nhiều thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân. Ngoài ra chị còn ngày ngày giặt giũ, cắt tóc, khâu vá, nấu nướng, dọn nhà vệ sinh cho bệnh nhân. Đặc biệt chị còn dành thời gian để tâm sự, động viên, an ủi, tìm hiểu tâm tư, sở thích của từng bệnh nhân. Sự tiến triển của bệnh nhân đã góp phần tạo nên những niềm vui nho nhỏ, giản dị nhưng đầy ý nghĩa đối với cuộc sống của chị. Việc Vân được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một phần thưởng xứng đáng đối với người thầy thuốc có tấm lòng của một "người mẹ hiền" này.
Mặc dù không có nhiều thời gian dành cho người chồng đi công tác xa hàng năm mới trở về, nhưng y tá Nhình trong truyện ngắn Một ngày nghỉ đã nhận được một phần thưởng xứng đáng đó là sự quý mến, tin tưởng của bà con làng xóm và sự động viên của chồng. Tuy luyến tiếc vì khi anh về thăm nhà đúng lúc cô bận rộn, không nói được câu chuyện gì thì anh đã phải ra đi nhưng Nhình thấy phấn khởi vì con đường tương lai hạnh phúc của cô đã và đang đi lên.
Trong truyện ngắn Ba người đào mương, Vi Thị Kim Bình cũng đã ảnh hưởng sâu sắc kiểu cốt truyện "Ở hiền gặp lành" của truyện cổ giân gian. Truyện kể về ba người hàng xóm: Hùng, Hạc Thắng, cùng tuổi trung niên, cùng là thương binh, mỗi người họ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều nương tựa vào nhau để sống. Một lần, khi đào mương cho ông chủ một nhà
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/
vườn, họ đã đào được một bộ hài cốt. Xót thương cho người xấu số, các ông đã xin ông chủ nhà vườn chi cho một cái tiểu sành để đem chôn cất. Nhưng ông chủ là người keo kiệt nên đã bảo các ông cho hài cốt đó vào bao dứa rồi đem ra bờ sông vùi. Ông Hùng và ông Thắng đã xin tạm ứng tiền công để đi mua một chiếc tiểu rồi gom góp toàn bộ số tiền còn lại mua lễ cúng cho người xấu số. Với việc làm đầy tình nghĩa đó, hai ông đã được "đền đáp" xứng đáng. Ông Thắng thì gặp và cưới được một cô vợ thảo hiền, nết na rồi đẻ được một cậu con trai kháu khỉnh. Ông Hùng thì đã có hai cô "vịt giời" đang cầu mong có được một "củ khoai" nữa cũng được toại nguyện. Còn ông chủ nhà vườn keo kiệt kia thì ngày một lụi bại, vườn của ông ta trồng cây gì, chết cây ấy, nuôi con gì chết con ấy, mương đào rất tốt nhưng nước cứ chảy vào ao là lại bị cạn sạch.
Như vậy, có thể thấy cốt truyện trong truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình hầu hết được xây dựng theo lối truyền thống. Đó là kiểu cốt truyện đơn tuyến, nhân vật và sự kiện ít, các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian tuyến tính, thể hiện một ý nghĩa nhất định. Cách xây dựng cốt truyện như vậy vừa thể hiện lối tư duy mộc mạc, đơn giản vừa khiến cho người đọc dễ nắm bắt cốt truyện, dễ hình dung ra nhân vật, có thái độ yêu ghét rõ ràng. Tư duy nghệ thuật hướng về truyền thống của Vi Thị Kim Bình khiến cho tác phẩm của nhà văn mang đậm chất nhân văn, nhân bản, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, kiểu cốt truyện này cũng có những hạn chế nhất định - bởi nó làm cho nhân vật bị đơn giản hóa về tính cách, đôi khi không phát triển theo quy luật tự nhiên, số phận của nhân vật thường do tác giả định đoạt. Nếu cứ sử dụng lối kết cấu này mãi sẽ dễ làm cho tác phẩm rơi vào công thức, không đa dạng, dễ nhàm chán đối với người đọc.