Theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu DI CHÚC của CHỦ TỊCH hồ CHÍ MINH và VIỆC vận DỤNG vào GIẢNG dạy các môn KHOA học lý LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY (Trang 67 - 70)

II. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, sinh viên trong Trường Đại học hiện nay

theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan tâm thứ hai, sau khi Bác nói về Đảng, đó là vấn đề Đoàn viên và Thanh niên, Người Di nguyện rằng: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nói “Bác rất yêu quý thanh niên”, và Người thường giải thích “Thanh niên tượng trưng cho sức sống của cuộc đời, cái đẹp của đất nước và tinh thần của dân tộc. Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vì thế lòng yêu nước, tình cảm thương dân của Người gắn liền với sức sống của nhân dân là thanh niên. “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già…xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an, dân quân tự vệ…Trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần, thanh niên có, việc gì khó, thanh niên làm”.

Sinh viên là một bộ phận ưu tú trong tầng lớp thanh niên. Được học tập và rèn luyện để trở thành những trí thức tương lai, họ có khả năng tiếp thu những thành tựu mới của khoa học - công nghệ tiên tiến, có thể đưa nước ta “đi tắt”, “đón đầu” để hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục nói chung, thì việc giáo dục đạo đức cho sinh viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó là cơ sở nền tảng hình thành con người mới vừa hồng, vừa chuyên. Với vị trí của nó, mà giáo dục phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó vai trò của nhà trường nói chung và trường đại học nói riêng là hết sức quan trọng. Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả đó, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Ngày nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng, lấy đồng tiền làm giá trị cao nhất...những mặt trái của cơ chế thị trường đó đang gặm nhấm những giá trị tốt đẹp của dân tộc, làm khô héo lòng nhân ái trong con người. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức cũ của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, có sự pha tạp của văn hóa ngoại lai, có những cái phản giá trị đạo đức truyền thống, đã dẫn đến sự lựa chọn sai lầm các giá trị đạo đức của một bộ phận sinh viên.

Một điều đáng nói, trong chương trình giảng dạy ở các trường đại học, các môn khoa học Lý luận chính trị là những môn trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, xây dựng niềm tin, lý tưởng cho sinh viên. Vậy mà vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên có ý thức học tập mang tính đối phó, thụ động. Chính vì vậy, trước những biến động phức tạp của thế giới, trước những khó khăn phức tạp của cuộc sống, nhiều sinh viên không đủ bản lĩnh để giữ vững phẩm chất chính trị của mình, có những trường hợp bị tha hóa bởi những hiện tượng tiêu cực của xã hội. Đây chính là mảnh đất để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc và thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với sinh viên.

Trước thực trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận sinh viên và thanh niên hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, làm cho họ có đủ đức tài, mà trong đó đức là gốc, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xây dựng đất nước là một trong những vấn đề cấp bách, đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta khỏi nguy cơ tụt hậu và chệch hướng.

Những định hướng về giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay

Lồng ghép trong quá trình giảng dạy và liên hệ thực tiễn cho sinh viên nhận thức được rằng: Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới hiện nay ở nước ta, đó cũng chính là nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là những yếu tố “bất biến” trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Do đó phải kiên định xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước, yêu CNXH cho sinh viên. Qua đó làm cho sinh viên ý thức được rằng, họ chính là lực lượng chính cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà, là

tương lai của đất nước. Cơ chế thị trường là phương tiện để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Kế thừa và phát huy những giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống, đạo đức cách mạng. Trong đó giá trị đạo đức truyền thống là yêu nước, tinh thần đoàn kết là những giá trị cao nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam. Ngày nay yêu nước là yêu CNXH, yêu nhân dân. Trong cơ chế thị trường, khi mà các quan hệ xã hội của con người đang có nguy cơ bị đồng tiền làm tha hóa, thì việc xây dựng lòng yêu nước, yêu CNXH là một việc làm cấp bách và thiết thực, soi sáng cho sinh viên định hướng những giá trị nhân cách, phẩm giá, giúp cho họ ngăn ngừa những sai lệch về chuẩn mực đạo đức do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, lòng yêu nước thể hiện qua sự năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phải xuất phát từ lợi ích của đất nước để định hướng hoạt động của bản thân mình, không vì lợi ích riêng tư mà xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Yêu nước là trung thành với Tổ quốc, trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa, thì trung với nước lại càng quan trọng, vì thiếu nó thì nhân tài sẽ không đứng vững nổi trước sự cám dỗ, mua chuộc của bên ngoài và khi đó, tài càng cao thì họa càng lớn.

Giáo dục cho sinh viên thấm nhuần về thế giới quan và nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, thành niềm tin chân lý trong thế hệ trẻ. Xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên là để họ có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những diễn biến phức tạp của đời sống, làm chủ tương lai, làm chủ sự nghiệp của mình.

Giáo dục cho sinh viên luôn có ý thức tự lực, tự cường, chủ động trong học tập và trong nghiên cứu khoa học. Học tập để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Không chấp nhận sự nghèo đói, không làm giàu bất chính, không tiêu cực, gian lận trong thi cử; chống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi. Khơi dậy lòng nhân ái truyền thống trong sinh viên, vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người, “Thương nguời như thể thương thân” là nét đẹp truyền thống của dân tộc, và ngày nay đó chính là tình thương giai cấp đối với giai cấp công nhân, tình thương yêu vô cùng rộng lớn đối với nhân lao động, đối với người cùng khổ.

Ngày nay, thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng, họ đều là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thanh niên là những người chủ, là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có xứng tầm với cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Do đó, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, trong giáo dục và đào tạo phải đặc biệt quan tâm đến thanh niên, đó chính là việc thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB. Trẻ, 4/2009

2. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh – NXB. CTQG, Hà Nội 2003

3. Báo Nhân Dân, các số ra ngày 20/8 và 01/9 năm 2009

4. Báo Khánh Hòa, các số ra ngày 21,27,31 tháng 8 và 3/9 năm 2009

5. Tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh – TS. Hoàng Trung – NXB. Đại học quốc gia Tp.Hồ Chí Minh 2005

Một phần của tài liệu DI CHÚC của CHỦ TỊCH hồ CHÍ MINH và VIỆC vận DỤNG vào GIẢNG dạy các môn KHOA học lý LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w