TRƯỜNG TA HIỆN NAY
ThS. Trần Trọng Đạo
Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết bởi theo Người: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1. Vấn đề này được Hồ Chí Minh thể hiện trên một tầm cao mới ở trong Di chúc - tác phẩm cuối cùng của Người. Bốn mươi năm đã qua, kể từ khi Hồ Chí Minh viết những dòng cuối cùng của bản Di chúc lịch sử, là thời gian thích hợp nhất để chúng ta suy ngẫm về tư tưởng đoàn kết trong di sản cuối cùng mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam.
Trước hết, về đoàn kết trong Đảng
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều vấn đề từ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cho đến xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, từ đối nội đến đối ngoại, từ việc chung đến việc riêng…Trong bộn bề những công việc đại sự đó, cái mà Người đặc biệt quan tâm là ''Trước hết nói về Đảng'', là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận về vấn đề đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh nêu lên trong Di chúc, đó là:
Điều đầu tiên, Người nhấn mạnh vai trò của đoàn kết trong Đảng đối với mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, bản Di chúc viết năm 1965 có đoạn: ''Nhờ đoàn kết chặt chẽ… cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác''2.
Điều quan trọng hơn là Hồ Chí Minh đã đặt ra những yêu cầu và giải pháp để củng cố khối đoàn kết trong Đảng khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng sau chiến tranh, bởi Người đã dự đoán được sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ mặc dù còn nhiều “khó khăn gian khổ”. Theo Hồ Chí Minh: “Đánh đổ giai cấp địch đã khó, đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều” bởi vậy “việc hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra, việc xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ hơn, đàng hoàng hơn trước chiến tranh…” và việc ''chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi'' là nhiệm vụ cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chính trong điều kiện mới này lại đòi hỏi ''Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết''. Đảng chỉ mạnh hơn khi sự đoàn kết thống nhất trong Đảng được tăng cường, điều này chỉ có thể thực hiện được tốt khi ''Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình''3. Muốn củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng thì cần “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình ... Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Về đoàn hết toàn dân
Bên cạnh việc nhấn mạnh đến đoàn kết trong Đảng, Người cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng khối đoàn kết toàn dân bởi đây “là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta''. Với Hồ Chí Minh, tương lai của đất nước, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được quyết định bởi chính truyền thống đoàn kết, điều này được thể hiện ở những dòng cuối cùng của Di chúc: ''Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới''2.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, để củng cố và tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải luôn quan tâm đến ''công việc đối với con người''. Theo Người: ''Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”3. ''Đối với những nạn nhân của chế độ cũ…thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương
thiện''4. Đây không chỉ là quan điểm tập hợp lực lượng hết sức rộng rãi mà còn thể hiện sâu sắc tư tưởng bao dung, nhân ái Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp xây dựng đất nước cần có khối đoàn kết đông đảo, rộng rãi, mạnh mẽ và chắc chắn. Khối đoàn kết đó không chỉ gồm toàn bộ những người từ phía ''bên này'' mà có cả người của phía “bên kia”. Người cho rằng sự nghiệp xây dựng đất nước cần đến lực lượng của tất cả mọi người, ''không để sót một người nào''.
Về đoàn kết quốc tế
Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam không thể tách rời sự đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình của các nước xã hội chủ nghĩa, bầu bạn khắp năm châu. Vì vậy, một trong những dự kiến đầu tiên của Người ngay sau khi chiến tranh kết thúc là: “tôi sẽ thay mặt nhân dân ta thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”4.
Trước khi qua đời, điều Hồ Chí Minh “đau lòng” nhất là “sự bất hoà” trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bởi vậy, Người không quên nhắc nhở “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”2. Thực tế cho thấy, với uy tín, nhiệt tình cách mạng và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, ngay từ những năm 1920, Người đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất giữa các lực lượng cách mạng trên thế giới.
Suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh gắn bó trọn vẹn với dân tộc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhân dân và bạn bè quốc tế. Cũng suốt đời mình, Người luôn phấn đấu, cống hiến cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết dân tộc và quốc tế. Vì vậy, trước khi qua đời Người ''để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” Việt Nam và cho đồng chí, bầu bạn, thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Từ việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, có thể rút ra một số vấn đề cần nhấn mạnh trong việc giảng dạy hiện nay:
Trước hết, cần thấy thực trạng của đoàn kết trong học sinh, sinh viên hiện nay: thực tế cho thấy, đa số sinh viên đều có quan điểm đúng đắn về vấn đề đoàn kết và biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay có hai hiện tượng đang xảy ra: thứ nhất, một bộ phận sinh viên chưa có
quan điểm đúng đắn về đoàn kết như: đoàn kết một chiều, không gắn với đấu tranh thể hiện ở việc che giấu hay không phê phán cái xấu, cái thiếu văn minh của nhau, thi hộ, làm bài tập hộ, học hộ... thứ hai, một bộ phận khác thiếu tinh thần đoàn kết để kẻ xấu lấy đồ của bạn bè, đánh bạn mà không có phản ứng gì, thậm chí ngay trong phạm vi lớp học cũng mâu thuẫn, cãi vã, đánh lộn nhau…
Từ thực tiễn này, việc giảng dạy tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh cần phải giúp cho sinh viên hiểu và thể hiện bằng những hành động cụ thể như sau:
- Giúp cho sinh viên thực sự thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng khối đoàn kết trong lớp, trong khoa và trong trường.
- Cần có quan niệm đúng đắn về đoàn kết. Đoàn kết luôn đi liền với đấu tranh, biết tự phê bình và phê bình nhau để tăng cường đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập và cuộc sống.
- Đoàn kết là phải biết yêu thương giúp đỡ nhau, phải luôn dũng cảm bảo vệ nhau trước những hành động của kẻ xấu, kẻ ác. Biết phát huy tinh thần của tập thể trong mọi hoạt động của lớp, của khoa và của Trường.
- Muốn đoàn kết chặt chẽ thì cần tôn trọng những quan điểm riêng của từng người, biết gác lại những bất đồng, phát huy tương đồng và luôn biết hy sinh cái tôi cá nhân mà vì tập thể với tinh thần “mình vì mọi người”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996.
2. Hội đồng TW chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003.