“TRỒNG NGƯỜI” HIỆN NAY Ngô Văn An

Một phần của tài liệu DI CHÚC của CHỦ TỊCH hồ CHÍ MINH và VIỆC vận DỤNG vào GIẢNG dạy các môn KHOA học lý LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY (Trang 31 - 36)

Ngô Văn An

Bộ môn Những nguyên lý cơ bản...

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của Đảng, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nhân dân thế giới. Trước lúc đi xa, Người đã để lại một bản di chúc quý báu kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc là quan điểm vì con người và giải phóng con người. Khi đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Người đã căn dặn phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh: Theo người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm. Người chỉ rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt”, “Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được, và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.Vì thế, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn thương binh, liệt sĩ và giúp đỡ gia đình họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ căn dặn về đãi ngộ vật chất, động viên tinh thần mà Người còn quan tâm tới cách thức làm thế nào để thương binh, những ngưòi đã hy sinh một phần xương máu của mình “có thể dần dần “tự lực cánh sinh” và cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ “có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”, tức là để họ có thể tự mình làm ra tất cả, không ỷ lại, thụ động và bất lực trước hoàn cảnh khó khăn.

Đối với nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đối với nhân dân lao động nói chung Người căn dặn “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ xã hội cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gọi họ là "nạn nhân của chế độ xã hội cũ" và nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến họ, hướng thiện và hướng nghiệp cho họ theo tinh thần "đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại: "Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Nhà nước phải vừa dùng giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện". Đó cũng chính là truyền thống khoan dung, triết lý khoan dung của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã kế thừa và khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi người chúng ta.

Lòng thương yêu con người của Bác không chỉ là sự quan tâm, chăm sóc mà còn là sự nhắc nhở chăm lo cải tạo và xây dựng con người, nhằm giải phóng con người. Bác đã chỉ ra rằng: người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu, có thiện và ác trong lòng, điều này phần lớn do giáo dục mà ra, thái độ của người cách mạng là phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Trong Di chúc, Bác viết: mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”.

Trong Di chúc, Người viết “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trong và rất cần thiết”. Trong bồi dưỡng, đào tạo những con người kế tục sự nghiệp cách mạng phải coi trọng cả đức và tài, để họ vừa “hồng” vừa “chuyên”, trong đó Người đặt lên hàng đầu là đạo đức cách mạng. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu và căn dặn: “Đảng và chính quyền cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Trong quan điểm về xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ, để họ tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Theo Người: “Nói phụ nữ là nói đến phần nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không

giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa”. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Lòng thương yêu con người của Bác không chỉ là sự quan tâm, tin tưởng, giáo dục động viên mà còn phải hành động, làm những việc thiết thực, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người. Bác đã khẳng định: Chính phủ của ta là công bộc của dân, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, phải chú ý giải quyết hết những vấn đề dầu khó khăn, phức tạp đến đâu. Để hoàn thành thắng lợi công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, theo Bác phải làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó, “toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều làm chúng ta vô cùng xúc động là nội dung Người viết về việc riêng mà ở đó tư tưởng yêu thương con người và tất cả vì con người được thể hiện rất sâu sắc. Về việc tang lễ, Người dặn “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đối với thi hài, phần mộ và nơi an nghỉ cuối cùng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dặn lại những việc nên làm để cho “những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi” và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vì cuộc sống của con người.

Lòng thương yêu con người của Bác thật rộng lớn và sâu sắc, đó là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng, tin tưởng vào sức mạnh của con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, giải phóng con người. Đó là tình thương yêu con người của một trái tim lớn vô cùng nhân hậu. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“ Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy, nặng phù sa…”

Tình thương yêu con người là động lực mãnh liệt thôi thúc hoạt động vì nước, vì dân trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình thương yêu con người ấy cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng, mọi con người, tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng cho dân tộc, cho mọi người và cho mỗi con người.

Vận dụng quan điểm vì con người và giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua bản Di chúc đòi hỏi mỗi người giảng viên lý luận chính trị chúng ta cần phải góp phần làm tốt hơn nữa công việc “trồng người”, phải thấm nhuần tư tưởng của Người là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” và “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên”, công tác đào tạo bồi dưỡng phải đạt cho được mục tiêu giáo dục toàn diện để lực lượng thanh niên sau khi đào tạo đủ sức phục vụ nhân dân. Do vậy, đối với người giảng viên lý luận chính trị hiện nay cần phải xác định được rằng giảng dạy lý luận chính trị không phải chỉ là truyền đạt những nội dung kiến thức cho sinh viên mà còn phải giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách cho họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về con người: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đào tạo, xây dựng được những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác.

Vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa toàn diện có đủ “đức” đủ “tài” đòi hỏi mỗi giảng viên lý luận chính trị cần phải có tấm lòng yêu nghề, yêu người một cách thực sự bằng tất cả những gì mình có được cùng với lương tâm nghề nghiệp để đầu tư trí tuệ, công sức lên mỗi trang giáo án, bài giảng. Cần phải củng cố niềm tin của thanh niên, sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và hiện thực ngày càng tốt đẹp của công cuộc đổi mới đất nước. Khi họ đã có niềm tin vững chắc thì sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích, hiệu quả hoạt động của mình và sẽ hoạt động hăng say, tích cực trong học tập, công tác, đóng góp thiết thực cho đất nước, xã hội.

Bên cạnh việc củng cố niềm tin của thanh niên sinh viên vào Đảng, vào chế độ, phải tăng cường giáo dục cho họ tình cảm yêu nước nồng nàn. Yêu nước, tức là yêu độc lập của đất nước; yêu chủ nghĩa xã hội; là phải làm giàu

cho gia đình và đất nước; phải trung với Đảng, với nước, hiếu với nhân dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế hiện nay thì "trung" và "hiếu" phải được coi là giá trị nổi bật để thanh niên - sinh viên không dễ sa vào cạm bẫy của kẻ thù. Có thể nói giáo dục tình cảm yêu nước là nội lực quan trọng để tạo cho thanh niên, sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước, ý chí tự lực tự cường, say mê trong lao động, học tập.

Phải quan tâm giáo dục ý thức cộng đồng; để mỗi cá nhân hăng say phấn đấu trong lao động, học tập và khẳng định mình, gắn mình với cộng đồng, với xã hội. Đồng thời cộng đồng phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, trưởng thành của mỗi cá nhân. Sự gắn bó của cá nhân với cộng đồng và sự quan tâm của cộng đồng đối với cá nhân sẽ tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn giúp cho thanh niên vượt qua những điều kiện khó khăn, quyết tâm phấn đấu giành thắng lợi cho bản thân, qua đó đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Trong việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cho sinh viên, cần kết hợp giữa giáo dục những phẩm chất truyền thống như yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, trung hiếu, cần, kiệm,... với các giá trị đạo đức mới như chủ động, sáng tạo, tự lập, tự chủ, vượt khó,... Có như vậy mới giúp họ khẳng định bản thân và hòa nhập vào xã hội hiện đại; hơn nữa, để họ không mất gốc mà còn có điều kiện vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ.

Kết hợp giữa giáo dục đạo đức, lý tưởng với giáo dục lý luận trong thanh niên sinh viên, là yêu cầu cấp thiết đối với việc giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay, nhằm góp phần hình thành và củng cố lý tưởng sống đúng đắn cho thanh niên - sinh viên của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn làm được điều đó trong giai đoạn hiện nay mỗi một giảng viên cần phải tự vượt lên trên chính bản thân mình. Bản thân phải nổ lực không ngừng, phải thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn tìm tòi sáng tạo, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại vào quá trình giảng dạy để bài giảng của mình có sức hấp dẫn cao, có hiệu quả nhất. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tri thức và công nghệ mới là công việc thường xuyên mà người giảng viên phải quan tâm. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên còn phải là tấm gương sáng, tâm huyết với nghề với sự nghiệp đào tạo của mình. Đó là những công việc thiết thực để làm theo tư tưởng nhân văn và chiến lược xây dựng con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Một phần của tài liệu DI CHÚC của CHỦ TỊCH hồ CHÍ MINH và VIỆC vận DỤNG vào GIẢNG dạy các môn KHOA học lý LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w