3. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NNL CÁC DTTS VÙNG TÂY BẮC
3.8. Giải pháp về nâng cao nhận thức
Quan điểm của Đảng “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”; và “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển”… luôn là quan điểm xuyên xuốt trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp Uỷ Đảng và Chính quyền các tỉnh Tây Bắc về vai trò của con người và nguồn lực con người hiện nay vẫn còn nhiều lệch lạc.
Tây Bắc tiến hành CNH-HĐH từ một nền kinh tế nghèo nàn, cơ sở công nghệ nhìn chung còn lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng sùng bái những điều kiện vật chất của sản xuất như vốn, vật tư, kỹ thuật, hàng hoá… mà ít chú trọng đến yếu tố con người. Mặt khác, do tâm lý trông chờ vào sự bao cấp, hỗ trợ từ ngân sách trung ương nên hầu hết các tỉnh ở Tây Bắc hiện nay từ lý luận đến thực tiễn đều chú trọng vào việc quản lý vốn, quản lý vật tư, quản lý khoa học kỹ thuật, quản lý hàng hoá… mà chưa thực sự chú trọng vào việc quản lý và sử dụng tài nguyên con người.
Trên thực tế, những ý tưởng khoa học hoàn thiện nhất, những sơ đồ công nghệ tiên tiến nhất cũng khó có thể đưa lại kết quả như mong muốn nếu thiếu những con người có khả năng vận dụng chúng vào thực tiễn. Vì vậy, cần phải thực sự coi nguồn lực con người là nguồn vốn lớn nhất, quan trọng nhất trong tất cả các nguồn lực hiện có để tiến hành CNH-HĐH đất nước. Sự đổi mới về nhận thức phải được chuyển biến thành hành động, thành chương trình, nghị quyết cụ thể. Sự đổi mới nhận thức này trước hết phải xuất hiện từ các cán bộ quản lý, lãnh đạo Đảng, Chính quyền, các ngành kinh tế (Tài chính, Kế hoạch, Thương mại du lịch…) và đặc biệt là bộ phận cán bộ tham mưu góp phần hoạch định chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ sự chuyển biến về mặt nhận thức, các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền cần có Nghị quyết về vấn đề tăng ngân sách cho phát triển nguồn lực con người cả về y tế, giáo dục và văn hoá. Vai trò của nguồn lực con người phải được thể hiện ở các chương trình, chiến lược, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.