Năng lực làm chủ của nhân dân thể hiện trong các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Để tiến hành CNH-HĐH phải đi đôi với tăng cường nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân trong công tác phát triển NNL. Kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy ở đâu năng lực làm chủ của nhân dân được nâng cao thì ở đó mọi người yên tâm, phấn khởi làm ăn; qua đó các các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không ngừng phát triển và đạt những thành tựu đáng kể. Ở nhiều địa phương do không quan tâm đúng mức đến công tác này nên số đông thanh niên muốn rời bỏ quê hương ra thành thị là do tính dân chủ ở địa phương còn kém, không hấp dẫn thanh niên, đặc biệt là những thanh niên có trình độ CMKT giỏi - một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám”.
Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn. Thông qua bầu cử, người dân tự lựa chọn ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Điều này đã được Hiến pháp Việt Nam (1992) khẳng định. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 29 ngày 11/5/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường và Nghị định số 71 ngày 8/9/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan.
Xét ở tầm vĩ mô, trong cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2002-2007 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ngày 25/4/2004 đã có tới hơn 99% số cử tri đi bầu. Trong tổng số 30 Đại biểu trong đoàn Đại biểu Quốc hội của Tây Bắc có 18 đại biểu người dân tộc thiểu số (chiếm 60%), 17 đại biểu dân tộc thiểu số xuất thân ở Tây Bắc (05 người Mông, 01 người Giáy, 01 người Bố Y, 01
người Hà Nhì, 03 người Thái, 01 người Lào, 02 người Mường, 01/02 người Tày, 01 người Kháng, 01 người Dao). Trong 17 người ấy có 07 người là nữ, 14 người có trình độ Đại học, 02 người có trình độ Thạc sĩ, 01 người có trình độ Tiến sĩ [TL-50]. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn các thành viên Chính phủ về cách thức điều hành của Chính phủ, đặc biệt đối với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc thực thi các quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ. Nhà nước tôn trọng quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Các cơ quan Chính phủ phải tiếp dân, nghe dân trình bày và giải đáp cho dân, đồng thời phải tổ chức kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ về việc thi hành Luật Báo chí cũng quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được ý kiến, kiến nghị phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển hay đăng, phát trên báo, người đứng đầu cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội hữu quan phải thông báo cho cơ quan báo chí biết tình hình giải quyết vụ việc. Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.v.v…
Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề tại hầu khắp các địa bàn cơ sở ở Tây Bắc, tình hình chưa lấy gì làm lạc quan. Người dân các DTTS vùng Tây Bắc hiện rất thiếu các điều kiện để nâng cao năng lực làm chủ trong công tác phát triển NNL, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tại đây, các đơn vị cơ sở (thôn, bản) là cấp gần dân nhất. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có đến được với người dân hay không đều thông qua thôn, bản.
Trong xã hội truyền thống, nếu như các làng của người Kinh ở đồng bằng có ngôi đình làm trung tâm sinh hoạt văn hoá thì ở các thôn, bản của các DTTS vùng Tây Bắc không có một tụ điểm tương tự. Nhà văn hoá thôn/bản được thiết kế xây dựng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào nên hầu hết “cửa đóng then cài” quanh năm. Thông tin tuyên tuyên trực tiếp do đó không phát huy hiệu quả. Mặc dù, hàng tháng hay hàng quý, chính quyền cơ sở đều qua hình thức họp dân để phổ biến các chính sách, tình hình nhiệm vụ mới, kiến thức pháp luật, dân số kế hoạch hoá gia đình, kỹ thuật khuyến nông - khuyến lâm… nhưng hầu hết mọi cuộc hội họp đều mượn địa điểm nhà dân rất khó khăn, phiền hà. Vì vậy, nhiều người ngại đi họp vì không được tự do thoải mái. Hệ quả là nhiều thông tin đồng bào không được biết, nhất là những thông tin về sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật…
Việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng được phát triển. Đến nay, đồng bào các DTTS trong vùng được cấp phát miễn phí 17 đầu báo, tạp chí đến tận thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; diện phủ sóng phát thanh truyền hình ở Tây Bắc hiện đạt trên 80%; nhưng do trình độ học vấn của người dân hạn chế, nhu cầu về văn hoá đọc chưa phổ biến. Hầu hết cư dân các DTTS vùng Tây Bắc đều ít đọc báo, nhiều người hầu như cả năm không biết đến tờ báo là gì. Thông tin qua hệ thống phát thanh truyền hình cũng bị hạn chế. Do điều kiện kinh tế, thiếu nguồn điện, địa hình phức tạp, các thôn, bản cư trú rải rác… nên hình thức tuyên truyền này cũng không đạt kết quả cao, người dân ít được cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2004, ở Tây Bắc chỉ có 41,52% hộ gia đình có ti vi; 22,52 hộ có radio/cassette. Số xã có trạm truyền thanh rất ít. Tỉnh Lào Cai chỉ có 20 trạm/180 xã, phường, thị trấn; tỉnh Sơn La có 40 trạm /193 xã; Điện Biên – Lai Châu có 18 trạm/156 xã.
Nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phát triển NNL. Chỉ khi nào, năng lực làm chủ của nhân dân được nâng cao, việc tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội được đẩy mạnh thì khi đó công tác phát triển NNL mới có thể được tiến hành một cách tự giác, triệt để và toàn diện.