Giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ

Một phần của tài liệu nghiên cứu tính đa dạng thành phần loài côn trùng bộ cánh cứng (coleoptera) tại xã phỏng lái huyện thuận châu tỉnh sơn la (Trang 66 - 67)

Thúc đẩy nhanh công tác quy hoạch lại khu vực dân cư cho phù hợp, để giảm thiểu tác động đến các nguồn tài nguyên rừng nói chung vì phần lớn người dân sống ở ven rừng, cuộc sống còn phụ thuộc khá nhiều vào rừng.

Thực hiện xây dựng quy ước, hương ước trong cộng đồng, tiến hành việc ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của người dân và sự nhất trí, ủng hộ của chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm.

Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tuyên truyền chính sách tới tận cơ sở, thôn, xã, xóm; ngoài ra, cũng cần phải nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách ở địa phương.

Thu nhập từ hoạt động lâm nghiệp của các hộ nông dân miền núi chưa cao và chưa xứng với tiềm năng lao động và đất đai của miền núi đã dẫn đến tình trạng họ chưa gắn bó với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Nguyên nhân chính là các chính sách phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập, cần phải được cải thiện để có thể thu hút nhiều hơn sự quan tâm của họ vào phát triển nguồn tài nguyên quý giá này.

Gắn kết lợi ích kinh tế với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và bảo tồn các loài côn trùng bộ cánh cứng nói riêng bằng các biện pháp giao đất giao rừng, đưa họ thật sự trở thành chủ thể chính trong quá trình thực thi giao đất, giao rừng; triển khai rộng rãi hệ thống khuyến nông, khuyến lâm theo hướng nông lâm kết hợp để phát huy hiệu quả của chính sách giao đất, giao rừng.

Khuyến khích người dân trồng thêm những loài cây cải tạo đất, cây ăn quả thích hợp vừa có tác dụng cải tạo đất vừa tăng độ che phủ chống xói mòn lại có thêm thu nhập. Việc trồng thêm các loài cây có hoa còn có tác dụng rất hữu hiệu là tạo ra nơi cư trú cho các loài côn trùng, đặc biệt là những loài côn trùng có ích là thiên địch của các loài sâu hại, bù lại sẽ làm cho mùa màng bội thu bằng việc thụ phấn cho các loài cây có hoa.

Mở các lớp tập huấn về kỹ thuật điều tra phát hiện sâu bệnh hại rừng, phổ cập phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM) cho lực lượng tham gia bảo vệ rừng.

Một phần của tài liệu nghiên cứu tính đa dạng thành phần loài côn trùng bộ cánh cứng (coleoptera) tại xã phỏng lái huyện thuận châu tỉnh sơn la (Trang 66 - 67)