CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.6. Lý luận về các chính sách đối phó với khủng hoảng tài chính
Từ hai giả thuyết quan trọng của học thuyết Keynes về nguyên nhân của suy thoái kinh tế: (1) Suy thoái kinh tế bắt nguồn từ nền kinh tế có năng lực sản xuất dư thừa (các yếu tố đầu vào cho sản xuất không được sử dụng hết công suất, thất nghiệp trên thị trường lao động, máy móc bị bỏ bê trong khu vực doanh nghiệp và hàng hóa ế thừa). Tình trạng dư cung làm cho giá của tất cả các mặt hàng trên thị trường giảm nhưng vẫn không khuyến khích được người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Cứ như vậy cầu càng ở xa dưới cung thực tế và nền kinh tế rơi vào suy thoái. (2) Chính phủ có khả năng chủ động chi tiêu toàn bộ, thậm chí nhiều hơn thu nhập của mình. Trong khi đó, các khu vực không phải chính phủ (hộ gia đình và khu vực tư nhân) thường chi tiêu ít hơn thu nhập (tâm lý để dành). Nguồn tiết kiệm từ khu vực ngoài chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư ở khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái các doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm vì đầu tư lúc này không có khả năng mang lại lợi nhuận. Theo (1), Keynes cho rằng nền kinh tế suy thoái tạm thời vì không có đủ cầu cho cung đang dư thừa. Bài toán cho suy thoái kinh tế gặp rắc rối ở việc thiếu cầu hiệu lực do đó nếu xuất hiện lượng cầu có hiệu lực đủ lớn thì bài toán sẽ tìm được lời giải. Hơn nữa, theo giả thuyết thứ (2) của học thuyết Keynes, chỉ có Chính phủ mới có khả năng mạnh tay chi tiêu (ngay cả khi nền kinh tế đang rơi vào suy thoái), khi mà cả khu vực tư nhân và hộ gia đình không muốn chi tiêu. Sự dịch chuyển sức mua từ khu vực dân cư và tư nhân vào tay Chính phủ để tăng cầu hiệu lực sẽ đưa nền kinh tế ra khỏi cái bẫy đình đốn do thiếu sức mua.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính đến nền kinh tế. Các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế bao gồm các nhóm chính sách kích cầu đó là: chính sách tiền tệ (monetary policy), chính sách tài khóa (fiscal policy) và chính sách tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, do nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết nên việc kết hợp các chính sách vi mô như việc xem xét các nhóm xã hội khác nhau và các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế cũng có ý nghĩa thiết thực trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế.