CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2.3. Mô hình “Nguy cơ phá sản các ngân hàng”
Ngân hàng và các công ty tài chính là những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Hệ thống ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế, có chức năng thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong dân cư để sử dụng hiệu quả hơn. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng xảy ra tình trạng quản lý yếu kém, làm ăn
không hiệu quả. Nếu ngân hàng sử dụng các nguồn lực tài chính của xã hội một cách lãng phí, cho vay bất chấp hiệu quả đầu tư thì tác hại của nó lại nhân lên gấp bội. Trong trường hợp đó, nếu nền kinh tế không thể loại bỏ được những ngân hàng này thì chính nền kinh đó đang tích lũy dần các điều kiện gây nên khủng hoảng. Những yếu tố dẫn đến nguy cơ phá sản một ngân hàng:
Các doanh nghiệp- con nợ chính của các ngân hàng làm ăn thua lỗ, bị phá sản. Khi các doanh nghiệp phá sản hàng loạt khiến cho số nợ khó đòi của ngân hàng tăng lên, hậu quả là ngân hàng mất dần khả năng thanh toán và cuối cùng là đi đến phá sản.
Nhu cầu rút vốn tăng lên đột ngột, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng. Điểm nguy hiểm của hệ thống ngân hàng là tính lan truyền rất nhanh chóng, chỉ vì có một ngân hàng yếu kém để xảy ra tình trạng trên cũng có thể kéo theo hàng loạt các ngân hàng đang hoạt động bình thường khác cũng bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn nữa là nếu các ngân hàng này không có đủ dự trữ hoặc không được hỗ trợ kịp thời cũng hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ phá sản.
Sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động cho vay của ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhà nước. Chính phủ có thể can thiệp bằng nhiều cách như: buộc ngân hàng cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh cho các khoản vay. Sự nhúng tay quá sâu của Chính phủ như vậy khiến cho các thủ tục thẩm định tín dụng vốn rất cần thiết nay chỉ mang tính hình thức, không được coi trọng đúng mức. Vì thế, vốn vay có thể đến tay những doanh nghiệp yếu kém, khả năng trả nợ thấp khiến nợ khó đòi của ngân hàng tăng lên và làm tăng nguy cơ phá sản của ngân hàng.