Khủng hoảng tiền tệ (Currency Crisis)

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp kinh tế nông lâm phân tích ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 34)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1.2.1.Khủng hoảng tiền tệ (Currency Crisis)

Theo định nghĩa của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF: “khủng hoảng tiền tệ là trạng thái mà ở đó một cuộc tấn công vào đồng nội tệ dẫn tới sự thâm hụt phần lớn dự trữ ngoại tệ và làm đồng tiền nội tệ mất giá nhanh chóng hoặc buộc các cơ quan chức năng phải có biện pháp phòng vệ bằng cách sử dụng một lượng dự trữ ngoại tệ lớn hoặc nâng cao mức lãi suất”. Khủng hoảng tiền tệ chiếm vị trí trung tâm trong các nghiên cứu về khủng hoảng tài chính vì khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ thường đi kèm hoặc kéo theo các dạng khủng hoảng khác, chẳng hạn như khủng hoảng ngân hàng (còn được gọi là “khủng hoảng kép”).

Lý thuyết nghiên cứu về khủng hoảng tiền tệ

Các mô hình nghiên cứu về khủng hoảng tiền tệ ra đời cùng với các cuộc khủng hoảng tiền tệ đã từng diễn ra trong lịch sử và được xây dựng thành ba mô hình tương ứng với ba cuộc khủng hoảng.

Mô hình thứ nhất dùng để giải thích cho cuộc khủng hoảng xảy ra tại các nước Châu Mỹ Latinh vào những năm cuối thập kỷ 70 do Krugman(1979) phát triển trên cơ sở các nghiên cứu trước đó của Salant và Henderson (1978). Trọng tâm của các nghiên cứu này là các chính sách vĩ mô với tỷ giá hối đoái được neo giữ cố định. Tình trạng thiếu đồng bộ trong các chính sách kinh tế tạo ra nhiều bất ổn cho nền tảng kinh tế, khiến tỷ giá hối đoái cố định không thể tiếp tục duy trì và hệ quả tất yếu là sẽ có sự điều chỉnh về tỷ giá. Các nguyên nhân vĩ mô của khủng hoảng loại này là do tăng

trưởng kinh tế quá nóng, những yếu kém trong hệ thống ngân sách và do nền kinh tế hoạt động nghèo nàn.

Mô hình thứ hai bắt đầu bằng những nghiên cứu của Obsbteld (1986 và 1996). Khủng hoảng tiền tệ xảy ra do có sự dịch chuyển từ trạng thái cân bằng này sang trạng thái cân bằng khác, như từ tỷ giá hối đoái cố định sang tỷ giá hối đoái thả nổi hoặc từ tỷ giá hối đoái cố định sang tỷ giá hối đoái cố định khác nhưng với tỷ giá thấp hơn. Một điển hình khác của loại khủng hoảng này liên quan tới các khoản thâm hụt tài chính của Chính phủ dẫn đến việc các nhà cho vay đồng loạt thu hồi lại vốn cho vay và gây sụp đổ hệ thống tiền tệ hoặc do hoạt động đầu cơ của các quỹ đầu tư lớn.

Lý thuyết về khủng hoảng tiền tệ có thêm một bước tiến mới sau khủng hoảng tài chính ở Đông Á năm 1997. Những nghiên cứu từ cuộc khủng hoảng này đã phát triển thành mô hình khủng hoảng thuộc thế hệ thứ ba của khủng hoảng tiền tệ. Khủng hoảng xảy ra khi đất nước bị sụt giảm nhanh chóng về nguồn vốn do những hoảng sợ về tài chính đến từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, các nước duy trì một tỷ giá cố định với chức năng như một “hợp đồng bảo hiểm rủi ro tỷ giá” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi có dự báo về việc tỷ giá cố định không thể tiếp tục được duy trì sẽ khiến các nhà đầu tư cảm thấy khoản đầu tư của mình không an toàn nữa và đồng loạt rút vốn để đầu tư vào những tài sản ít biến động hơn. Sự ra đi ồ ạt của các khoản vay ngân hàng làm cho đất nước thiếu hụt trầm trọng dự trữ ngoại tệ và yếu kém về khả năng thanh toán.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp kinh tế nông lâm phân tích ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 34)