Mô hình “Nguy cơ phá sản doanh nghiệp”

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp kinh tế nông lâm phân tích ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 38)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.2.2. Mô hình “Nguy cơ phá sản doanh nghiệp”

Trong bất kỳ nền kinh tế thị trường nào, quá trình cạnh tranh sẽ đào thải những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Chính quy luật này đã tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp phải tìm cách để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành đơn vị, tăng khả năng cạnh tranh và coi đó là cơ sở quyết định sự tồn tại hay phá sản của doanh nghiệp. Như vậy, quá trình cạnh tranh tất yếu sẽ làm các doanh nghiệp kém hiệu quả nhất bị phá sản và trong trường hợp đó các nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế không có khả năng loại bỏ các doanh nghiệp kém thì có nghĩa là đã khuyến khích cho việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên và tích lũy dần sự yếu kém cho nền kinh tế. Lúc này, chỉ cần một tác động làm tăng chi phí đầu vào hoặc giảm chi phí đầu ra một cách đột ngột thì sẽ khiến cho hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế xã hội cho đất nước. Doanh nghiệp phá sản sẽ không trả được nợ ngân hàng và có thể kéo theo các ngân hàng cũng phá sản theo vì mất khả năng thanh khoản.

Có nhiều nguyên nhân làm doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Doanh nghiệp phung phí vốn, thiếu quan tâm đến hiệu quả đầu tư và làm cho nợ ngày càng gia tăng. Nguồn vốn vay giống như “một con dao hai lưỡi”; nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đòn bẩy nợ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn vì có chi phí sử dụng thấp hơn tương đối so với các nguồn vốn khác; nhưng nó cũng có thể đưa doanh nghiệp đến chỗ phá sản nhanh chóng nếu sử dụng vốn vay phung phí, không hiệu quả. Vay vốn bất chấp hiệu quả đầu tư thì nguy cơ dẫn đến phá sản là rất lớn. Khi quốc gia bị thâm hụt tài khoản thương mại kéo dài, Chính phủ phải nâng lãi suất nội địa lên để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính lãi suất quá cao này lại hạn chế các doanh nghiệp nội địa mượn tiền để đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ. Kết quả là hiệu quả sản suất vẫn không cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa vẫn kém.

Cơ cấu sản phẩm và chiến lược kinh doanh không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư đổi mới công nghệ đã làm giá cả nhiều loại sản phẩm giảm mạnh và ngày càng có nhiều sản phẩm mới ra đời thay thế sản phẩm cũ. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp chậm đổi mới cơ cấu sản phẩm sẽ dần mất đi thị trường tiêu thụ, giảm thu nhập và có nguy cơ phá sản rất cao.

Môi trường kinh doanh vĩ mô bị biến động nhưng Chính phủ không có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Ví dụ như trong trường hợp các nước cố gắng duy trì tỷ giá cố định trong khi lạm phát trong nước gia tăng sẽ khiến hạn chế xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh và phá sản trong nước.

Tỷ giá hối đoái tăng mạnh gần như trở thành một đòn quyết định đốn ngã các doanh nghiệp có nhiều khoản vay nợ nước ngoài để thanh toán hàng nhập khẩu hoặc đầu tư. Khi tỷ giá tăng lên đột ngột khiến gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp này tính bằng đồng nội tệ tăng lên, dần vượt quá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp và đi đến phá sản doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp kinh tế nông lâm phân tích ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w