2. Giải pháp
2.3. Hạn chế nhập khẩu lậu vàng
Một là, việc xuất nhập khẩu vàng cần được siết chặt quy định. Việt Nam là nước có rất nhiều cửa khẩu, lại là quốc gia giáp biển tạo nhiều con đường thuận lợi cho việc nhập lậu vàng. Theo sự đánh giá của WGC, Việt Nam là một nước tiêu thụ rất nhiều vàng lậu. Vì vậy, NHNN và Cục hải quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đưa ra các điều luật gắn với thực tế và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Cần tăng cường bộ phận thanh tra, giám sát các nguồn vàng ra vào tại các doanh nghiệp, các hóa đơn xuất nhập khẩu vàng để đối chiếu với lượng vàng xuất nhập thực tế. Từ đó có thể phát hiện ra lượng vàng nhập lậu và xử lý. Bên cạnh đó, các hình phạt đối với hành vi gian lận, nhập lậu vàng không có giấy cho phép, không theo quy định của nhà nước cũng cần tăng mức răn đe. Ngoài phạt hành chính như đã quy định từ trước, nguồn vàng nhập lậu sẽ bị thu giữ, đồng thời không cấp phép xuất nhập khẩu cho các cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm quá 3 lần.
Hai là, giảm thuế nhập khẩu vàng. Theo thông tư 193/2012/TT-BTC, mặt hàng đồ trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng (không phân biệt hàm lượng vàng) có mức thuế suất nhập khẩu là 25% và 30%. Mặt hàng vàng nguyên liệu: loại có hàm lượng dưới 99,99% áp dụng mức thuế suất 10%, loại có hàm lượng 99,99% trở lên (phải được kiểm tra và công nhận) áp dụng mức 0%. Mặt hàng đồ trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng: loại có hàm lượng vàng từ 80% trở lên áp dụng mức thuế suất xuất khẩu là 10%; loại có hàm lượng vàng dưới 80% áp dụng mức 0%. Nếu như thuế nhập khẩu vàng
giảm xuống, tình trạng nhập lậu sẽ giảm vì các doanh nghiệp không cần quá lo lắng về thuế nộp, chi phí cho quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ giảm, vậy nên sẽ không tìm cách nhập lậu vàng về nước.