Để đảm bảo độ an toàn cao, hệ thống công nghệ thông tin phải có tính năng hỗ trợ chạy trên nhiều máy chủ cho phép hệ thống gia tăng đáng kể tốc độ hạch toán và truy xuất thông tin phục vụ công tác quản lý, giao dịch với khách hàng. Do vậy, Ngân hàng cần phải khai thác triệt để, đồng bộ hệ thống thanh toán điện tử IPCAS để hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành, quản lý rủi ro tín dụng và giao dịch khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Nhưng hiện nay hệ thống công nghệ thông tin chưa hỗ trợ nhiều trong công tác báo cáo rủi ro nên công tác này còn có nhiều khó khăn về nhân sự, về tính kịp thời của các báo cáo. Do vậy ngay lập tức cần thiết kế những báo cáo tín dụng có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin.
3.2.9 Về lâu dài nên có bộ phận chuyên xử lý nợ có vấn đề.
Hiện nay hầu hết các khoản nợ quá hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thanh Bình vẫn do các bộ phận kinh doanh quản lý giải quyết.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thanh Bình cũng là một chi nhánh kinh doanh tín dụng như những chi nhánh khác tại Việt Nam, do vậy nên thành lập một bộ phận chuyên xử lý những khoản vay có vấn đề. Quản lý các khoản tín dụng có vấn đề yêu cầu phải có những kỹ năng chuyên môn mà không phải tất cả cán bộ tín dụng hay cán bộ quản lý đều có những kỹ năng này. Tách riêng việc quản lý các khoản vay có vấn đề sẽ cho phép cán bộ phụ trách tập trung hoàn toàn vào khoản tín dụng đó mà không bị phân tán bởi các việc khác như tiếp thị hay phục vụ các khách rủi ro thấp. Một lý do tế nhị nữa là nếu cán bộ tín dụng đã có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng thì giữa họ và khách hàng đã trở nên quá thân thiện, do vậy yêu cầu biện pháp mạnh mẽ là một thay đổi hết sức khó khăn mà không phải ai cũng có thể dễ dàng ứng xử. Một cán bộ chuyên phụ trách xử lý khoản vay có vấn đề còn có các thuận lợi khác như: Sẽ đánh giá lại các vấn đề mà không bị ảnh hưởng bởi các chuyện trong quá khứ; có kinh nghiệm để ngay lập tức xây dựng một phương án xử lý các điểm yếu của tín dụng cho tương lai…