- Thứ ba, áp lực của lạm phát và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế
3.4. Một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả chính sách kích cầu đầu tư
Vấn đề đặt ra là triển khai các “gói kích cầu” như thế nào để đạt được hiệu quả, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất những hệ luỵ có thể gây ra đối với nền kinh tế. Điều này đòi hỏi phải quán triệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, việc sử dụng các nguồn lực kích cầu cần bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, đem lại hiệu quả, trong mức độ cho phép và mang tính ngắn hạn. Kích cầu phải có trọng tâm, trọng điểm và triển khai đồng bộ trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng, trong đó cần ưu tiên cho các đối tượng bị “tổn thương” nhiều trong khủng hoảng kinh tế; các lĩnh vực, dự án, công trình có tính chất cấp bách, quan trọng, quay vòng vốn nhanh, có khả năng kích thích phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, miền, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa tạo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động. Với tiêu chí đó, kích cầu ở nước ta hiện nay cần coi trọng ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tư nhân; các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn và dừng các dự án kém hiệu quả. Kích cầu là để chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bởi vậy kích cầu phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện kích cầu với cải cách hành chính, đặc biệt là giảm cơ chế “xin - cho”.
Hai là, kích cầu cần phải đặt trong tổng thể chính sách vĩ mô của Nhà nước chứ không thể tách riêng. Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục triển khai các “gói kích cầu” một cách hiệu quả cần có sự đánh giá kịp thời, nghiêm túc, chính xác tác dụng của “gói kích cầu” ngắn hạn đã triển khai. Qua đó để thấy rõ hơn những gì đã đạt được và chưa đạt được so với mục tiêu đề ra của “gói kích cầu”, nhất là những bài học kinh nghiệm cần thiết cho việc xác định các giải pháp tiếp theo một cách phù hợp.
Ba là, cần có sự cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch trong việc tiếp cận vốn kích cầu. Theo đó, mục tiêu, thời gian, cách thức triển khai “gói kích cầu”và những đối tượng, dự án nào được hưởng vốn kích cầu, những ai làm chủ đầu tư... cần được công bố công khai rộng rãi để có một sự cạnh tranh nhất định. Tránh tình trạng “mù mờ”, khép kín, làm nảy sinh tiêu cực và hạn chế tác dụng, hiệu quả của các “gói kích cầu”.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương trong việc thực hiện “gói kích cầu” nhằm hạn chế việc chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng, gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực, đồng thời ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng trở lại sau giai đoạn kích cầu làm tổn hại đến nền kinh tế. Thường xuyên cập nhật thông tin để có những đánh giá và dự báo chính xác tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, trên cơ sở đó điều chỉnh hệ thống chính sách phù hợp với tình hình cụ thể. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong việc thực hiện “gói kích cầu”.
Năm là, để việc thực hiện các giải pháp kích cầu hiện nay một cách hiệu quả, đi đôi với những việc làm trên cần tập trung rà soát, khắc phục các vướng mắc, khó khăn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa kích cầu đầu tư với kích cầu tiêu dùng, giữa đẩy mạnh xuất khẩu với mở rộng khai thác thị trường nội địa, trong đó cần chú trọng cả thị trường ở khu vực nông thôn và thị trường khu vực thành thị.
Cuối cùng, là giảm thiểu các tác động trái chiều: Để giảm thiểu các tác động trái chiều của “gói kích cầu” cần chú ý: Không “kích cầu” tuỳ tiện theo thành tích hoặc theo lợi ích ngắn hạn. Thực hiện tốt hơn việc lựa chọn hợp lý và công khai các tiêu thức, cũng như thuận lợi hoá các thủ tục giải ngân cho các dự án thuộc danh mục được kích cầu. Tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào khai thác sử dụng, các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế, các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững... Đặc biệt, ưu tiên vốn cho các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng; nhất là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế-xã hội và môi trường.. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn trong gói kích cầu nhằm khơi thông thị trường vốn và thị trường tiêu thụ nước ngoài mới cho các doanh nghiệp trong nước.