Sự thành công của Thái Lan trong phát triển TMCB về gạo bắt nguồn từ nhiều yếu tố như hoạt động của HTX, phát triển tập trung một số loại gạo.
3.2.2.1. Thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã (HTX) và tổ chức nông dân
Mô hình HTX và tổ chức nông dân ở Thái Lan đã ra đời từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân. Năm 1968, với mục tiêu đẩy mạnh phong trào HTX, Chính phủ Thái Lan đã ban hành Luật HTX, cho phép thành lập HTX ở các cấp độ cao hơn với nhiều chức năng (Cooperative movement in Thailand, n.d). Năm 2010, ở Thái Lan có 6962 HTX và tổ chức nông dân với 10,33 triệu thành viên, chiếm khoảng 15% dân số và ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Bảng 3.6. Số lượng HTX và thành viên tại Thái Lan giai đoạn 2000-2010
Số lượng HTX và Tổng số thành viên Năm
Tổ chức nông dân (triệu người)
2000 5610 8,08
2002 5629 8,45
2004 6247 8,93
2008 6868 10,10
2009 6928 10,30
2010 6962 10,33
Nguồn: Ủy ban xúc tiến HTX Thái Lan
HTX tại Thái Lan gồm HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó chủ yếu là HTX nông nghiệp với 60% số lượng HTX và thành viên tham gia.
HTX cho phép các thành viên tham gia sản xuất và giúp đỡ lẫn nhau để đạt được cho mình một cuộc sống tốt hơn. Điểm ưu việt của các HTX này là việc đáp ứng nhu cầu của các thành viên về các khoản vay với lãi suất thấp, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu nông nghiệp và sự hỗ trợ của chính phủ để giảm chi phí và đạt năng suất cao, đàm phán với các đối tác để có được mức giá cao hơn.
Các HTX và tổ chức nông dân đóng vai trò quan trọng, gia tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nông dân trồng gạo ở Thái Lan. Người nông dân tham gia HTX có mức sống cao hơn đáng kể so với người nông dân thông thường nhờ mức giá cao hơn được trả bởi HTX (240 EUR so với 230 EUR vào năm 2008 tại Bak Rua và Kud Chum). Hơn nữa, các HTX này cũng giúp đưa phương thức sản xuất hữu cơ và TMCB đến với người sản xuất gạo, điển hình là GNC. Được thành lập năm 1993, Green Net đã phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi hoạt động ra cả các vùng lân cận. Các thành viên HTX được tham gia đàm phán mức giá, sản xuất và hưởng lợi ích từ TMCB. Mức giá TMCB mà người sản xuất gạo được trả còn cao hơn nhiều so với mức giá được trả bởi HTX địa phương.
3.2.2.2. Phát triển tập trung vào một số loại gạo để tạo thương hiệu
Các loại gạo TMCB tại Thái Lan chủ yếu là các loại thương hiệu gạo nổi tiếng đã được định vị trên thị trường thế giới như gạo jasmine, Hom Mali, Khaw Dawk Mali. Việc sử dụng những loại gạo này phát triển TMCB giúp tận dụng được thương hiệu và thị trường sẵn có, giữ được mức giá cao và ổn định, đồng thời đẩy mạnh thương hiệu gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế.
Thương hiệu gạo này có được là do Thái Lan đã lấy tên thương hiệu là tên của giống lúa đã tạo nên chất lượng gạo đặc thù của giống và giá cũng theo đặc thù từng loại giống quyết định. Hơn nữa, Thái Lan cũng xuất khẩu đa dạng các loại gạo xuất khẩu có thương hiệu riêng nên giá trị xuất khẩu cao và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng nước ngoài.
3.2.2.3. Nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào TMCB
Những nhà sản xuất là trung tâm của TMCB. Vì thế, để TMCB phát triển nhanh và bền vững thì việc nâng cao nhận thức người nông dân, giúp họ hiểu về vai trò và vị thế của mình trong TMCB là điều hết sức cần thiết. Thái Lan đã làm được điều này thông qua những dự án tăng cường nhận thức người nông dân về TMCB, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia vào TMCB bằng cách trao quyền cho họ trong việc chọn giống, xác định giá TMCB.
3.2.2.4. Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển TMCB về gạo
Chính phủ Thái Lan đã có rất nhiều biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ các dự án phát triển TMCB, đồng thời tham gia kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của TMCB tại nước này.
3.2.2.4.1. Hỗ trợ tài chính, nghiên cứu cho TMCB
Để người nông dân và doanh nghiệp tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp nói chung và gạo TMCB nói riêng, Chính phủ Thái đã có rất nhiều hành động tích cực. Năm 1986, thuế xuất khẩu gạo Thái Lan được xóa bỏ. Chính phủ Thái còn tăng cường hỗ trợ tín dụng cho người nông dân bằng cách thành lập Ngân hàng cho Nông nghiệp và HTX nông nghiệp, là một tổ chức tài chính công, hoạt động với mục tiêu cung cấp tín dụng cho người nông dân với mực lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra những chính sách góp phần làm giảm giá đầu vào sản xuất cho nông nghiệp nói chung và cho sản xuất gạo TMCB nói riêng. Chính phủ Thái Lan cũng đã hỗ trợ đáng kể về tài chính cho các hoạt động nghiên cứu TMCB. Năm 2000, Nội các Chính phủ đã ủng hộ 15,8 triệu USD cho một dự án thí điểm 3 năm của Hiệp hội phát triển nông nghiệp bền vững (Sustainable Agriculture) cho những nhà sản xuất nhỏ lẻ, hợp tác với Quỹ tài trợ Nông nghiệp Bền vững và thử nghiệm trên 3.500 hộ nông dân. Năm 2005, Chính phủ Thái đã dành 1,215.9 triệu baht (tương đương với USD) ngân sách cho dự án “nông nghiệp hữu cơ TMCB”. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, Chính phủ Thái Lan còn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu để thực hiện những dự án nghiên cứu & phát triển cho tất cả các phân đoạn trong chuỗi giá trị của sản xuất gạo nói chung và gạo TMCB nói riêng.
Không chỉ chính quyền cấp Bộ tạo điều kiện cho TMCB phát triển, chính quyền cấp địa phương tại nước này cũng tham gia hỗ trợ rất nhiều cho TMCB. Một ví dụ điển hình cho sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là Surin. Ở tỉnh Surin, chính
quyền tỉnh đã hỗ trợ tài chính cho các hợp tác xã bằng cách cấp cho các hợp tác xã này một khoản trợ cấp để mở rộng và cải thiện trang thiết bị, cơ sở hạ tầng lưu kho, và trả một phần phí dán nhãn TMCB. Đồng thời, Quỹ Gạo của tỉnh này cũng tham vấn cùng các nhà cầm quyền Chính phủ về tiêu chuẩn cho nông sản hữu cơ TMCB và tìm cách giúp đỡ những người nông dân của tỉnh này trong việc nhận được giấy chứng nhận nông sản tiêu chuẩn. Sự hỗ trợ không nhỏ từ chính quyền địa phương đã góp phần đưa tỉnh Surin trở thành tỉnh sản xuất nông sản hữu cơ TMCB đầu tiên của cả nước.
3.2.2.4.2. Kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ sự phát triển TMCB
Năm 2002, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Lan đã thành lập Văn phòng Nhà nước về Nông nghiệp và các tiêu chuẩn nông sản (ACFS – National Office of Agricultural and Food Commodity Standards). ACFS chịu trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra các tiêu chuẩn cho nông, thủy hải sản và kiểm tra giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn đó của những nhà sản xuất trong nước. Dưới sự giám sát và hỗ trợ thực hiện của ACFS, gạo Thái Lan được sản xuất dưới quy trình nghiêm ngặt hơn, tuân thủ đúng hơn các tiêu chuẩn và do đó có đem lại khả năng được dán nhãn TMCB cao hơn.