CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và kết quả điều trị viêm niêm mạc tử cung sau đẻ tại bệnh viện phụ sản trung ương (Trang 50 - 52)

Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới đã có một số nghiên cứu về tình trạng viêm niêm mạc tử cung sau đẻ. Nghiên cứu này nhằm xác định một số yếu tố nguy cơ gây viêm niêm mạc tử cung và tìm hiểu một số căn nguyên vi khuẩn thường gặp trong viêm niêm mạc tử cung sau đẻ tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Đồng thời đánh giá kết quả điều trị viêm niêm mạc tử cung sau đẻ nhằm góp phần dự phòng và giảm nhẹ những biến chứng của viêm niêm mạc tử cung với sản phụ.

4.1 ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

4.1.1Tuổi

Tuổi trung bình của 360 đối tượng nghiên cứu là 28,69 ± 5,12. Thấp nhất là 18 tuổi, cao nhất là 47 tuổi.

Độ tuổi hay gặp nhất là lứa tuổi sinh đẻ từ 20 cho đến 35 tuổi. Kết quả trên cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Sỹ Thịnh năm 2010 [47]. Lý giải cho điều này có thể do 20- 35 tuổi là độ tuổi có tỷ lệ sinh đẻ cao nhất. Vì vậy điều này hoàn toàn hợp lý khi số lượng bệnh nhân viêm niêm mạc tử cung ở nhóm này là cao nhất.

4.1.2Nghề nghiệp

Đối tượng nghiên cứu là cán bộ công chức chiếm tỷ lệ lớn nhất 64,4%, trong đó của nhóm viêm niêm mạc tử cung là 66,7% và của nhóm không viêm niêm mạc tử cung là 63,3%. Sự khác biệt về nghề nghiệp của 2 nhóm bệnh và nhóm chứng là không có ý nghĩa thống kê nghĩa là nhóm bệnh và nhóm chứng khá tương đồng với nhau về mặt nghề nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho việc đánh giá các yếu tố nguy cơ của viêm niêm mạc tử cung được chính xác hơn.

Kết quả nghiên cứu phân bố nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu này có khác biệt so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Liên [44]. Theo Nguyễn Thị Phương Liên thì phân bố nghề nghiệp giữa các nhóm là tương đương nhau, trong khi đó trong nghiên cứu này, số bệnh nhân nằm trong nhóm cán bộ công chức chiếm tỷ lệ hơn hẳn 66,4%. Lý giải cho sự khác biệt này có thể do nghiên cứu này được tiến hành tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương nên đa số bệnh nhân sống ở Hà Nội hoặc khu vực xung quanh Hà Nội, số bệnh nhân ở các tỉnh khác đến đẻ và điều trị tại viện Phụ Sản Trung Ương không nhiều. Hơn nữa, ở những đối tượng này do điều kiện về kinh tế xã hội, nên sau đẻ có thể họ có những biểu hiện bệnh nhưng họ chỉ điều trị tại nhà hoặc đến cơ sơ Y tế gần nhất để điều trị. Chỉ những trường hợp nặng, tuyến dưới không điều trị được mới chuyển lên tuyến trên.

4.1.3Nơi cư trú

Trong nghiên cứu của chúng tôi thì các đối tương nghiên cứu thuộc nhóm bệnh (nhóm VNMTC) sống tại thành thị là 65,0%, và ở nông thôn là 35,0%. Kết quả này cũng tương đương với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Sỹ Thịnh năm 2010 [47]. Lý giải cho điều này có thể là phần lớn đối tượng nghiên cứu sống tại thành thị vì nghiên cứu được tiến hành tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, đa số các sản phụ sống ở Hà Nội hoặc khu vực ngoại ô Hà Nội mới có điều kiện thuận lợi để đến khám và điều trị tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

Cũng giống như sự phân bố độ tuổi, nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu, sự khác biệt về nơi cư trú của nhóm bệnh và nhóm chứng là không có ý nghĩa thống kê với p> 0,05. Sự tương đồng giữa phân bố tuổi, nghề nghiệp và nơi cư trú tạo điều kiện để nghiên cứu đánh giá các yếu tố nguy cơ của VNMTC được khách quan hơn.

4.1.4Số lần nạo hút thai, số lần sinh

Trong nghiên cứu của chúng tôi tiền sử số lần nạo hút thai trung bình của nhóm bệnh là 0,44 ± 0,77 (lần). Và của nhóm chứng là 0,68 ± 0,954 (lần). Sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê với p> 0,05. Trong đó, có 60,8% tổng số đối tượng nghiên cứu có số lần nạo hút thai là 0 lần chiếm tỷ lệ cao nhất. Số đối tượng có trên 3 lần nạo hút thai trước đó có tỷ lệ thấp nhất 5,6%. Trong số các đối tượng nghiên cứu, tỷ lệ mang thai lần đầu và lần thứ 2 chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ mang thai ≥ 3 lần chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Cũng tương tự như số lần nạo hút thai, số lần sinh nở của sản phụ cũng được đánh giá qua bảng 3.4. Trong đó số sản phụ đẻ con lần đầu và con lần 2 chiếm phần lớn 90,3%. Số sản phụ đẻ con từ lần thứ 3 trở lên chỉ chiếm khoảng 9,7%. Điều này cũng là hợp lý vì hiện nay công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình cũng được nhà nước và ngành Y tế quan tâm nhiều hơn, Bên cạnh đó, đời sống được cải thiện, trình độ dân trí phát triển, người dân đặc biệt là cán bộ công chức cũng ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch là điều cần thiết để đảm bảo hạnh phúc cho cuộc sống gia đình. Vì thế tỷ lệ người sinh con thứ 3 cũng ít hơn so với những người có 1-2 con.

Sự khác biệt về tiền sử sản khoa của các đối tượng nghiên cứu trong 2 nhóm bệnh và nhóm chứng là không có ý nghĩa thống kê. Điều này cũng là cần thiết trong việc khảo sát các yếu tố nguy cơ của viêm niêm mạc tử cung.

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và kết quả điều trị viêm niêm mạc tử cung sau đẻ tại bệnh viện phụ sản trung ương (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(82 trang)
w