3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.1.4.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của thỏ
Sinh trưởng của thỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố , trước hết là yếu tố giống, tính biệt, phương thức chăn nuôi, dinh dưỡng, kỹ thuật và điều kiện chăm sóc. Ngoài ra các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm cũng có ảnh hưởng tới sinh trưởng của thỏ.
* Ảnh hưởng đặc tính di truyền của phẩm giống
Theo Nguyễn Văn Thiện và cs. (1998)[17] giống luôn là nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi, giống khác nhau cho năng suất khác nhau, giống khác nhau cho khả năng tăng khối lượng, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng khác nhau, khả năng này phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng của con vật, đó sẽ là quá trình tích lũy các chất mà chủ yếu là protein, tốc độ và phương thức sinh tổng hợp protein phụ thuộc vào hoạt động của hệ thống gen điều khiển sự sinh trưởng của cơ thể. Thời kỳ đầu khi con vật còn bú sữa, các bộ phận chức năng của cơ quan chưa phát triển đầy đủ như: bộ máy tiêu hóa, sự điều khiển thân nhiệt, phải sau một thời gian nhất định các bộ phận này mới được hoàn thiện dần dần.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Theo Lebas và cs.(1991)[12] hệ số di truyền về tốc độ tăng trưởng hàng ngày trong thời kỳ đầu tiên sau cai sữa là h2 = 0,2 - 0,4. Theo các nhà nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng từ tuổi cai sữa đến tuổi giết thịt không phụ thuộc tuyến tính vào số lượng thỏ con một lứa. Các mối tương quan di truyền giữa tốc độ sinh trưởng và trọng lượng cá thể ở 28 ngày tuổi (cai sữa), ở 70 ngày tuổi lần lượt là 0,35 và 0,93. Tương quan di truyền giữa tốc độ tăng trưởng và trọng lượng giết mổ (cân móc hàm ở 11 tuần tuổi) là 0,87, nên việc chọn lọc có thể nhằm vào tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày từ tuổi cai sữa đến tuổi giết thịt. Về phương diện di truyền, tốc độ tăng trưởng hàng ngày sau cai sữa tương quan với lượng thức ăn viên tổng hợp tiêu thụ là 0,7 - 0,8. Lượng thức ăn tiêu thụ này, bản thân nó cũng có khả năng di truyền. Việc chọn lọc về mặt tăng trưởng sau cai sữa tức là chọn lọc những con thỏ thích nghi tốt với những chấn động thần kinh thời kỳ cai sữa, ăn khỏe nhất và có sức sống mạnh nhất.
* Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng và thức ăn
Trong chăn nuôi, giống là tiền đề, thức ăn là cơ sở, do đó dinh dưỡng không những ảnh hưởng tới sinh trưởng mà còn ảnh hưởng đến biến động di truyền về sinh trưởng. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển của từng mô khác nhau, gây nên sự biến đổi trong sự phát triển của mô này đối với mô khác, nó ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng thịt thỏ khi giết mổ. Mối quan hệ giữa protein và năng lượng trong khẩu phần là hai yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ thịt nạc, thịt mỡ và tiêu tốn thức ăn của thỏ thịt.
Trong giai đoạn phát triển của bào thai, nếu thiếu dinh dưỡng đặc biệt là thiếu đạm và rau cỏ xanh sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành của cơ thể con vật làm cơ thể phát triển không hoàn chỉnh. Tình trạng này kéo dài tới khi con vật trưởng thành gọi là suy dinh dưỡng. Thức ăn và chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh trưởng của con vật.
Khi cung cấp thức ăn cân đối và đầy đủ về thành phần dinh dưỡng thì sinh trưởng nhanh cũng như tiêu tốn đơn vị thức ăn cho một kg tăng trọng giảm. Riêng trong quá trình nuôi thỏ cái hậu bị, nếu cho thỏ ăn khẩu phần có hàm lượng tinh bột
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
quá cao sẽ làm cho thỏ quá béo. Thỏ quá béo thì mỡ phát triển ở tử cung gây trở ngại cho sự rụng trứng. Do đó không nên nuôi thỏ hậu bị với mức năng lượng cao. Tuy nhiên, thỏ cái giống gầy khi chửa thai sẽ phát triển kém, những ngày đầu khi mới thụ thai có thể thai sẽ bị tiêu đi do thiếu dinh dưỡng. Nuôi thỏ ở mức dinh dưỡng thấp kéo dài thì khi trưởng thành con vật sẽ có biểu hiện không bình thường, dễ mắc bệnh làm chậm thành thục về sinh lý dẫn đến sức sản xuất thấp. Vì vậy, trong chăn nuôi thỏ cần phải cung cấp dinh dưỡng cân đối và đầy đủ để chúng phát huy tốt khả năng sinh trưởng cũng như các hoạt động sinh lý diễn ra bình thường.
Theo Lebas và cs.(1991)[12] ảnh hưởng của đường kính thức ăn viên đến sinh trưởng của thỏ California được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 1.4. Ảnh hƣởng của kích thƣớc thức ăn viên đến sinh trƣởng
Đường kính thức ăn (mm) 2,5 5,0 7,0
Lượng ăn hàng ngày (g/ngày) 117,0 122,0 131,0
Tăng trọng (g/ngày) 32,4 33,7 32,0
Chỉ số tiêu tốn thức ăn 3,7 3,7 4,1
Khác với các vật nuôi khác, thỏ chịu bụi rất kém do cấu tạo xoang mũi có nhiều vách ngăn nên cho ăn thức ăn bột thỏ sẽ hít phải lượng bột lớn, bột chui vào mũi gây viêm mũi vì vậy dùng thức ăn bột không có lợi. Để khắc phục khó khăn này, người ta kết tụ hỗn hợp bằng cách đưa vào máy dập viên, với những thức ăn thông thường, đường kính lý tưởng là 3 - 4mm và không nên quá 5mm để tránh lãng phí, chiều dài không nên quá 8 - 10mm.
Đối với chăn nuôi trong nông hộ người chăn nuôi thường dùng nước sạch trộn với cám ngô hoặc cám gạo cũng là cách để khắc phục nhược điểm này.
Thỏ rất dễ phản ứng với những thay đổi đột ngột về ăn uống, chăm sóc, chuồng trại hơn các gia súc khác. Đối với rau cỏ trồng dưới nước hoặc rau cỏ nhiễm bẩn dễ gây cho thỏ bệnh cầu trùng, ỉa chảy,... do đó khi cho thỏ ăn phải xử lý bằng cách rửa sạch bằng nước sạch nhiều lần. Những loại rau, lá có hàm lượng nước lớn
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
như rau bắp cải... thì nên phơi ráo nước đề phòng thỏ bị chướng hơi đầy bụng. Thức ăn thô xanh nên cắt gối (cắt hôm nay, mai cho ăn) không nên để lâu ngày. Các loại củ nên cắt thành miếng nhỏ để thỏ ăn dễ dàng. Riêng củ khoai tây nên luộc chín để giải phóng chất độc, khi mọc mầm không cho thỏ ăn. Nên chủ động thức ăn thô khô vào mùa đông hiếm thức ăn hoặc dùng trong những ngày mưa to kéo dài. Cỏ dự trữ cần được phơi nắng, tránh ẩm mốc.
Nên cho thỏ ăn đúng giờ, vì nếu giờ giấc không ổn định thì dẫn đến rối loạn tiêu hóa bởi vì dịch vị không tiết ra hoặc tiết ra ít, quy luật sinh lý bị thay đổi. Thỏ rất thích ăn đêm, đây cũng là đặc tính di truyền từ tổ tiên để lại. Nên cho thỏ ăn 3 bữa trong ngày vào các giờ từ 7-8 h; 14-17 h và 20-21 h (Đinh Văn Bình, 2007)[5].
* Ảnh hưởng của yếu tố môi trường
- Nhiệt độ: Ảnh hưởng của nhiệt độ là rõ rệt nhất vì thỏ là loại gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh, đặc biệt là nhiệt độ. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, hơn nữa các tuyến mồ hôi không hoạt động, cơ thể chủ yếu thải nhiệt qua đường hô hấp. Nếu nhiệt độ tăng lên 450C thì thỏ sẽ chết trong vòng 1 giờ. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ tăng từ 50C đến 300C tiêu thụ của thỏ đang lớn giảm 120 - 180 g/ngày với thức ăn viên và tăng từ 330 - 390 g/ngày với nước.
Để giảm tối thiểu tác hại của nhiệt độ đối với thỏ thì phải có hệ thống chống nóng hợp lý. Nhà nuôi phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh có cây cối um tùm, nhiệt độ chuồng nuôi thích hợp cho sinh trưởng là 25 - 280
C.
- Ẩm độ: Ngoài nhiệt độ thì ẩm độ cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của thỏ, ẩm độ cao thỏ dễ mắc một số bệnh về đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng phát triển gây bệnh đường ruột làm giảm tăng trưởng, đặc biệt ẩm độ cao thỏ rất dễ mắc bệnh cầu trùng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thỏ rất mẫn cảm với ẩm độ quá thấp (<55%) nhưng lại không mẫn cảm với ẩm độ quá cao. Điều thỏ sợ nhất là sự thay đổi đột ngột về ẩm độ, muốn đạt được hiệu quả tốt nhất nên duy trì một ẩm độ ổn định ở 60 - 65% là tốt nhất. Do vậy, cần cải tiến điều kiện tiểu khí
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
hậu chuồng nuôi làm cho chuồng nuôi có độ thoáng tốt giảm được ẩm độ, cung cấp đủ ô xi, kết hợp với chế độ chiếu sáng và mật độ thích hợp.
- Thông gió: Thông gió tối thiểu ở các nhà nuôi phải được đảm bảo để tống các khí độc do thỏ thải ra (CO2) hoặc do các ổ lót và phân (NH3, H2S...). Nếu thông gió không tốt thì các khí này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của thỏ. Thỏ rất sợ gió to, gió lùa thẳng và mạnh dễ làm thỏ bị viêm mũi và cảm lạnh, tốc độ lưu chuyển phù hợp là 0,3 m/giây. Điều này cũng lưu ý đối với người chăn nuôi, không nên đặt lồng chuồng thỏ quá cao, tránh gió lùa từ dưới lên làm cho thỏ lạnh bụng và chết, chiều cao phù hợp là 0,5 - 0,7m.
- Mùa vụ: Đối với thỏ việc chịu rét tốt hơn là chịu nóng nên yếu tố mùa vụ ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng, phát triển của thỏ. Thường thì thỏ sinh trưởng, phát triển tốt vào mùa thu đến mùa xuân mà không có trở ngại gì lớn, những tháng hè, thỏ sinh trưởng chậm hẳn. Do vậy, việc nuôi thỏ trong những tháng hè oi nóng cần có hệ thống làm mát tốt, chuồng trại phải thông thoáng, thức ăn cân đối giàu dinh dưỡng, thức ăn xanh phải tươi sạch. Việc thay đổi thời tiết khí hậu qua các mùa có ảnh hưởng trực tiếp tới cây thức ăn thực vật là nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc nên nó cũng gián tiếp ảnh hưởng tới gia súc. Vì vậy cần có kế hoạch tròng các loại cây thức ăn đảm bảo cung cấp đủ thức ăn trong mùa đông giúp thỏ sinh trưởng và phát triển bình thường khi khan hiếm thức ăn (Lebas và cs,1991)[12].