Đặc điểm lâm sàng rối loạn thần kinh tự trị trong RLLALT

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn thần kinh tự trị trong rối loạn lo âu lan tỏa (Trang 57 - 67)

4.2.1 Phân bố nhóm triệu chứng chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa theo ICD 10

Trong bảng phân loại bệnh ICD 10 của Tổ chức y tế thế giới, rối loạn lo âu lan tỏa được chẩn đoán khi bệnh nhân phải có các triệu chứng lo âu nguyên phát trong đa số các ngày trong ít nhất nhiều tuần, thường là nhiều tháng và gồm các triệu chứng sau:

Sợ hãi: lo lắng bất hạnh tương lai, cảm giác “dễ cáu”, khó tập trung tư tưởng.

Căng thẳng vận động: bồn chồn đứng ngồi không yên, đau căng đầu, run rẩy,

không có khả năng thư giãn.

Hoạt động quá mức thần kinh tự trị: đầu óc trống rỗng, ra mồ hôi, mạch nhanh hoặc thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, chóng mặt, khô mồm.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thu được kết quả: 100% bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh tự trị. Các triệu chứng sợ hãi biểu hiện rõ ràng 65,9%, căng thẳng vận động biểu hiện rõ ràng 86,4% bệnh nhân.

Chúng tôi nhận thấy, 100% bệnh nhân có biểu hiện rõ ràng của hoạt động quá mức hệ thần kinh tự trị. Như vậy trong rối loạn lo âu lan tỏa, ngoài biểu hiện lo lắng mơ hồ các sự kiện hàng ngày, rối loạn hệ thần kinh tự trị là triệu chứng quan trọng, luôn gặp và ảnh hưởng đến đời sống người bệnh.

4.2.2 Phân bố rối loạn thần kinh tự trị theo nhóm các cơ quan

Rối loạn lo âu lan tỏa là một rối loạn gồm nhiều triệu chứng biểu hiện không cố định, ưu thế trên một cơ quan mà lan khắp các cơ quan trên cơ thể. Trên lâm sàng, ngoài triệu chứng kinh điển là lo âu quá mức không kiểm soát được thì triệu chứng đặc trưng là rối loạn thần kinh tự trị rất phong phú và đa dạng, bao gồm các biểu hiện về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh – cơ, da – giác quan.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thu được kết quả, biểu hiện rối loạn thần kinh tự trị xuất hiện trên tất các cơ quan với tỉ lệ như sau: Tim mạch: 93,2%, Hô hấp: 81,8%, Tiêu hóa: 86,4, Thận – tiết niệu: 31,8%, Thần kinh – cơ: 65,9%, Da – giác quan: 90,9%.

Triệu chứng trên nhóm tim mạch cao nhất 93,2%, tương đương với

nghiên cứu của Nguyễn Thị Phước Bình (2010) là từ 60% - 93% , kết quả này phù hợp với nhận xét của Sylvia Kreibig. Khi nghiên cứu đã ảnh hưởng của cảm xúc tới hệ thần kinh tự trị ông đã chỉ ra rằng: Khi con người gặp các yếu tố cảm xúc tiêu cực (lo lắng, sợ hãi, giận dữ) thì kích thích hệ thần kinh tự trị huyết áp tâm thu, tâm trương, nhịp tim đều tăng .

Nhóm tim mạch tỉ lệ cao nhất theo chúng tôi có lẽ là do: Rối loạn lo âu biểu hiện ra triệu chứng hưng phấn thần kinh tự trị kích thì tim mạch là cơ quan ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Dường như tim mạch gắn với sự sống, sự lưu thông khí huyết trong cơ thể nên nó phản ứng mạnh và tức thì. Triệu chứng tim mạch được biểu hiện với tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực, mặt đỏ bừng.

Triệu chứng trên nhóm hô hấp là 81,8%, kết quả này tương đương với nghiên cứu của Trần Trung Hà là triệu chứng hô hấp từ 68,4% - 71,7% . Theo Corine de Ruiter, có 82% bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa xuất hiện hội chứng tăng thông khí với biểu hiện khó thở, thở nhanh nông, nghẹt thở .

Nhóm triệu chứng hô hấp bệnh nhân nghiên cứu, gặp tỉ lệ cao trong những bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa. Có lẽ hô hấp liên quan với hơi thở từng giây từng phút nên dường như chịu tác động nhiều

Triệu chứng trên nhóm tiêu hóa cũng khá cao với tỉ lệ 86,4%. Theo

Trần Hữu Bình, khi nghiên cứu trên các bệnh nhân trầm cảm có bệnh lí dạ dày ruột thì các triệu chứng nóng rát, co thắt thượng vị là 82,5% , Tangen Haug (2002) khi nghiên cứu mối liên quan rối loạn lo âu và triệu chứng tiêu hóa trên cộng đồng, ông nhận thấy có 48% bệnh nhân lo âu có biểu hiện táo bón, buồn nôn, ợ hơi .

Kết quả này khác biệt nghiên cứu của chúng tôi có lẽ là do nghiên cứu của Haug thực hiện tại cộng đồng, người bệnh có những biểu hiện khác nhau và dễ lẫn những triệu chứng thực thể. Còn nghiên cứu của chúng tôi chỉ thực hiện trên bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa và triệu chứng trong nhóm tiêu hóa là biểu hiện của sự rối loạn hệ thần kinh tự trị nên dường như tỉ lệ cao hơn.

Triệu chứng trên nhóm thận – tiết niệu thấp nhất 31,8%, kết quả này

cao hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Thu Hà (2012) là 8,6%.

Chúng tôi nhận thấy, các kết quả đều chỉ ra rằng triệu chứng nhóm thận – tiết niệu là thấp nhất trong các cơ quan. Có lẽ sự hưng phấn thần kinh tự trị trên nhóm thận – tiết niệu biểu hiện ra ít triệu chứng và dường như không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và đời sống của bệnh nhân.

4.2.3 Đặc điểm lâm sàng nhóm triệu chứng tim mạch

Nhóm triệu chứng tim mạch gồm các triệu chứng: Tim đập nhanh: nhịp tim ≥ 100 chu kì/phút; huyết áp tăng: khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và

hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg; hồi hộp: là trạng thái lòng xao xuyến không yên trước cái gì sắp đến mà mình đang quan tâm; đánh trống ngực: là cảm giác tim đập mạnh, nhịp tim nhanh, chậm thay đổi đột ngột; mặt đỏ bừng

Triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực xuất hiện nhiều nhất với 93,2%, tiếp theo là triệu chứng tim đập nhanh với 84,1%, mặt đỏ bừng với 13,6% và ít nhất là tăng huyết áp với 6,8%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Phước Bình (2010), có kết quả hồi hộp tim đập nhanh là 93% , nghiên cứu của Trần Trung Hà là 89,5% . Kết quả này phù hợp với nhận xét của Brown nhận thấy rằng bệnh cảnh hồi hộp đánh trống ngực xuất hiện nhiều hơn người bình thường khi có tác động tâm lí .

Điều được giải thích lo âu và triệu chứng tim mạch là mối quan hệ khăng khít. Trong quá trình nghiên cứu và hình thành chứng bệnh rối loạn lo âu lan tỏa ban đầu người ta còn gọi là rối loạn thần kinh tim. Từ năm 1871, Jacob Dacosta đã mô tả một hội chứng gọi là “soldier’s heart” (hội chứng tim ở binh sĩ) với các triệu chứng tim mạch mạn tính không có tổn thương thực thể kèm theo lo lắng, mệt mỏi...rất thường gặp trong binh lính tại cuộc nội chiến ở Mỹ thế kỉ 19. Cho đến tận chiến tranh thế giới thứ 2 người ta còn dùng cụm từ này mà ngày nay được gọi là rối loạn lo âu lan tỏa .

Triệu chứng mặt đỏ bừng với 13,6%, kết quả của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Trần Trung Hà (2000) là 68,4% . Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt so với nghiên cứu của Trần Trung Hà (2000) có lẽ do thời điểm nghiên cứu khác nhau, sự thay đổi bệnh lí cũng khác nhau.

Trong các triệu chứng thuộc nhóm tim mạch, chúng tôi nhận thấy chỉ có triệu chứng tăng huyết áp là nam 2 bệnh nhân nhiều hơn nữ 1 bệnh nhân. Các triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, mặt đỏ bừng chúng tôi có kết quả nữ giới cao hơn nam giới.

Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhận xét của Trần Thị Thu Hà (2012) tỉ lệ nữ luôn cao hơn nam giới. Tuy nhiên có sự khác biệt đôi chút trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Ví dụ triệu chứng tim đập nhanh tỉ lệ nữ (43,2%) cao hơn ở nam (40,9%) nhưng sự chênh lệch không lớn và kết quả không có ý nghĩ thống kê với p > 0,05, theo Trần Thị Thị Thu Hà tỉ lệ nữ (78,5%), nam (14,3%) .

Sự khác biệt có lẽ là do nghiên cứu của chúng tôi nhóm tuổi 18 - 45 còn của Trần Thị Thu Hà trên 45 tuổi nên biểu hiện triệu chứng có khác nhau.

Theo chúng tôi, sự khác biệt có lẽ là do trong nhiều trường hợp, các biểu hiện về tim mạch trong rối loạn lo âu thường khó phân biệt với biểu hiện của các rối loạn tim mạch trong bệnh lý thực thể nhất là bệnh nhân cao tuổi càng dễ có bệnh tim mạch kèm theo. Vì phụ nữ trên 45 tuổi bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh, nên xuất hiện các triệu chứng mãn kinh nên có thể tỉ lệ nữ cao hơn hẳn nam.

Trong nghiên cứu chúng tôi nhận thấy triệu chứng nhóm tim mạch xuất hiện nhiều thời điểm trong ngày là chủ yếu. Tim đập nhanh 78,4% xuất hiện nhiều thời điểm trong ngày, hồi hộp đánh trống ngực xuất hiện 80,5% nhiều lần trong ngày. Chỉ số ít là xuất hiện về chiều và tối. Có lẽ do chức năng tim mạch gắn liền với sự sống, lo âu dai dẳng trong ngày nên các triệu chứng rối loạn thần kinh tự trị xuất hiện nhiều trong ngày.

Ví dụ bệnh nhân nữ Nguyễn Thị O nữ 38 tuổi làm nghề kinh doanh. Bệnh nhân từ nhỏ đến lớn phát triển thể chất tâm thần bình thường, không mắc bệnh nội khoa mạn tính. Khoảng 2 năm nay bệnh nhân làm ăn khó khăn, hàng hóa ế ẩm. Sau đó hay lo nghĩ công việc nhiều hơn. Cứ khi lo lắng nghĩ ngợi bệnh nhân thấy tim đập rộn ràng, hồi hộp đánh trống ngực, căng thẳng không thể tập trung làm việc cảm giác tù túng bí bách. Sau đó cái cảm giác hồi hộp đánh trống ngực xuất hiện liên tục trong ngày, khi nghĩ về việc gì các

biểu hiện càng nặng hơn. Không thể tiếp tục buôn bán, ăn ngủ kém người mệt mỏi, bệnh nhân đi khám đông y, khám tim mạch nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Sau được giới thiệu sang chuyên khoa tâm thần được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa và điều trị nội trú. Bệnh nhân điều trị ổn định nhưng về nhà lại tái phát, lo lắng hồi hộp, đánh trống ngực cả ngày. Sau đó, đã vào viện điều trị 4 lần. Từ khi bị bệnh công việc dở dang, bệnh nhân luôn phải đi viện, kinh tế ngày càng khó khăn, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nhiều.

4.2.4 Đặc điểm lâm sàng nhóm triệu chứng hô hấp

Nhóm triệu chứng hô hấp gồm các triệu chứng: Khó thở: là tình trạng người bệnh cảm thấy không thoải mái, dễ dàng trong động tác thở; thở nhanh nông; hụt hơi: cảm giác mất sức lực không thở được; nghẹt thở: tình trạng đè nén không thể thở ra được; nặng ngực: cảm giác ngực có vật gì đè xuống.

Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả: tỉ lệ cao nhất là triệu chứng hụt hơi với 68,2%, tiếp đến là khó thở với 59,1%. Thấp nhất trong nhóm hô hấp là nghẹt thở với 29,%.

Theo David Semple, có 50-60% bệnh nhân rối loạn hoảng sợ có hội chứng tăng thông khí , La Đức Cương khi nghiên cứu bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm tỉ lệ khó thở là 49,1% . Nghiên cứu của chúng tôi kết quả cao hơn cos lẽ là do rối loạn lo âu lan tỏa được được đặc trưng bằng sự hưng phấn hệ thần kinh tự trị kích thích hệ giao cảm tác động vào trung tâm hô hấp dường như làm cho người bệnh thấy hụt hơi, khó thở, nghẹt thở, nặng ngực. Còn trong nghiên cứu của La Đức Cương bệnh nhân có cả triệu chứng lo âu và trầm cảm. Tuy có sự kích thích hệ thần kinh tự trị nhưng không mạnh mẽ trội nên hẳn như trong rối loạn lo âu lan tỏa.

Con người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống vài ngày thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng. Nhưng không ai có thể nhịn thở vài phút. Khi nhịn thở 3 – 4 phút

não đã bắt đầu chết do không có sự trao đổi khí, không có glucose nuôi dưỡng não. Điều đó cho thấy hô hấp là cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ giới nam giới nữ xuất hiện các triệu chứng là tương đương nhau với khó thở nam (27,3%), nữ (31,8%), hụt hơi nam (31,8%), nữ (36,4%) sự khác biệt không có ý nghĩa thống với p > 0,05. Trong nhóm hô hấp, chúng tôi nhận thấy tần xuất xuất hiện các triệu chứng chủ yếu về chiều và đêm với khó thở chiếm 53,8%, thở nhanh nông 66,7%, hụt hơi 63,3%, nghẹt thở 61,4%, nặng ngực 73,7%.

Các triệu chứng này ngược lại với biểu hiện của trầm cảm là mệt mỏi vào buổi sáng. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả khác biệt này có lẽ trong ngày khi tiếp xúc với các sự kiện thường nhật, những người lo âu bị tác động dần dần. Khi chiều và tối đến, sự lo lắng mơ hồ tăng lên và tác động kích thích hệ thần kinh tự trị gây nên các biểu hiện trên cơ quan hô hấp.

Ví dụ bệnh nhân nam Hà Văn H nam 34 tuổi làm ruộng. Bệnh nhân từ nhỏ đã là người tính cách cẩn thận hay lo lắng các việc trong nhà, không mắc bệnh nội khoa mạn tính. Bệnh nhân đã có gia đình nhưng hay mâu thuẫn với vợ vì vợ làm các việc trong nhà không như ý. Bệnh nhân thấy căng thẳng, không thể thư gãn được kèm theo đó là mệt mỏi, ngủ kém. Cứ khi lo lắng nghĩ ngợi bệnh nhân cảm giác ngực nặng nghẹt, hụt hơi cảm giác không còn sức lực để thở. Cảm giác khó thở hụt hơi xuất hiện nhiều hơn vào chiều và tối khiến người càng mệt mỏi, nhiều lúc bệnh nhân còn cảm thấy không thở được. Bệnh nhân đi khám hô hấp nhưng không có bất thường bệnh lí. Sau đó được bác sĩ giới thiệu sang chuyên khoa tâm thần được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa và điều trị nội trú. Từ ngày bệnh nhân đi viện công việc nặng nhọc trong nhà vợ phải lo toan. Bệnh nhân ra viện về nhà cũng không làm được. Cuộc sống ngày càng khó khăn, mâu thuẫn hay nảy sinh hơn và bệnh nhân

nhiều lúc lo nghĩ mà cảm giác như ngực bị đè xuống không thở được, cảm giác sắp chết đến nơi vì không thở nổi.

4.2.5 Đặc điểm lâm sàng nhóm triệu chứng tiêu hóa

Nhóm triệu chứng tiêu hóa gồm các triệu chứng: Nuốt vướng: cảm giác vướng ở phần họng, vướng ở chỗ dừng thức ăn; co thắt dạ dày: sự co thắt của cơ vùng dạ dày; nóng rát dạ dày; buồn nôn, nôn khan: cảm giác muốn nôn nhưng không nôn được; khô đắng miệng; đầy bụng, khó tiêu; sôi bụng; táo bón: từ 2 ngày trở lên mới đi ngoài, phân khô cứng, ít.

Nghiên cứu của chúng tôi thu được kết quả triệu chứng chiếm tỉ lệ cao nhất là khô miệng với 75%. Triệu chứng này cao nhất phù hợp với nhận định của David Semple ông cho rằng bệnh nhân khô miệng là do lo lắng (dưới tác động hệ thần kinh tự trị) và thở bằng miệng khi khó thở .

Triệu chứng buồn nôn nôn khan 40,9%, đầy bụng khó tiêu 40,8%, táo bón 22,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt và thấp hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Hà An, tỉ lệ là buồn nôn nôn khan 57,5%, đầy bụng khó tiêu 50%, táo bón 35% .

Sự khác biệt này là do Trần Thị Hà An nghiên cứu bệnh nhân rối loạn cơ thể hóa, bệnh nhân thường biểu hiện bằng sự phàn nàn các triệu chứng cơ thể đặc biệt là triệu chứng tiêu hóa nên có lẽ tỉ lệ sẽ cao hơn.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, triệu chứng khô miệng 75%, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn nôn khan cùng có tỉ lệ 40,9% đều cao nhất trong nhóm tiêu hóa cũng phù hợp nhận định của Michael H.Ebert (2008), ông cho rằng khô miệng, đầy bụng, buồn nôn, nghẹn là những triệu chứng hay gặp .

Trong nghiên cứu của chúng tôi về nhóm tiêu hóa nhận thấy rằng, hầu hết nữ giới cao hơn hẳn nam với các tỉ lệ nóng rát dạ dày nam (6,8%), nữ (20,9%), khô miệng nam (31,8%), nữ (43,2%), buồn nôn nam (11,3%), nữ (29,6%) sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Kết quả này không phù hợp so với nghiên cứu của Trần Thị Thu Hà là không có biệt giữa nam và nữ với các triệu chứng khó chịu vùng thượng vị cùng là 42,9%, khô miệng nam (42,9%), nữ (53,6%) .

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn thần kinh tự trị trong rối loạn lo âu lan tỏa (Trang 57 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w