- Bề mặt chân răng
Chương 4 BÀN LUẬN
4.1.1. Đặc điểm liền thương trên lâm sàng
Từ kết quả trong bảng 3.1 cho thấy: Sau 1 tuần, cả 12 con thỏ đều không có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân và tại chỗ, chứng tỏ quy trình điều trị cho cắm lại răng muộn đã đảm bảo loại bỏ được hết tổ chức hoại tử, đảm bảo được vô trùng khi cắm lại răng.
Khả năng ăn nhai của thỏ bị giảm trong tuần đầu có thể do thỏ đau nhẹ sau cắm lại răng. Hiện tượng đau này là phản ứng bình thường của quá trình liền thương sinh lý [15]. Kết quả trong bảng 3.2, 3.3, 3.4, 3.5 cho thấy: Từ 2 tuần trở đi, thỏ ăn như bình thường thể hiện răng cắm lại đã liền thương và thực hiện chức năng tốt. Đến tuần thứ 12, khả năng ăn đồ cứng của thỏ giảm do răng cắm lại bị gãy thân răng. Gãy thân răng ở cả 3 con thỏ còn tồn tại có thể được giải thích là do răng đã bị mất tủy, không còn nuôi dưỡng, do vậy mà tổ chức men, ngà giòn. Trong khi đó, thỏ là loài gặm nhấm, chúng phải gặm suốt ngày, lại không biết cách giữ gìn răng như ở người, điều đó dẫn đến răng bị gẫy.
Màu sắc răng thay đổi trong chấn thương là do hiện tượng chảy máu tủy, máu xâm nhập vào các ống ngà, hồng cầu giáng hóa thành Hemosiderin (một
phức hợp của sắt) lắng đọng trong ống ngà và nhuộm màu ngà. Mức độ của sự đổi màu răng sau chấn thương phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Răng sẽ bị đổi màu trong vài ngày sau chấn thương, và sau đó rối loạn sắc tố sẽ tự động biến mất trong trường hợp chấn thương nhẹ. Ngược lại, với những răng bị tổn thương nghiêm trọng có thể sẽ bị đổi màu dần dần, răng cuối cùng mất đi sức sống của nó trong một vài tháng. Sự thay đổi mầu sắc của răng cắm lại được thể hiện ở bảng 3.2 cho thấy trong vòng 2 tuần đầu không thấy hiện tượng thay đổi màu sắc răng là do trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành lấy bỏ hết tủy, đặt caxihydroxit vào ống tủy, do vậy đã kiểm soát tốt tình trạng chảy máu. Đến tuần thứ 4 bắt đầu có hiện tượng đổi màu răng nhẹ (Bảng 3.3). Từ tuần thứ 8 trở đi, tất cả các răng cắm lại đều đổi màu rõ (Bảng 3.4). Đây là do răng đã mất tủy, không còn được nuôi dưỡng, nên răng đổi mầu. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả khác cho thấy, sự đổi màu răng thường quan sát được từ tuần thứ 4 trở đi [34], [35].
Qua kết quả ở các bảng 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5 cho thấy độ chắc của răng thay đổi theo thời gian: Ngay sau tháo nẹp, phần lớn răng lung lay độ 1, có răng lung lay độ 2, không có răng nào không lung lay. Sang tuần thứ hai, tất cả các răng có độ lung lay giống như răng lành. Tuy nhiên, đến tuần thứ tư đã xuất hiện một số răng không lung lay, gõ có âm thanh chắc hơn răng bình thường. Từ tuần thứ 8 trở đi, tất cả các răng khám lại đều không lung lay, âm thanh gõ chắc. Điều này chứng tỏ sự dính khớp răng hoặc tiêu chân răng thay thế đã bắt đầu xuất hiện sau 8 tuần, tất cả các răng cắm lại muộn trên thỏ đều đã bị dính khớp hoặc tiêu chân răng thay thế.
Thử nghiệm gõ răng đánh giá sự lành thương sau cắm lại răng là một biện pháp được nhiều tác giả trên thế giới áp dụng. Khi thực hiện thử nghiệm gõ răng, người khám dựa trên hai tiêu chí đánh giá là đáp ứng đau khi gõ và
âm thanh phát ra so sánh với răng lành bên cạnh. Tuy nhiên, vì đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là trên thỏ, do vậy chúng tôi chỉ đánh giá âm thanh khi gõ. Âm thanh phát ra khi thử nghiệm gõ răng có 3 dạng âm thanh: âm thanh bình thường như các răng lành bên cạnh, âm thanh vang cao như gõ vào kim lại hoặc âm thanh trầm hơn. Âm thanh vang cao như gõ vào kim loại hay còn gọi là âm thanh đanh hơn thể hiện tình trạng tiêu xương ổ răng thay thế hay dính khớp răng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ răng có âm thanh vang cao khi gõ tại thời điểm tái khám sau 4 tuần là 22,2%, sang tuần thứ 8 là 100%. Chứng tỏ có hiện tượng dính khớp hoặc tiêu chân răng sau 8 tuần ở tất cả các răng được nghiên cứu.