1. Đặc điểm chung về tuổi, giới
Trong nghiên cứu của chúng tôi tiến hành từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2012 đã thu thập được 32 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn.
Trong số 32 bệnh nhân có 22 bệnh nhân nam (68,8%) và 10 bệnh nhân nữ (31,2%) tuổi bệnh nhân trong nghiên cứu chủ yếu gặp ở nhóm tuổi 40-60 và nhiều nhất là nhóm tuổi ≥ 70 (chiếm 25%). Trẻ tuổi nhất là 21, cao nhất là 87 tuổi. Nhóm bệnh nhân cao tuổi là nhóm bệnh nhân dễ bị mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa, luôn phải điều trị lâu, phải can thiệp thủ thuật nên dễ nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.
2. Đặc điểm chung về bệnh tật
Nguồn nhiễm khuẩn của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu chủ yếu gặp là nhiễm khuẩn hô hấp (40,6%) và tiêu hóa (31,6%). Các nhiễm khuẩn khác chiếm tỷ lệ thấp hơn như tiết niệu (3,1%), nhiễm trùng huyết- sốc nhiễm khuẩn là (15,6%). Tuy nhiên do số lượng mẫu nhỏ nên chưa đại diện cho quần thể lớn về cơ cấu bệnh tật. Theo các tác giả nghiên cứu tại khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai: tỷ lệ bệnh nhân bị viên phổi bệnh viện là 65,9%, nhiễm trùng huyết 17,1% và tiết niệu là 3,7%[11].
Hầu hết các bệnh nhân nghiên cứu đều có mắc ít nhất một bệnh kèm theo như: Tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Do đó bệnh nhân phải điều trị và sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc, ngoài kháng sinh Ciprofloxacin, bệnh nhân còn được dùng kèm theo ít nhất một kháng sinh
khác nữa. Ngoài ra còn phải sử dụng các loại thuốc để điều trị triệu chứng, thuốc chống huyết khối, thuốc ức chế bơm proton.
Việc nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện cộng với tình trạng bệnh nặng của bệnh nhân và thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn, làm gia tăng sự tiếp xúc với vi khuẩn của bệnh viện vì hầu hết các bệnh nhân đều được can thiệp thủ thuật như: Sonde dạ dày, sonde bàng quang, Catheter, chọc dò màng phổi, màng bụng, đặt nội khí quản...
Theo các nghiên cứu về tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại bệnh viện Bạch Mai đã cho thấy một số nguy cơ gây mắc nhiễm khuẩn bệnh viện do các thủ thuật như trên [13].
Phân bố các loại nhiễm trùng
Tại ICU - BV Bạch Mai, năm 2012 (số liệu báo cáo khoa vi sinh BVBM)
Theo số liệu báo cáo của khoa vi sinh bệnh nhân Bạch Mai [2012] nhiễm khuẩn hô hấp 68,6%, nhiễm trùng máu 14,1%, các nhiễm trùng khác 17,3% [10]
3. Mức độ nặng bệnh nhân nghiên cứu
Trong số 32 bệnh nhân nghiên cứu có 5 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn – nhiễm trùng huyết (chiếm 12,5%), hầu hết các bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đều xuất phát từ nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa (2 trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp, 2 nhiễm khuẩntiêu hóa và 1 là tiết niệu).
Sốc nhiễm khuẩn là một giai đoạn của quá trình liên tục bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Những bệnh nhân này thường được yêu cầu được chăm sóc đặc biệt nhưng tỷ lệ tử vong cao chiếm 50% -80% trường hợp [2]. Kết quả khảo sát cho thấy trên 50% các nhiễm khuẩn huyết – sốc nhiễm khuẩn có kết quả điều trị là chết và nặng xin về. Vì sốc nhiễm khuẩn có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao do đó cần sử dụng các kháng sinh phổ rộng (tiêm truyền tĩnh mạch) nhanh chóng và tích cực. Vi khuẩn chủ yêu là tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh, Ecoli... Hầu hết các trường hợp này đều được sử dụng Ciprofloxacin phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác như: Vancomycin, Carbapenem... phù hợp với hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn [5,6].
Hầu hết các bệnh nhân trong nghiên cứu là bệnh nhân nặng và rất nặng do đó nếu tính theo bảng biểu SOFA (bảng điểm đánh giá suy tạng liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn) (Sepsis) thì số điểm trung bình là 9 ±2,63 (thấp nhất là 6 cao nhất là 14).
Với bảng điểm APACHE II (đánh giá sức khỏe dài hạn và thông số sinh lý trong giai đoạn cấp) cho thấy số điểm trung bình 14,47 ± 4,12 (thấp nhất là 8 cao nhất là 22). Thường số điểm >8 là nặng, càng nặng thì số APACHE II càng cao.
Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn thường phải dùng thuốc vận mạch như: noradrenalin, Dopamin, Dobutamin, Adrenalin là bắt buộc. Trong nghiên cứu
của chúng tôi, có 5 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn được dùng thuốc vận mạch từ 1 – 2 loại thuốc. Liều trung bình với Noradrenalin 0,3 mcg/kg/1ph ±0,14. Với Dopamin là 5 mcg/kg/1ph và với Dobutamin 8±1,0 mcg/kg/1ph [bảng 4]
4. Đặc điểm về kháng sinh phối hợp với ciprofloxacine, liều dùng và thời gian điều trị
Kết quả bảng 3.5 chỉ ra 100% các bệnh nhân dùng kháng sinh ciprofloxacin phối hợp từ 1 tới 2 kháng sinh trong điều trị các nhiễm khuẩn.
Kết quả bảng 3.6 và 3.7 cũng chỉ ra đa số các bệnh nhân được dùng liều 800mg/ngày chiếm 50% với thời gian diều trị trung bình là 01 tuần.
Vì hầu hết các nhiễm khuẩn đều là nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu nên chỉ định dùng kháng sinh này là phù hợp với hướng dẫn sử dụng Ciprofloxacin theo kinh nghiệm [5,6].
Hầu hết các bệnh nhân vào khoa hồi sức tích cực đều rất nặng do vậy tất cả các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu đều được sử dụng Ciprofloxacin truyền tĩnh mạch và kết hợp ít nhất một loại kháng sinh khác như Carbapenem và Cephalosporin thế hệ 3 theo hướng dẫn của bệnh viện [2].
Thời gian dùng kháng sinh Ciprofloxacin là 7,12 ±2,19 ngày (ngắn nhất là 2 ngày và dài nhất là 13 ngày).
Theo các tài liệu kinh điển, liều dùng của Ciprofloxacin 200 mg x2/24h đến 400 mg x 2 đến 3 lần/24h (truyền tĩnh mạch). Tùy theo mức độ và tính chất của nhiễm trùng [6].
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì có 16/32 bệnh nhân được dùng liều 800mg/24h, 8 bệnh nhân dùng liều 600mg/24h và 8 bệnh nhân dùng liều 400mg/24h. Với mức liều 400mg hoặc 600mg/24h – chắc chắn hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn sẽ rất hạn chế, vì bản thân kháng sinh này là loại phụ thuộc
nồng độ, liều trên sẽ tạo ra nồng độ thấp trong máu, hạn chế tác dụng diệt khuẩn hơn nữa với tính kháng ngày càng ra tăng của vi khuẩn trong bệnh viện.
Đặc biệt có 5 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn, dùng liều theo khuyến cáo là 800-1200mg/24h nhưng không có bệnh nhân nào dùng đến liều 1200mg/24h.
Các nhiễm khuẩn trong hồi sức tích cực được khuyến cáo trong các nghiên cứu mới đây là phải sử dụng liều 1200mg/24h mới cho hiệu quả tốt, với mức liều 800mg/24h chưa đủ đạt yêu cầu điều trị [9].