Giá trị biểu cảm của hoán dụ tu từ trong thơ Chế Lan Viên

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp sự thể hiện của hoán dụ tu từ trong tập thơ điêu tàn của chế lan viên (Trang 46 - 50)

6. Cấu trúc của khóa luận

2.2.2.Giá trị biểu cảm của hoán dụ tu từ trong thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại. Ông có một quan niệm nghệ thuật sáng rõ từ những ngày đầu cầm bút. Toàn bộ sáng tác của ông chứng minh cho ý thức đó của một nghệ sĩ tài danh suốt đời “nghĩ về đời, nghĩ về thơ,….” vì sự nghiệp văn học của dân tộc. Đi sâu vào thế giới thơ Chế Lan Viên chúng ta sẽ ngày càng phát hiện, phân tích và lí giải những nét đặc sắc về

phương diện hình thức nghệ thuật của ông, qua đó góp phần làm sáng tỏ phần nào sự phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại về mặt hình thức nghệ thuật.

Luôn nhấn mạnh đến nội dung tư tưởng của tác phẩm nhưng Chế Lan Viên cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức. Hình thức mà ông quan niệm khác với “hình thức chủ nghĩa” mà nhiều người mắc phải. Trong toàn bộ sáng tác ông luôn luôn có những tìm tòi, đổi mới hình thức với một quan niệm sáng rõ: Hình thức cũng là vũ khí – Sắc đẹp của câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí”.

Chế Lan Viên vận dụng và sáng tạo nhiều phương tiện tu từ ngữ nghĩa, trong đó nổi lên là phương tiện hoán dụ tu từ mang dấu ấn thẩm mĩ và năng lực sở trường độc đáo của riêng ông. Bên cạnh liên tưởng, tưởng tượng là những phương thức so sánh trường của tư duy nghệ thuật Chế Lan Viên. Ông còn vận dụng tối đa phương tiện hoán dụ tu từ tạo cho thơ những phát hiện bất ngờ, đa dạng. Do nắm vững quy luật của cuộc sống và quy luật nghệ thuật cộng với văn hóa, vốn triết lí sâu rộng Chế Lan Viên đã không ngừng tư duy tạo ra những hình tượng mới lạ trên cơ sở của sức tưởng tượng, liên tưởng hợp lí tài hoa làm cho tứ thơ, câu thơ, bài thơ vang ngân, kì ảo đầy biến hóa đem lại rung cảm thẩm mĩ cho người đọc.

Trong thơ ca truyền thống Việt Nam, phương tiện hoán dụ tu từ đã trở thành biện pháp nghệ thuật chủ yếu, phổ biến được các thi nhân sử dụng. Nhưng đến Chế Lan Viên nó đã có những bước phát triển mới. Là người sành về quy luật Đông – Tây, đặc biệt là thơ Đường và thơ Pháp, Chế Lan Viên đã học tập và vận dụng theo tinh thần dân tộc và theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa phù hợp với tư duy thích luận bàn triết lí của ông. Với phương tiện hoán dụ tu từ nhà thơ thuận lợi trong việc đi sâu vào phân tích, xoáy sâu vào bản chất của từng sự vật hiện tượng để tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn của chúng.

Trong làng xa tiếng trẻ thơ kêu khóc Đàn chó già nguyền rủa bóng đêm lan

Và mõ làng não nùng reo lốc cốc Tựa đầu lâu reo dưới lớp xương tàn.

Chỉ với một khổ thơ sử dụng hoán dụ tu từ dựa trên mối quan hệ giữa vật chứa đựng và vật được chứa đựng. Từ “làng” đã cho ta thấy hình ảnh của những con người trong làng đang kêu than khóc lóc, lũ trẻ là đối tượng thương tâm nhất, chúng kêu khóc thảm thương. Tiếng chó già sủa văng vẳng giữa bóng đêm làm tăng thêm vẻ hiu quạnh. Tiếng mõ kêu lốc cốc cùng với tiếng rao mõ não nùng khiến Chế Lan Viên tưởng tượng tựa như chiếc đầu lâu treo dưới một khớp xương đã tàn.

Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cảnh con người trong làng xóm với vẻ ảo não. Mà Chế Lan Viên còn miêu tả cảnh chiến địa nơi đôi bên giao chiến.

Nơi chiến địa nơi đôi bên giao trận Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

(Trên đường về)

Bằng sự thể hiện hoán dụ tu từ trong mối liên hệ vật chứa đựng và vật được chứa đựng đã cho chúng ta thấy hình ảnh của một chiến địa sau khi đã kết thúc. Tác giả tưởng tượng như muôn cô hồn tử sĩ thét gầm kêu than, máu của người dân Chàm đã cuộn lên thành một niềm oán hận. Tại sao những người dân Chàm phải đổ máu? Chính vì vậy nỗi oán hận cũng đã dâng cao thành nỗi căm hờn. Đi vào nơi chiến địa tâm sự cùng hồn ma, bóng quỷ với xương người, Chế Lan Viên đã thấy mình thoát ra được cái thời gian eo hẹp của cuộc đời nhưng ông lại rơi vào cái eo hẹp của không gian nghĩa địa. Cái suy tưởng tự do lại vùng vẫy thoát ra khỏi nơi u tối của những cô hồn để bay về chốn trăng mây. May ra nơi ấy là nơi trú ngụ cuối cùng thoát li hẳn với người, với Trái Đất buồn đau cho khuất mắt cảnh điêu tàn, đổ vỡ chốn trần gian.

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh Một vì sao trơ trọi cuối trời xa Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Những ưu phiền đau khổ với buồn lo.

Vũ trụ là hồn thơ mơ đạt đến, mơ được “tắm trăng”, “ngủ trong sao” để thoát khỏi những u buồn. Vì vũ trụ là cái đích của một ước mơ nhằm trốn thoát đau khổ với buồn lo cho nên vũ trụ trong Điêu tàn không thê lương, ảm đạm như trong Lửa thiêng (Huy Cận), không ẩm ướt ái tình như trong Thơ thơ (Xuân Diệu), không khắc khoải thương tâm như trong Hàn Mặc Tử. Vũ trụ ở đây mang một vẻ gì vừa rực rỡ vừa điêu tàn, vừa lung linh lại vừa đổ vỡ. Nhưng vì vũ trụ là nơi mà người thanh niên tuổi đời 17 ấy đang ước mơ bay lên cho nên vũ trụ cũng xốn xang, sống động. Nó không mang nặng vẻ chết chóc và tha ma mà gần kề với sự sống, nó gần gũi với người hơn là gần gũi với thần thánh, quỷ ma. Ta không thể thông cảm với việc “cắn xương khô” của thi nhân nhưng ta sẵn sàng chấp nhận giấc “ngủ trong sao”, bởi vì ở đây có sự lao xao của sự sống, của tâm hồn.

Trong Điêu tàn tác giả thường nhắc đến nỗi tiếc thương nước non Chàm, giống dân Hời, hồn Chiêm quốc….Nhưng chỉ có cái hồn Chiêm quốc là sống trong Cõi chết, lang thang vật vờ trên những bãi tha ma và tiếng khóc của xương máu thì đã hầu hết làm lay động những trang thơ.

Cũng như thế, nơi xa xăm trong Cõi chết Bao cô hồn vẫn sống tháng ngày qua Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt Tháng ngày qua vẫn sống với buồn lo

(Bóng tối)

Ở đây Chế Lan Viên đã dùng phương tiện tu từ hoán dụ dựa trên mối liên hệ logic giữa bộ phận và toàn thể. Cụ thể là lấy tên gọi của loại nhỏ khác nằm trong loại lớn ghép chung với nhau. “Nước non” chính là sông nước và núi non. Nước non là chỉ đất nước, tổ quốc. “Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt” trong suy nghĩ của Chế Lan Viên thì đất nước, tổ quốc Chàm xưa vẫn sống mãi trong lòng và không bao giờ bị tiêu diệt.

Vì là nói chuyện hồn ma, bóng quỷ nên tác giả phải luôn sử dụng bóng tối. Trong Điêu tàn, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, hoàng hôn nhiều hơn ban mai, nên tác giả buộc phải chú ý nhiều đến cái nghe mà ít quan tâm cái thấy. Cái nghe thường thích hợp với sự liên tưởng trừu tượng. Cái nhìn thường đòi hỏi hình ảnh

cụ thể và sinh động. Chỉ có cái nghe thì nhà thơ mới nhận được tiếng khóc lóc của hồn ma, tiếng kêu rên của xương máu. Tức là hình tượng thính giác là hình tượng phổ biến của thế giới hồn ma và nghĩa địa trong Điêu tàn.

Chiều hôm nay, bỗng nhiên ta lạc bước Vào nơi đây, thế giới vạn cô hồn

Hơi người Chết tỏa đầy trong gió lướt Tiếng máu kêu rung chuyển cỏ xanh non

(Xương khô)

Có thể nói sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ trong hình thức nghệ thuật là phương tiện có tính năng tối ưu của nhà thơ Chế Lan Viên. Ông đã sáng tạo ra nhiều mối liên kết mới mẻ, bất ngờ giữa hai khách thể và vì vậy hiệu cảm trong thơ ông càng cao, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc, nâng nhận thức trong họ lên những khía cạnh mới. Đây là phương tiện tạo ra những biến hóa bất ngờ, nâng sự triết lí, liên tưởng của ông lên một vẻ đẹp thông minh, sắc sảo hiếm thấy trong thơ hiện đại. Sức hấp dẫn của thơ ông chính là ở cảm xúc được biểu hiện từ phương tiện trên.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp sự thể hiện của hoán dụ tu từ trong tập thơ điêu tàn của chế lan viên (Trang 46 - 50)