CHƯƠNG 3: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
3.4 THIẾT KẾ MẪU
3.4.1 Tổng thể
Tổng thể khảo sát này là các khách hàng đại diện cho tổ chức như giám đốc tài chính, kế toán trưởng, giám đốc, phó giám đốc, thủ quỹ hoặc người trực tiếp làm việc với các ngân hàng TMCP…trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3.4.2 Phương pháp chọn mẫu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra ở phần mở đầu đề tài, thiết kế chọn mẫu phi xác suất với hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên thuận lợi đã được sử dụng và được xem là hợp lý để tiến hành nghiên cứu đề tài này. Lý do lựa chọn phương pháp chọn mẫu này là vì người trả lời dễ tiếp cận, họ sẵn sàng trả lời bảng câu hỏi nghiên cứu cũng như ít tốn kém về thời gian và chi phí để thu thập thông tin cần nghiên cứu.
Theo Cooper và Schindler (1998) lý do quan trọng khiến người ta sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất là tính tiết kiệm về chi phí và thời gian. Về mặt này thì phương pháp chọn mẫu phi xác suất vượt trội so với phương pháp chọn mẫu xác suất. Ngoài ra, hai tác giả cũng cân nhắc rằng chọn mẫu xác suất không phải lúc nào cũng đảm bảo tính chính xác và trong một số trường hợp chọn mẫu xác suất là không thể thực hiện được. Tuy nhiên hai tác giả này cũng khẳng định nhược điểm lớn nhất của phương pháp chọn mẫu phi xác suất là sự chủ quan thiên vị trong quá trình chọn mẫu và sẽ làm méo mó biến dạng kết quả nghiên cứu. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Cảnh (2007) cho rằng chọn mẫu phi xác suất là dễ phác thảo và thực hiện nhưng nó có thể cho kết quả sai lệch bất chấp sự phán đoán của chúng ta, do ngẫu nhiên nên có thể chúng không đại diện cho tổng thể.
Vì đây là nghiên cứu khám phá cùng với phân tích như trên nên phương pháp chọn mẫu phi xác suất với hình thức chọn mẫu thuận tiện là phù hợp nhất. Các bảng câu hỏi nghiên cứu sẽ được gửi đến các khách hàng đại diện cho tổ chức như giám đốc tài chính, kế toán trưởng, giám đốc, phó giám đốc, thủ quỹ hoặc người trực tiếp làm việc với ngân hàng TMCP trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3.4.3 Kích thước mẫu
Thứ nhất, xác định cỡ mẫu nghiên cứu n bằng công thức thống kê như sau:
N= (Z*S/e)2
Trong đó:
e: Sai số cho phép, phụ thuộc và độ nhạy của kết quả quyết định
Z: 1.96 (độ tin cậy 95%)
S: Độ lệch chuẩn của mẫu, xác định bằng công thức 3 sigma:
S = (Max – Min)/6 = (5-1)/6 = 0.667
Với e bằng 0.1 (10%) thì cỡ mẫu cần cho nghiên cứu là:
N= (Z*S/e)2 = ((1.96*0.667)/0.1)2 = 171
Mặc khác, theo Cattell (1978) số lượng mẫu cho phân tích nhân tố khám phá tối thiểu từ năm đến mười lần tổng số biến quan sát (Santonen, 2006). Số biến quan sát của nghiên cứu này là 17, số mẫu cho nghiên cứu này là 17*12 = 204 mẫu. Vì đây là nghiên cứu khám phá cùng với phương pháp chọn mẫu phi xác suất với hình thức chọn mẫu thuận tiện nên mẫu không có tính đại diện cho tổng thể. Do đó, nghiên cứu quyết định chọn mẫu theo Cattell với kích cỡ mẫu là 204. Phương pháp thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên bằng cách gửi trực tiếp hoặc thông qua thư điện tử (email).