4.1.3.1Sản xuất nông lâm nghiệp.
* Trồng trọt.
- Nông nghiệp:
+ Nông nghiệp là ngành sản xuất truyền thống có từ lâu đời và đây cũng là lĩnh vực hoạt động cơ bản của người dân ở các vùng nông thôn. Trên địa bàn xã có khoảng 90% dân số tiến hành hoạt động sản xuất nông nghiệp, vì vậy mà lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp trực tiếp gắn với lợi nhuận thu được của người dân.
+ Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội chung của đia phương thì hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã cũng không ngừng phát triển. Sau năm 1997, xã đã tiến hành quy hoạch phân bố sử dụng đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sở hưu đất cho người dân, hiện nay 100% các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là: 542, 50 (ha). Năng xuất của một số loại cây trồng chủ yếu là: Lúa (9 tấn/ha), Ngô (5,6 tấn/ ha), đậu tương (3,5 tấn/ha)… Năng xuất cây lúa, cây hoa màu và các cây trồng khác không ngừng được nâng cao nhờ việc áp dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật như: Lai tạo được các giống lúa mới có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tốt (khang dân 18, BTS…), cây hoa màu ( Ngô Bioseed, ngô LVN10, Lạc, Đậu tương…), cây ăn quả (Vải lục ngạn, nhãn jussi, hồng không hạt,…).
+ Kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm giảm sức lao động cho người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng phát triển, đảm bảo việc cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất.Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mới, kỹ thuật trồng chăm sóc các giống cấy mới được thực hiện tốt.
+ Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gặp một số khó khăn như: diện tích đất nông nghiệp bị giảm do chuyển sang làm đất xây dựng và nhà ở, việc cung cấp nước tưới phụ thuộc vào dung lượng nước của các đập Xạ Hương, đập Làng Hà, xã chưa có trạm bơm để chủ động việc cung cấp nước tưới cho các chân ruộng trên cao vào mùa khô và tránh gập úng vào mùa mưa. Khả năng đầu tư vào thâm canh phát triển sản xuất của người dân còn thấp, công tác đầu tư hỗ trợ, cho vay vốn các ngân hàng còn nhiều hạn chế.
- Lâm nghiệp:
+ Từ năm 1996, khi có quyết đinh mở rộng diện tích Vườn Quốc gia Tam Đảo thì phần lớn diện tích rừng tự nhiên của xã thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia. Do vậy hiện nay trong số 165,65 (ha) đất lâm nghiệp trên địa bàn xã thì phần lớn là diện tích đặc dụng không do xã quản lý. Hiện trạng rừng còn lại rất nghèo độ tàn che 0.3 – 0.4, độ che phủ của rừng 60 – 70%, trong rừng tầng cây cao còn lại rất ít tuy nhiên cây tái sinh phát triển mạnh, cây bụi tham tươi phát triển tốt, diện tích đất này có độ dốc trung bình >15%, tỷ lệ đá lộ đầu cao.Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về vai trò tác dụng của rừng, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng trồng sản xuất hiện tại của xã là 27,17 (ha) với các loài cây chủ yếu là: Bạch đàn, Keo, Bạch đàn + Keo và một phần diện tích giao cho người dân đã được sử dụng để xây dựng các vườn rừng (trồng Trám, Sấu…). Trên thực tế sau khi được giao đất lâm nghiệp, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Trồng cây ăn quả, canh tác nông lâm kết hợp… Tuy nhiên, do hiểu biết của người dân về lâm nghiệp còn hạn chế, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính cho nên các loại rừng, loại hình canh tác nông lâm kết
hợp, vườn rừng được xây dựng chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao, năng suất và sản lượng của các loại cây trồng còn thấp, nhiều người dân còn vào rừng tự nhiên để khai thác trộm gỗ và các loại lâm sản khác.
* Chăn nuôi.
- Tình hình chăn nuôi của xã nói chung và hoạt động chăn nuôi của người dân nói riêng ngày càng được mở rộng, phát triển. Tỷ trọng chăn nuôi ngày càng được nâng cao: Đàn trâu 760 con, đàn bò 1.120 con, đàn lợn 700 con lợn lái và 6.300 con lợn thịt, đàn gia cầm 50.000 con, đàn chó 1350 con. Một số hộ gia đình sau khi được giao nhận đất lâm nghiệp đã tiến hành trồng rừng, vườn cây ăn quả, canh tác nông lâm kết hợp còn kết hợp nuôi ong lấy mật. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư cho chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, phát triển kinh tế hộ gia đình tăng thu nhập. Cùng với việc mở rộng, phát triển các loại hình chăn nuôi đã làm cho môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tăng, công tác phòng chống dịch bệnh cần phải được chú trọng hơn.
4.1.3.2 Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ.
- Trên địa bàn xã không có nhà máy hay xí nghiệp sản xuất, chế biến nào. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ dừng lại ở việc phát triển các ngành nghề truyền thống như: Đan lát, mây tre đan xuất khẩu, chế biến gỗ và cơ khí… các hoạt động này phát triển đơn lẻ trong các hộ gia đình, không mang tính quy mô lớn và tập trung.
- Dịch vụ: Toàn xã có hơn 200 hộ tiến hành kinh doanh dịch vụ hàng hóa, ngoài việc kinh doanh cung ứng vật tư cho sản xuất nông lâm nghiệp như: Phân bón, thuốc trừ sâu, giống, thức ăn tinh…Thì nhiều hộ còn tiến hành kinh doanh tạp hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu…Xã đã có chủ trương khuyến khích mở rộng, phát triển các loại hình kinh doanh ở các hộ nông dân nằm ven đường quốc lộ 2B, cải tạo, tu bổ chợ để phát triển giao lưu, buôn bán hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ lâm nông sản, hoa quả và các sản phẩm thu được từ chăn nuôi.