7. Cấu trúc của khóa luận
2.1.4. Nhân vật Long
Long vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc chào đời, lớn lên trong tình thương bố thí lạnh lẽo của một trại trẻ mồ côi. Nhờ kiếm được chân thư kí ở một trường
tư thục và có một tình yêu bình dị thơ mộng với một cô gái quê nhu mì, “Long
đã xây đắp biết bao mộng đẹp”. Khi người yêu bị làm nhục, chàng chỉ còn trái
tim ứa máu kêu gào trả thù. Nhưng nỗi đau, nỗi nhục của Long không chỉ có thế. Long kinh hoàng tới phát điên khi bỗng biết rõ sự thật về cuộc đời mình: chính lão Nghị Hách - kẻ cưỡng hiếp vợ chưa cưới của Long lại là bố đẻ của chàng! Như thế có nghĩa là Long đã lấy em ruột và thông dâm với…vợ bố! Đó là điều ô nhục kinh tởm quá sức chịu đựng của Long và có ý nghĩa tố cáo rõ rệt.
Ban đầu Vũ Trọng Phụng xây dựng Long là một chàng thanh niên “hai lăm
tuổi, mặt mũi cũng nhẹ nhõm, cử chỉ ngôn ngữ cũng dễ thương” mà “so với
người làng là người có học” [122,49]. Đó là một con người “ngay thẳng có
một”, “có chí khí”, “có hoài bão”. Chính Long cũng có lúc tự kiêu “mình là
người có tâm hồn vững lắm”. Long cũng đã nói những lời lẽ cao thượng và cảm
động với vợ chưa cưới, cam đoan yêu cô suốt đời và hứa quyết chí trả thù. Thế nhưng khi bước chân đến ấp Tiểu Vạn Trường Thành nguy nga đồ sộ, chàng đã
hồi hộp lo sợ về cái thế lực ghê gớm như “một ngọn núi hùng vĩ, cao cả” của đối
phương; rồi đến khi có dịp gần gụi hai cô tiểu thư xinh đẹp tân thời là Loan và
Tuyết, con gái lão Nghị, được giữ xe cho các cô tập thì Long “mất hết vẻ thẹn,
chỉ thấy lòng dục bừng lên như ngọn lửa bén vào rơm” [12,128]…và lúc chia
tay, đã hấp tấp tỏ tình với cả hai cô ở hai góc sân như một gã Sở Khanh! Long đã có sự so sánh hết sức đáng khinh bỉ giữa một bên là Mịch quê mùa với một
bên là hai ả gái mới lãng mạn, để rồi Long nghĩ rằng “vợ chưa cưới của mình
chỉ là một vật hôi tanh, một hòn ngọc có vết” [12,129]. Và dần dần từ một chàng
trai có cái “lễ độ của người có giáo dục” [12,128]. Long trở thành con thiêu thân
lao vào danh lợi và tiền bạc, lao vào sự phú quý của gia đình Nghị Hách. Từ đó, mấy câu khuyên giải của Tú Anh khiến cho lòng căm hờn và chí trả thù của Long tắt ngấm; thậm chí, Long còn hớn hở khi nghe ý định của Tú Anh gả em gái cho mình. Cuộc đời và lương tâm của chàng thư kí nghèo ấy cứ vật vờ, nao
núng trước sự xô đẩy của số mệnh nhất là sự cám dỗ của “bả vật chất”. Khi bị đặt trước sự lựa chọn giữa Mịch và Tuyết, hoặc chung tình với người vợ chưa cưới nghèo bất hạnh, hoặc một bước leo lên giàu sang, Long cứ ngả nghiêng, chao đảo; ban đầu bỏ Mịch lấy Tuyết theo lời Tú Anh, sau lại lừa dối Tuyết và Tú Anh để dan díu với Mịch. Tác giả đã khá chu đáo để giải thích có tính chất
biện hộ cho những hành vi đó của Long có những hối hận chân thành : “Tôi đã
bắt đầu thấy rằng cái cuộc ân ái vụng trộm này đã hạ tôi vào hạng những kẻ
thất phu, vô học, những kẻ mất nhân cách, những kẻ vô lương tâm” [12,271].
Song thứ hối hận chu kỳ ấy không có lấy một chút sức mạnh nào để giữ con người lại trước vực thẳm sa đọa mà dường như chỉ xoa dịu lương tâm anh ta, để anh ta cảm thấy yên lòng hơn trong việc tiếp tục trượt dài trên cái dốc sa đọa, tội
lỗi mà thôi. Cuối cùng, nhân vật “có học”, “tâm hồn trong sạch” đó đã trở thành
công cụ bẩn thỉu trong tay lão tư bản gian hùng, vẫn im lặng nhận lời lấy Tuyết ngay cả sau khi biết đó là em ruột, vẫn phơi mặt trước đám cử tọa sang trọng trong bữa tiệc của Nghị Hách làm món hàng quảng cáo giật gân cho lão.
Không chỉ bị sa ngã trước sự cám dỗ của “bả vật chất”, Long còn trở thành
kẻ loạn luân, dâm dật. Long chung đụng, ái ân với Tuyết và vẫn gian dâm với Mịch là vợ của bố mình. Sự thay đổi chóng vánh về địa vị dẫn đến sự biến chất mau lẹ trong tính cách của Long. Khi đã trở nên giàu có, Long trở thành kẻ sống
thác loạn, đồi trụy. Long trở thành “một anh hùng trong sự nghiệp phá sản” [12,
333], với “cái tiếng chơi bời (...) đã từng lừng lẫy khắp đất nghìn năm văn vật”.
Và đến khi ngoảnh nhìn lại thì “Long cũng thay đổi một cách đáng sợ, cũng chỉ
trong vòng nửa năm nay mà thôi, từ một anh hàn sĩ đầy lòng thương người, ghét độc những cái xa hoa vật chất, và căm hờn sự vô tình của bọn trưởng giả đối với nòi giống Long đã trở nên một kẻ hư hỏng, có tư cách con nhà phá của (...)
Long cũng đã hóa ra người ích kỉ khôn nạn” [12,245].
Vậy là Long đã đi tới sự tận cùng của đốn mạt. Có những lúc, Long tự quan
sát “giải phẫu” sự thay đổi một cách đáng sợ của mình, của Mịch và truy tìm
nguyên nhân: “Sau cùng, Long tìm ra được cái bả vật chất”, “người ta thay đổi
vì hoàn cảnh”, “mấy ai là chống chọi nổi với hoàn cảnh ”. Từ đó, sự nhu nhược
đến thảm hại và lương tâm vật vờ, rách nát của Long dẫn đến sự sa đọa của chàng được nhà văn thể hiện với sự cảm thông, biện hộ. Ông để cho Long tuy
có hối hận nhưng lại rất yên tâm về sự sa đọa của mình: “Long thấy mình không
có điều gì trái đạo cả (...) Long hình như không phải chịu trách nhiệm những cử
chỉ mình. Long đã hoàn toàn bị sai khiến”, “Long thấy ông Đồ, Mịch và Long
chỉ là bọn người đáng thương hại mà thôi. Hình như trong đời vẫn có một sức mạnh huyền bí gì đó, vẫn cầm quyền cuộc đời đến nỗi không còn ai lại tự chủ
nữa” [12,275]. Đằng sau giong điệu hư vô, cao đạo đó là niềm bi quan sâu sắc về sức mạnh của nhân phẩm, về con người. Nhà văn cho rằng không đáng đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm về nhân cách của mình. Con người không đáng được đánh giá người đời không ai đáng yêu, không ai đáng trọng, không ai
đáng khinh, tất cả chỉ đáng “thương hại” mà thôi! Thực chất, đó là tư tưởng suy
đồi xa lạ với tinh thần nhân đạo chân chính.
Cũng chính nghệ thuật khắc hoạ nội tâm nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng được những nét tính cách trong quá trình tha hoá của nhân vật Long.
Tóm lại, cuộc sống cuộc sống của những người nghèo trong “Giông tố” là
cuộc sống bế tắc, ngột ngạt và vô cùng ảm đạm, cuộc sống ấy đã thủ tiêu tinh thần phản kháng quyết liệt cái chế độ xã hội đầy bất công. Do vậy mà họ là những người cam chịu sự bóc lột, chèn ép của bọn nhà giàu có thuộc tầng lớp trên, là nạn nhân trớ trêu của hoàn cảnh. Họ đã chấp nhận cách giải quyết mâu thuẫn với bọn bóc lột bằng sự thỏa hiệp ở họ với đồng tiền. Bọn bóc lột với đồng tiền của mình đã một tay làm khuynh đảo xã hội, dung hòa mâu thuẫn. Những Long, Mịch, ông bà đồ Uẩn, người phu xe, Vạn Tóc Mai...là những người bị ánh sáng kim tiền làm lóa mắt, là những kẻ hám tiền, hám nhục dục, nô
lệ của đồng tiền và từ đó đưa nhân cách trượt dài trên con đường của “bả vật
chất” và “bản năng”.