Ở Việt Nam, quá trình mất rừng xẩy ra liên tục từ năm 1943 đến đầu những năm 1990, đặc biệt từ 1976-1990 diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh, chỉ trong 14 năm, diện tích rừng bị giảm lên tới 2,7 triệu ha (bằng 24,1% diện tích năm 1976), bình quân mỗi năm mất gần 190 ngàn ha (1,7% /năm). Tuy nhiên, từ năm 1990 trở lại đây, diện tích rừng đã tăng liên tục nhờ trồng rừng và phục hồi tự nhiên. Đến năm 2004, diện tích rừng toàn quốc là 12,3 triệu ha, trong đó 10 triệu ha rừng tự nhiên và 2,3 triệu ha rừng trồng. Theo ước lượng hiện nay diện tích rừng phục hồi sau khai thác kiệt và canh tác nương rẫy ở Việt Nam có khoảng trên dưới 4 triệu ha (Trần Văn Con và cs, 2008) [6].
Đặc trưng cơ bản của rừng nghèo và rừng thứ sinh phục hồi thể hiện qua sự khác nhau trong vòng đời sống và tốc độ sinh trưởng của các loài phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng ở các giai đoạn diễn thế. Sự khác nhau này có vai trò rất quan trọng trong quá trình diễn thế, nó xác định tập hợp các loài sẽ tồn tại trong các giai đoạn đó. Điều kiện ánh sáng dưới tán rừng nghèo kiệt
tăng lên (so với rừng nguyên sinh) đã tạo điều kiện cho quá trình tái sinh phục hồi rừng bắt đầu; độ tàn che của rừng được phục hồi một cách nhanh chóng và điều kiện ánh sáng lại giảm dần trong quá trình diễn thế phục hồi rừng là nguyên nhân chính của sự khác biệt này. Giai đoạn đầu của rừng phục hồi được đặc trưng ở sự đồng nhất cao về thành phần loài giữa các lâm phân và sự khác biệt không lớn ở mức độ tán rừng của tầng trên và tầng dưới. Điều này chủ yếu là do sự khác biệt trong vật hậu của các loài thực vật tồn tại ở thời điểm bắt đầu quá trình tái sinh phục hồi của rừng, của hình thức tái sinh (tái sinh chồi hay hạt), cũng như sự có mặt của các loài còn sót lại từ rừng nguyên sinh, chúng có thể quyết định thành phần loài của rừng phục hồi. Tuy nhiên, xét trên quy mô một vùng thì ảnh hưởng của các nhân tố môi trường như sự khác nhau về lượng mưa, địa hình, độ cao so với mặt biển sẽ quyết định tốc độ của quá trình diễn thế.
Yếu tố quyết định nhất của sự thành công trong giai đoạn tái sinh ở quy mô một lâm phần lại là điều kiện ánh sáng. Các loài cây tham gia vào quá trình diễn thế rừng được chia thành 3 nhóm chính phụ thuộc vào nhu cầu ánh sáng của chúng trong các giai đoạn phát triển, chủ yếu là ở giai đoạn cây non.
- Nhóm loài ưa sáng: Là những loài cần ánh sáng hoàn toàn từ lúc ban đầu cho đến cuối chu kỳ sống của chúng.
- Các loài chịu bóng: Là những loài tái sinh dưới tán rừng thiếu ánh sáng và có thể sống đến cuối đời trong điều kiện che bóng; chúng có thể chịu bóng ít nhất là ở giai đoạn đầu.
- Các loài bán chịu bóng: là các loài có thể tái sinh cả trong điều kiện bị che bóng và ngoài sáng; nhưng ít nhiều chúng cần ánh sáng hoàn toàn ở giai đoạn trưởng thành.
Các loài ưa sáng bao gồm tất cả các loài tiên phong của giai đoạn diễn thế đầu và đặc trưng cho rừng phục hồi tiên phong. Các loài này tái sinh rất
mạnh trong các lỗ trống lớn và trên diện tích đất trống bỏ hóa sau nương rẫy hoặc sau khai thác trắng. Các loài tiên phong thường ra hoa kết quả rất sớm, có chu kỳ sai quả thường xuyên, khối lượng hạt nhiều và rất dễ phát tán bằng gió, bằng động vật (chim, thú); hạt của chúng chỉ có thể nẩy mầm khi có ánh sáng, dưới tán rừng chúng có thể được lưu giữ rất lâu mà vẫn giữ được khả năng nẩy mầm để khi có điều kiện ánh sáng thì nẩy mầm và phát triển.
Các loài chịu bóng lại khác với các loài ưa sáng, chúng có thể nẩy mầm trong điều kiện thiếu ánh sáng dưới tán rừng và cây con có thể tồn tại rất nhiều năm mà không phát triển để chờ đợi cơ hội được cải thiện điều kiện về ánh sáng thì phát triển. Khả năng phản ứng với điều kiện môi trường này gọi là trạng thái ngủ (dormancy) và là một đặc trưng của phần lớn các loài cây định cư của rừng tự nhiên. Khả năng sản xuất hạt của các loài trong nhóm này thường không cao bằng các loài thuộc nhóm ưa sáng và trong nhiều trường hợp, chúng thường có chu kỳ sai quả khoảng vài năm một lần. Hạt của một số loài trong nhóm này có kích thước lớn và nặng nên thường phát tán bằng trọng lực. Nhóm loài này bao gồm đại diện của các họ như Lauraceae,
Myrtaceae, Fabaceae, Moraceae…
Các loài bán chịu bóng được đặc trưng ở khả năng tái sinh trong bóng, tuy nhiên thời gian chịu bóng của cây con tái sinh rất hạn chế, nếu trong một vài năm mà điều kiện ánh sáng không được cải thiện thì chúng sẽ chết mà không có khả năng ở vào trạng thái ngũ nhiều năm như nhóm loài chịu bóng nói trên. Khi lớp cây tái sinh này bị chết, vụ hạt năm sau lại hình thành lớp cây tái sinh khác thay thế. Vì chu kỳ ra quả của các loài cây này tương đối đều, nên dưới tán rừng luôn luôn có các lớp cây con tái sinh để chờ đợi cơ hội có điều kiện ánh sáng là phát triển để vươn lên tầng cây cao. Do đặc điểm này mà người ta thướng gọi nhóm loài cây này là nhóm loài du cư (nomads) hoặc cơ hội (opportunists).
Kết quả nghiên cứu động thái diễn thế của rừng phục hồi sau khai thác kiệt ở tỉnh Hòa Bình (Bùi Chính Nghĩa, Trần Văn Con, 2008) [9] cho thấy: Giai đoạn tái sinh phục hồi rừng có thể kéo dài từ 10 cho đến 15 năm, tùy thuộc vào điều kiện lập địa và chu kỳ đời sống của các loài tiên phong. Trong giai đoạn này cấu trúc của rừng thay đổi rất mạnh. Xét theo độ nhiều, tần suất và độ ưu thế có thể phân thành 4 nhóm loài như sau: (i) Nhóm loài cùng có độ nhiều và tần suất xuất hiện cao: đây là đặc trưng của các loài có diện phân bố rộng theo chiều ngang, thuộc nhóm này có các loài như Hoắc quang, Dẻ gai và Chẹo; (ii) Nhóm loài có độ nhiều lớn nhưng tần suất xuất hiện thấp, chúng đặc trưng cho các loài có xu hướng phân bố theo cụm, các loài trong nhóm này thường gặp theo từng đám phân tán to hoặc nhỏ khác nhau; (iii) Nhóm loài có độ nhiều thấp nhưng tần suất xuất hiện cao kết hợp với độ ưu thế cao. Đây là đặc trưng của các cây cá thể có địa vị ưu thế thường ít gặp nhưng phân bố tương đối đều trên diện rộng; và (iv) Nhóm loài có độ nhiều, tần suất và cả độ ưu thế đều thấp. Tỷ lệ hỗn loài là một trong những chỉ tiêu phản ánh tính đa dạng về loài của quần thụ thực vật rừng; trong đó tỷ lệ hỗn loài của nhóm loài có độ nhiều tương đối >5% thay đổi rất nhanh trong giai đoạn đầu của diễn thế thứ sinh rừng phục hồi sau khai thác kiệt. Rừng phục hồi từ 1-3 năm đầu có hệ số hỗn loài HL2 rất lớn đạt bình quân 1/5 (tức là cứ mỗi 5 cá thể thì có một loài) và không có sự khác biệt lớn với HL1. Bắt đầu từ tuổi 4 tỷ lệ HL2 giảm rất nhanh và phân biệt khác hẵn với tỷ lệ HL1. Mãi đến tuổi thứ 7 trở lên, tỷ lệ HL2 lại tăng lên chứng tỏ số loài có độ nhiều tương đối >5% bắt đầu tăng lên. Như vậy tỷ lệ HL2 là một chỉ tiêu lâm học có thể dùng để phân biệt các pha diễn thế của rừng phục hồi trong giai đoạn 10 năm đầu, vì nó phản ánh sự thay đổi mạnh trong cấu trúc quần thể của quần thụ rừng phục hồi.
Dựa vào tỷ số hỗn loài HL2 đã phân biệt được 3 pha diễn thế trong giai đoạn tái sinh phục hồi rừng sau khai thác kiệt. Các đặc điểm lâm học như tổ
thành loài, sinh trưởng chiều cao, đường kính và tiết diện ngang biến động mạnh và rất khác nhau trong ba pha diễn thế. Pha đầu xẩy ra ở độ tuổi từ 1-3 năm với các loài đặc trưng chủ yếu là cây bụi tiên phong như: Kháo, Ban, Hoắc quang, Dẻ, Thẩu tấu, Mật độ tái sinh rất phong phú. Pha 2 (từ 3-7) tuổi được đặc trưng rõ ràng ở sự đồng nhất của quần thể với ưu thế của một vài loài ưa sáng mọc nhanh như Ba soi, Hoắc quang, Chẹo. Pha ba bắt đầu từ tuổi 8 được đặc trưng bằng sự đào thải của các loài tiên phong có đời sống ngắn (như Ba soi, Ban…). Các cá thể thuộc nhóm loài trung tính và chịu bóng tăng lên để dần dần thay thế cho các loài tiên phong ưa sáng, như các loài Thôi chanh, Ngũ gia bì, Sồi phảng, Gáo trắng, Thanh thất, Ba chạc lá xoan, Côm rừng, Chân chim, Bồ đề xanh và Xương cá.
Nhịp điệu Sinh trưởng chiều cao của rừng phục hồi phản ánh nhịp điệu sinh trưởng của nhóm loài tiên phong ưa sáng, chúng sinh trưởng rất nhanh từ tuổi 1 đến 7, và giảm dần từ tuổi 8. Sinh trưởng nhanh về chiều cao trong giai đoạn đầu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong 2 pha diễn thế đầu làm cho cấu trúc thẳng đứng của rừng liên tục biến động rất mạnh. Tổng số cây ghi nhận được ở các cấp tuổi giảm từ trên 92 ngàn cây/ha xuống gần 70. ngàn cây/ha ở cấp tuổi 1-3 đến cấp tuổi từ 10-20 năm, trong đó chỉ có khoảng 7-8% số cây sống sót để đạt chiều cao từ 1m trở lên. Điều này cho thấy số cây mạ tái sinh trong rừng phục hồi là rất lớn, nhưng chúng cũng nhanh chóng bị chết do quá trình cạnh tranh khốc liệt về ánh sáng và không gian dinh dưỡng. Tỷ lệ số cây tái sinh có chiều cao từ 1-3m sống sót để đạt được chiều cao từ 3-9m ở các cấp tuổi 1-3, 4-7, 8-10 và 11-20 năm tương ứng là 4,8, 9,6, 11,5 và 22%, tăng dần theo cấp tuổi của rừng phục hồi. Tổng hợp có tất cả 107 loài được ghi nhận từ 45 ô tiêu chuẩn điều tra, nhìn chung số cây cá thể và số loài giảm dần khi cấp kính tăng lên. Số loài biến động trong các pha diễn thế khá phức tạp, có nhiều loài có mặt ở cấp tuổi nhỏ, nhưng lại không xuất hiện ở các pha
tiếp theo và ngược lại nhiều loài chưa xuất hiện ở các pha sớm lại xuất hiện ở các pha sau, đó là các loài mới tái sinh sau khi hoàn cảnh rừng đã được cải thiện về độ ẩm và độ tàn che của rừng.
Từ các kết quả nghiên cứu đã thảo luận trên về rừng phục hồi có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của rừng phục hồi như sau: (1) Quá trình tái sinh tự nhiên xẩy ra sau khi có những tác động mạnh là mất cấu trúc rừng nguyên sinh; (2) Tài nguyên rừng có thể được tái tạo; chúng có thể tiếp tục sử dụng và tái sản xuất; (3) Rừng đang ở trong các giai đoạn phát triển và với sự biến động mạnh về cấu trúc và/hoặc thành phần loài (3) Diện tích rừng phục hồi ngàng càng lớn hơn rừng nguyên sinh rất nhiều và chúng có khả năng cung cấp các dịch vụ môi trường như: bảo vệ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống sạt lở, bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn so với rừng trồng và các hệ nông lâm kết hợp có thành phần tự nhiên ít hơn và cấu trúc đơn giản hơn. (4) Rừng phục hồi thứ sinh có thể rất quan trọng đối với các cộng đồng địa phương, chúng là một bộ phận không thể thiếu của các hệ thống sử dụng đất, dễ tiếp cận hơn rừng nguyên sinh (thường còn ở nơi xa, địa hình dốc, hoặc ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn), là nơi sinh sống của các loài mong muốn (được bảo vệ và/hoặc trồng), có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cộng đồng địa phương như gỗ củi, thức ăn gia súc, rau, quả, lương thực, gỗ xây dựng và cây thuốc và góp phần giảm nhẹ các thiên tai, bảo vệ mùa màng. (5) Rừng thứ sinh ngày càng trở nên quan trọng như là nguồn cung cấp chính gỗ và nguyên liệu khi mà tài nguyên rừng nguyên sinh đã bị suy giảm mạnh, nó có thể trở thành nguồn cung cấp chính trong tương lai do việc thiết lập và quản lý rừng trồng đòi hỏi chi phí cao và chịu nhiều rủi ro về sâu bệnh và cháy hơn. (6) Để tránh lặp lại vết nhơ mà các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo đối với việc sử dụng rừng nguyên sinh trong quá khứ, rừng thứ sinh cần phải được quản lý và sử dụng bền vững hơn cho cả hai mục đích bảo tồn và sản xuất.