Đánh giá năng lực duy trì vào tạo ra lợi thế cạnh của NHTM hết sức phức tạp, sự phức tạp thể hiện ở chỗ nó không chỉ liên quan đến cơ cấu, trình độ nguồn nhân lực mà còn liên quan đến nhiều chỉ tiêu định tính, không có câu trả lời đúng sai một cách thuyết phục rõ ràng. Trong xu thế hiện nay, những đánh
giá này càng trở nên khó khăn, bởi môi trường vĩ mô luôn luôn thay đổi và cùng với môi trường vĩ mô, sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng cho ra đời nhiều sản phẩm thay thế, khiến cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn cũng như làm cho vòng đời một sản phẩm dịch vụ trở nên khó dự đoán. Hoạt động quản trị của NHTM liên quan đến mọi lĩnh vực của ngân hàng, từ xây dựng chiến lược, marketing, quản trị nhân lực…xét cho cùng, kết quả tài chính hàng năm của ngân hàng chính là kết quả của hoạt động quản trị các lĩnh vực của đội ngũ lãnh đạo ngân hàng.
Trên bình diện chung nhất, như nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận, quản trị là những hành động được tiến hành bởi những nhà quản trị, những hành động này được xuất phát từ nhu cầu, mục tiêu chung và hướng vào việc điều hòa các nguồn lực con người và vật chất sao cho sự hao tổn để đạt mục đích, mục tiêu nhất định là thấp nhất có thể. Theo đó quản trị ngân hàng là việc thiết lập các chương trình hoạt động kinh doanh để đạt mục đích, mục tiêu kinh doanh dài hạn, ngắn hạn của ngân hàng, là việc xác định và điều hòa các nguồn tài nguyên để thực hiện chương trình, các mục tiêu kinh doanh, đó là việc tổ chức lãnh đạo, kiểm tra nhân viên của ngân hàng thực hiện chương trình, các mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, rất nhiều chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực tài chính và nguồn lực con người của NHTM đã phản ánh năng lực quản trị điều hành của ngân hàng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới. Đó là các chỉ tiêu về tăng trưởng tổng tài sản, các chỉ tiêu liên quan đến an toàn hoạt động của ngân hàng, các chỉ tiêu về thị phần hoạt động và tăng trưởng các mặt hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tổng hợp nhất-chỉ tiêu lợi nhuận- phản ánh tổng hợp kết quả hoạt động quản trị của ngân hàng.
Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện hoạt động quản trị NHTM không thể chỉ dựa vào kết quả tài chính tức thời của một thời điểm, một vài năm, việc đánh giá này phải dựa trên chiến lược kinh doanh của ngân hàng là nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay phát triển bền vững của ngân hàng, các kịch bản của ngân hàng nhằm đối phó với sự đe dọa của các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn, các sản phẩm thay thế, của các cú sốc kinh tế, hay dự báo phát triển các sản phẩm mới của ngân hàng. Tất cả những điều này đều khó có sự thống nhất về tính đúng/sai mà chỉ khi biến
cố thực sự xảy ra, nhìn vào ứng xử đối phó của ngân hàng thì những điều này mới được kiểm chứng.