Các chỉ tiêu đánh giá khả năng cạnh tranh

Một phần của tài liệu Khả năng cạnh tranh của công ty cổ phần dự ứng lực TVN (Trang 29 - 31)

Để đánh giá được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ta có thể dựa vào một số chỉ tiêu sau

Thị phần

Trong thực tế có rất nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác, trong đó, thị phần là một chỉ tiêu thường được sử dụng. Thị phần được hiểu là phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm giữ trong tổng dung lượng thị trường. Do đó, thị phần của doanh nghiệp được xác định như sau

Thị phần của doanh nghiệp = Doanh thu của doanh nghiệp Tổng doanh thu toàn ngành

Chỉ tiêu này càng lớn nói lên sự chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp càng rộng. Thông qua sự biến động của chỉ tiêu này ta có thể đánh giá mức độ hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hay không, bởi nếu doanh nghiệp có một mảng thị trường lớn, thì chỉ số phản ánh thị phần của doanh nghiệp sẽ đạt mức cao nhất và ấn định cho doanh nghiệp một vị trí ưu thế trên thị trường. Nếu doanh nghiệp có một phạm vi thị trường nhỏ hẹp thì chỉ số này ở mức thấp, phản ánh tình trạng doanh nghiệp đang bị chèn ép bởi các đối thủ cạnh tranh. Bằng chỉ tiêu thị phần, doanh nghiệp có thể đánh giá sơ bộ khả năng chiếm lĩnh thị trường so với toàn ngành

Để đánh giá được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ ta dùng chỉ tiêu thị phần tương đối: đó là tỷ lệ so sánh về doanh thu của Công ty so với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, từ đó có thể biết được những mặt mạnh hay những điểm còn hạn chế so với đối thủ cạnh tranh. Ưu điểm của chỉ tiêu này là đơn giản, dễ hiểu nhưng nhược điểm của nó là khó nắm bắt được số liệu chính xác, cụ thể và xác thực của đối thủ

Năng suất lao động

Năng suất lao động là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi thông qua năng suất lao động ta có thể đánh giá được trình độ quản lý, trình độ lao động và trình độ công nghệ của doanh nghiệp

Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận

Lợi nhuận là một phần dôi ra của doanh thu sau khi đã trừ đi các chi phí dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận được coi là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Căn cứ vào chỉ tiêu lợi nhuận các doanh nghiệp có thể đánh giá được khả năng cạnh tranh của mình so với đối thủ. Nếu lợi nhuận cao thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cao và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất khả quan và ngược lại

Tỷ suất lợi nhuận được xác định bằng tỷ số giữa tổng lợi nhuận và tổng doanh thu. Chỉ tiêu này cho thấy cứ 1 đồng doanh thu thì sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Nếu chỉ tiêu này thấp, tức là tốc độ tăng của lợi nhuận nhỏ hơn tốc độ tăng của doanh thu, chứng tỏ sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, đã có quá nhiều đối thủ thâm nhập vào thị trường của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải không ngừng mở rộng thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận. Nếu chỉ tiêu này cao, tức là tốc độ tăng lợi nhuận lớn hơn tốc độ tăng của doanh thu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá là có hiệu quả, điều này chứng tỏ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cao

Uy tín của doanh nghiệp

Uy tín của doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có uy tín sẽ có nhiều bạn hàng, nhiều đối tác làm ăn và nhất là có một lượng khách hàng rất lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp là doanh thu, thị phần và lợi nhuận..., nhưng để đạt được các mục tiêu đó, doanh nghiệp phải tạo được uy tín của mình trên thị trường, phải tạo được vị thế của mình trong con mắt

của khách hàng. Cơ sở, tiền đề để tạo được uy tín của doanh nghiệp đó là phải có một nguồn vốn đảm bảo để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, có một hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên uy tín của doanh nghiệp đó là “con người trong doanh nghiệp”, tức là doanh nghiệp đó phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đội ngũ nhân viên giỏi về tay nghề và kỹ năng làm việc, họ là những con người có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc, biết khơi dậy nhu cầu của khách hàng

Năng lực quản trị

Năng lực của nhà quản trị được thể hiện ở việc đưa ra nhưng chiến lược, hoạch định hướng đi cho doanh nghiệp. Nhà quản trị giỏi phải là người giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng giao tiếp, biết nhìn nhận vấn đề và giải quyết công việc một cách linh hoạt, có khả năng thuyết phục để người khác phục tùng mệnh lệnh một cách tự nguyện và nhiệt tình. Biết quan tâm, động viên, khuyến khích cấp dưới làm việc có tinh thần trách nhiệm, điều đó sẽ tạo nên sự đoàn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà quản trị là người “cầm lái con tầu doanh nghiệp”, là người : “đứng mũi chịu sào” trong mỗi bước đi của doanh nghiệp, họ là người có quyền lực cao nhất và trách nhiệm thuộc về họ cũng là nặng nề nhất, họ chính là những người xác định hướng đi và mục tiêu cho doanh nghiệp. Vì vậy mà nhà quản trị đóng một vai trò chủ chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Khả năng cạnh tranh của công ty cổ phần dự ứng lực TVN (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w