Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với một vấn đề đó chính là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Và để cạnh tranh được và cạnh tranh một cách lành mạnh không phải là dễ bởi nó còn phụ thuộc vào tiềm năng, lợi thế và nhiều yếu tố khác của một doanh nghiệp hay một quốc gia. Đó chính là khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia, hay một ngành, một doanh nghiệp
2.1.2.1.Khái niệm về khả năng cạnh tranh
Theo định nghĩa của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thì khả năng cạnh tranh của một quốc gia là khả năng đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế vững vàng tương đối và các
đặc trưng kinh tế khác. Như vậy khả năng cạnh tranh của một quốc gia được xác định trước hết bằng mức độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc đân và sự có mặt ( hay thiếu vắng) các yếu tố quy định khả năng tăng trưởng kinh tế dài hạn trong các chính sách kinh tế đã được thực hiện. Một ví dụ điển hình là Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của Nhật Bản trở nên hoang tàn, nhân dân chìm trong cảnh mất mùa, thiếu thốn. Vậy mà đến năm 1968, Nhật Bản đã trở thành một nước có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới (sau Mĩ) và được xếp vào hàng các cường quốc kinh tế lớn nhất, kỷ lục về sự tăng trưởng kinh tế này là một trong những đỉnh cao để xác định năng lực cạnh tranh lớn của nền kinh tế Nhật Bản
Theo quan điểm quản trị chiến lược được phản ánh trong các cuốn sách của M. Poter, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có thể hiểu là khả năng chiếm lĩnh thị trường, tiêu thụ các sản phẩm cùng loại (hay sản phẩm thay thế) của công ty đó. Như vậy năng lực cạnh tranh được quy định bởi các yếu tố: số lượng các doanh nghiệp mới tham gia, sự có mặt của các sản phẩm thay thế, vị thế của khách hàng, uy tín của nhà cung ứng, tính quyết liệt của các đối thủ cạnh tranh
Theo quan điểm tân cổ điển về khả năng cạnh tranh của một sản phẩm. Quan điểm này dựa trên lý thuyết thương mại truyền thống, đã xem xét khả năng cạnh tranh của một sản phẩm thông qua lợi thế so sánh về chi phí sản xuất và năng suất. Như vậy, khả năng cạnh tranh của một ngành, một công ty được đánh giá cao hay thấp tuỳ thuộc vào chi phí sản xuất có giảm bớt hay không, vì chi phí các yếu tố sản xuất thấp vẫn được coi là điều kiện cơ bản của lợi thế cạnh tranh
Theo quan điểm tổng hợp của VarDwer, E.Martin và R.Westgren (đồng tác giả của cuốn “Assesing the competiviveness of Canada’s agrifood Industry” - 1991), thì khả năng cạnh tranh của một ngành, một công ty được thể hiện ở việc tạo ra và duy trì lợi nhuận, thị phần trên các thị trường trong nước và nước ngoài. Như vậy, lợi nhuận và thị phần càng lớn thì khả năng cạnh tranh càng cao và ngược lại, lợi nhuận và thị phần nhỏ phản ánh năng lực cạnh tranh của công ty bị hạn chế hoặc chưa cao
Như vậy có rất nhiều những quan điểm khác nhau về cạnh tranh, tuy nhiên đề tài không nghiên cứu về những ưu nhược điểm của những quan điểm đó mà chỉ nhằm mục đích giới thiệu khái quát một số khái niệm điển hình giúp cho việc tiếp cận vấn đề được dễ dàng hơn