- Thực chất quá trình trích ly là quá trình khuếch tán. Vì vậy sự chênh lệch nồng độ giữa hai pha (gradient nồng độ) chính là động lực của quá trình. Khi chênh lệch nồng độ lớn, lượng chất trích ly tăng; thời gian trích ly giảm ta thực hiện bằng cách tăng tỷ lệ dung môi so với nguyên liệu.
- Với các loại nguyên liệu rắn cần tăng diện tích tiếp xúc giữa chúng và dung môi. Điều này thực hiện bằng cách nghiền nhỏ, thái nhỏ, băm nhỏ vật liệu. Nó còn làm phá vỡ cấu trúc tế bào, thúc đẩy quá trình tiếp xúc triệt để giữa dung môi và vạt liệu. Tuy nhiên kích thước và hình dạng của vật liệu khi làm nhỏ cũng có giới hạn vì nếu chúng quá mịn sẽ bị lắng đọng lên lớp nguyên liệu, làm tắc các ống mao dẫn hoặc bị dòng dung môi cuốn vào mixen (hỗn hợp) làm cho dung dịch có nhiều cặn gây phức tạp cho quá trình xử lý tiếp theo [4].
- Tính chất của vật liệu cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu suất trích ly. Vật liệu là hỗn hợp lỏng – lỏng hoặc hỗn hợp rắn - lỏng cộng với một dung môi hoặc tập hợp một số loại dung môi. Chúng có độ hòa tan khác nhau, nồng độ các chất khác nhau và có tác dụng tương hỗ, khuếch tán vào nhau. Như khi trích ly dầu nếu độ ẩm nguyên liệu giảm, tốc độ trích tăng lên, vì độ ẩm tác dụng với protein và các chất háo nước khác ngăn cản sự dịch chuyển của dung môi thấm sâu vào trong nguyên liệu, làm chậm quá trình khuếch tán [4].
- Nhiệt độ có tác dụng tăng tốc độ khuếch tán và giảm độ nhớt, phần tử chất hòa tan chuyển động dễ dàng khi khuếch tán giữa các phần tử dung môi.Tuy nhiên nhiệt độ là một yếu tố có giới hạn. Vì khi nhiệt độ quá cao có thể xảy ra các phản ứng khác không cần thiết, gây khó khăn cho quá trình công nghệ [4].
- Yếu tố thời gian cũng ảnh hưởng đến quá trình trich ly. Khi thời gian tăng lên, lượng chất khuếch tán tăng, nhưng thời gian phải có giới hạn. vì khi đã đạt được mức độ trích li cao nhất, nếu kéo dài thời gian sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.