ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG NĂNG SUẤT XANH TẠI KHU VỰC NÔNG THÔN HUYỆN CỦ CH
3.1.2. Các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Khảo sát thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực sản xuất điển hình trên địa bàn huyện Củ Chi, thuộc các xã: An Nhơn Tây, An Phú, Bình Mỹ, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phước Thạnh, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, Thái Mỹ, Trung An, Trung Lập Thượng; nhận thấy có rất nhiều vấn đề môi trường đang hiện hữu trong thực tế sản xuất tại các khu vực này. Trong số đó, nổi bật nhất là 03 vấn đề:
1) Khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. 2) Quản lý chất thải trong sản xuất.
3) Sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Điều tra, khảo sát thực tế đối với 03 vấn đề này, cho kết quả như sau: 1) Khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp:
- Khai thác nước dưới đất (nước giếng khoan, giếng đào): 81,7%
- Khai thác nước mặt (nước kênh): 18,3%
Nhận xét 1: 81,7% nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp được tự ý khai thác từ các giếng khoan, giếng đào. Việc khai thác nguồn nước bừa bãi và sử dụng nước không hợp lý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước của thành phố.
2) Quản lý chất thải trong sản xuất, đối với:
- Bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng:
+ Vứt tại đồng ruộng, kênh rạch: 71,6 %
+ Đốt: 11,7 %
+ Bỏ vào các thùng lưu chứa riêng cho chai lọ thuốc BVTV: 16,7 %
Nhận xét 2: Bao bì, chai lọ thuốc BVTV là loại CTNH, nhưng lại được xử lý theo cách đốt và vứt tại đồng ruộng, kênh rạch với tỷ lệ rất cao 83,8%. Trong khi đó, dư lượng thuốc còn lại trong các loại vật dụng này có thể phát tán ra môi trường không khí, theo dòng nước ở đồng ruộng chảy ra kênh rạch… Sau đó, người dân lại tiếp xúc, sử dụng nguồn nước này. Các loại bao bì, chai lọ thuốc BVTV được làm từ nhựa hoặc chất dẻo tổng hợp, không có khả năng tự phân huỷ ở đồng ruộng hoặc nếu tự ý đốt sẽ sinh ra khói rất độc hại.
- Chất thải trong chăn nuôi (phân thải và nước thải):
+ Dẫn vào hầm Biogas: 45%
+ Dẫn ra mương thoát nước: 39,2%
+ Gom thành ụ, phục vụ bón ruộng: 15,8%
Nhận xét 3: Chất thải trong chăn nuôi chủ yếu là phân và nước thải động vật, có mùi hôi thối, chứa nhiều vi khuẩn E.coli. Xử lý lượng chất thải này bằng công nghệ hầm Biogas vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có thể cung cấp nguồn nhiên liệu sạch (khí gas) cho nấu nướng. Tuy nhiên, cách xử lý này lại chiếm tỷ lệ không cao, chỉ đạt 45%.
- Phế phẩm nông nghiệp:
+ Làm thức ăn cho gia súc: 55,8%
+ Đốt: 21,7%
+ Khác (bỏ lại đồng ruộng cho tự phân hủy…): 22,5%
Nhận xét 4: Phế phẩm nông nghiệp là loại chất thải hữu ích, có thể tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: ủ phân hữu cơ, làm thức ăn cho gia súc…. Việc đốt hoặc vứt bỏ loại chất thải này vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên tỷ lệ này chiếm đến 44,2%.
3) Sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học:
- Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: 15%
- Sử dụng không theo hướng dẫn của nhà sản xuất: 85%
Nhận xét 5: Việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học không theo hướng dẫn của nhà sản xuất vừa gây lãng phí, độc hại vừa gây ra nhiều tác dụng không mong muốn đối với cây trồng như: cây trồng không kháng sâu bệnh, cây phát triển không bình thường, dễ bị sâu bệnh phá hoại, sâu bệnh trở nên nhờn thuốc… Bên cạnh đó, dư lượng thuốc BVTV tồn lưu trên nông phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, một số lượng lớn các hộ có sản xuất nông nghiệp lại không ý thức được điều này, chiếm đến 85%.
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát thực tế theo phiếu thu thập thông tin mẫu 01 – Phần phụ lục trang iv)
Từ 05 nhận xét nêu trên, có thể kết luận: hoạt động sản xuất nông nghiệp tại 12 xã được khảo sát trên địa bàn huyện Củ Chi đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tài nguyên, chất lượng môi trường và sức khỏe con người.