ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng một số mô hình Năng suất xanh tại khu vực nông thôn huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh (Trang 36 - 40)

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ – XÃ HỘI HUYỆN CỦ CHI – TP.HỒ CHÍ MINH

2.1.ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Củ Chi nằm ở phía Tây Bắc của TP.Hồ Chí Minh, cách thành phố 45km, diện tích tự nhiên 43.496,49 ha, với tọa độ địa lý như sau:

- Từ 106o21’22’’ đến 106o39’56’’ kinh độ Đông;

- Từ 10o54’28’’ đến 10o09’30’’ vĩ độ Bắc. Ranh giới hành chính của huyện như sau:

- Phía Bắc : giáp với huyện Trảng Bàng – tỉnh Tây Ninh.

- Đông và Đông Bắc : giáp huyện Bến Cát, Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.

- Tây và Tây Nam : giáp huyện Đức Hoà – tỉnh Long An.

- Phía Nam : giáp huyện Hóc Môn – TP.Hồ Chí Minh.

Hình 2.1 – Bản đồ hành chính huyện Củ Chi

Củ Chi nằm ở vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng của thành phố, có căn cứ Đồng Dù, Địa đạo Củ Chi, Quốc lộ 22 chạy qua, Củ Chi là huyện nối giữa 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Vì vậy, huyện có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế – văn hóa với bên ngoài. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng còn chậm phát triển đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

a) Địa hình

Địa hình huyện Củ Chi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam Bộ và miền sụt Đông Nam Bộ với độ cao giảm dần theo 2 hướng Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 8m – 10m, độ cao lớn nhất 22m (xã An Nhơn Tây), độ cao nhỏ nhất 0,5m (xã Bình Mỹ).

b) Cấu trúc địa hình

Có 3 dạng chính:

- Vùng đồi gò: Cao độ 10m – 15m, tập trung ở phía Bắc huyện; gồm các xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức.

- Vùng triền: Vùng chuyển tiếp giữa vùng đồi gò và vùng bưng trũng có độ cao từ 5m – 10m, phân bố trên hầu hết các xã.

- Vùng bưng trũng: Cao độ từ 1m – 2m, tập trung ở các xã phía Nam, Tây Nam và ven sông Sài Gòn; gồm các xã Bình Mỹ, Trung An...

2.1.1.3. Khí hậu

Củ Chi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất xích đạo. Có 2 mùa rõ rệt:

- Mùa mưa: Từ tháng 5 đến tháng 11;

- Mùa khô: Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Với các đặc điểm chính như sau:

a) Nhiệt độ

Củ Chi thuộc vùng có nhiệt độ cao và tương đối ổn định. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, vào mùa khô có trị số 8 – 100C.

- Nhiệt độ trung bình trong năm: 26,60C;

- Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất: 28,80C (vào tháng 4);

- Nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất: 24,80C (vào tháng 12).

b) Lượng mưa

Lượng mưa trung bình năm từ 1.300 – 1.770mm, tăng dần lên phía Bắc theo chiều cao địa hình và tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm 90% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa cao nhất năm đạt 2.201mm, thấp nhất 764mm,

số ngày mưa trung bình 151 ngày/năm. Các tháng mùa khô (tháng 12 đến tháng 4) lượng mưa không đáng kể.

c) Độ ẩm không khí (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Độ ẩm không khí thay đổi theo các mùa trong năm, độ ẩm trung bình năm khá cao 79,5%, độ ẩm trong mùa mưa khoảng 82,5% và trong mùa khô khoảng 74,2%.

d) Chế độ gió

Củ Chi có chế độ gió mùa, ít bão được phân bố vào các tháng trong năm như sau:

- Tháng 11 đến tháng 5: gió có hướng Đông Nam, vận tốc trung bình 1,5 – 2,5m/s.

- Tháng 5 đến tháng 9: thịnh hành hướng gió Tây Nam, vận tốc trung bình 1,5 – 3m/s.

- Tháng 10 đến tháng 11: thịnh hành hướng gió Đông Bắc, vận tốc trung bình 1 – 1,5m/s.

2.1.1.4. Thủy văn

Củ Chi có hệ thống sông, kênh, rạch khá đa dạng với những đặc điểm chính sau:

- Sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng của chế độ dao động bán nhật triều với mực nước triều bình quân thấp nhất là 1,2m và cao nhất là 2,0m.

- Các hệ thống kênh rạch tự nhiên khác, đa số chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn sông Sài Gòn như: rạch Tra, rạch Sơn, bến Mương… riêng chỉ có kênh Thầy Cai chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Vàm Cỏ Đông.

2.1.2. Các nguồn tài nguyên

2.1.2.1. Tài nguyên đất

Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, đất đai huyện Củ Chi được phân thành các nhóm chính sau:

a) Nhóm đất phù sa

Đất phù sa được hình thành trên các trầm tích Alluvi tuổi Holoxen muộn ven các sông, kênh rạch với diện tích 1.538 ha, chiếm 3,5% diện tích đất của huyện, phân bố trên các triền thấp; tập trung ở các xã Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ.

Đây là một loại đất quí, cần thiết phải được cung cấp nước tưới, ưu tiên sản xuất lúa nước 2 đến 3 vụ và sử dụng một phần diện tích nhỏ cho việc trồng cây ăn trái.

b) Nhóm đất xám

Đất xám chủ yếu hình thành trên đất phù sa cổ (Peistocen muộn) có diện tích 15.329 ha, chiếm tỷ lệ 35,20% diện tích đất của huyện, là nhóm đất lớn nhất và phân bố hầu hết các xã của huyện.

Loại đất này dễ thoát nước, thuận lợi cho cơ giới hóa và thích hợp với các loại cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, đậu… Nên sử dụng cho việc trồng các cây như cao su, điều… vì khả năng bảo vệ và cải tạo đất tốt. Trong sử dụng phải chú ý biện pháp chống xói mòn và rửa trôi, tăng cường bón phân bổ sung dinh dưỡng, nhất là phân hữu cơ.

c) Nhóm đất đỏ vàng

Loại đất này hình thành trên các sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ, có diện tích 9.237 ha, chiếm 21,22% diện tích đất của huyện; phân bố trên vùng đồi gò các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An.

d) Đất phèn

Đất phèn hình thành trên các trầm tích đầm lầy biển, có diện tích 15.011 ha, chiếm 35% diện tích đất của huyện, tập trung ở phía Tây Nam của huyện, một số nơi ven sông Sài Gòn và kênh rạch. Hiện nay, đất phèn đã được khai thác trồng lúa, rau màu và các loại cây ăn quả.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các loại đất khác như: đất nhiễm phèn, dốc tụ trên nền phèn, có diện tích 1.460 ha, chiếm tỷ lệ 3,41%, phân bố trên các vùng thấp, tập trung ở các xã Thái Mỹ, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung; đất phù sa trên nền phèn, diện tích 192 ha, chiếm 0,45%, phân bố dọc theo sông Sài Gòn.

2.1.2.2. Tài nguyên nước

Chất lượng nước nhìn chung khá tốt, trừ các khu vực bưng trũng Tam Tân – Thái Mỹ. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã bổ sung một lượng nước ngầm đáng kể, nâng mực nước ngầm lên 2 – 4m.

a) Nguồn nước mặt

Chủ yếu được khai thác từ sông, rạch tương đối nhiều, nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở phía Đông của huyện và trên các vùng bưng trũng phía Nam và Tây Nam với chiều dài gần 300km, đa số bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều. Hệ thống sông Sài Gòn chạy suốt theo chiều dài của huyện theo hướng Tây Bắc – Đông Nam là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, còn có hệ thống kênh, rạch tự nhiên khác như: rạch Tra – rạch Đường Đá, rạch Láng The – bến Mương… chịu ảnh hưởng của sông Sài Gòn, tạo thành một hệ thống đường thủy và cung cấp tiêu thoát nước.

Hệ thống kênh mương nhân tạo đáng chú ý nhất là kênh Đông – công trình thủy lợi lớn nhất của các tỉnh phía Nam, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) về tưới cho 12.000 – 14.000 ha đất canh tác của huyện.

b) Nguồn nước ngầm (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nguồn nước ngầm phân bố khá rộng, trữ lượng dồi dào và chất lượng khá tốt. Nước ngầm phân bố chủ yếu ở các tầng chứa nước Pleitoxen với độ sâu 100 – 300m, trong đó có nơi 20 – 30m. Trữ lượng khai thác ước tính khoảng 300 – 400 m3/ngày. Nước ngầm đang giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt (trừ các khu vực bưng trũng Tam Tân – Thái Mỹ).

2.1.2.3. Tài nguyên rừng

- Đất có rừng trồng sản xuất 48,65 ha, chủ yếu là rừng bạch đàn.

- Đất có rừng trồng phòng hộ 55,55 ha. Trong đó, đất có rừng tự nhiên phòng hộ 0,48 ha, đất rừng phòng hộ 55,07 ha, chủ yếu là keo lá tràm.

2.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản khá phong phú so với mặt bằng chung của thành phố, gồm có các loại chủ yếu sau:

- Mỏ Cao Lanh có trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở Rạch Sơn.

- Than bùn ở Tam Tân, trữ lượng khoảng 0,5 triệu tấn.

- Sạn sỏi ở Bàu Chứa, trữ lượng cấp B khoảng 0,8 triệu tấn.

Ngoài ra, còn có mỏ đất sét làm gạch ngói và đá xây dựng nhưng với trữ lượng không đáng kể.

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng một số mô hình Năng suất xanh tại khu vực nông thôn huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh (Trang 36 - 40)