Hiện trạng sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng một số mô hình Năng suất xanh tại khu vực nông thôn huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh (Trang 50 - 52)

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG NĂNG SUẤT XANH TẠI KHU VỰC NÔNG THÔN HUYỆN CỦ CH

3.1.1.Hiện trạng sản xuất nông nghiệp

Năm 2011, huyện Củ Chi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 27.958,04 ha, chiếm 64% diện tích đất tự nhiên của huyện (Nguồn: số liệu thống kê tình hình kinh tế xã hội 09 tháng đầu năm 2011 của Phòng Thống kê huyện Củ Chi). Giai đoạn 2006 – 2011, cơ cấu nông nghiệp huyện có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và trồng trọt, số liệu chi tiết được thể hiện theo biểu đồ Hình 3.1:

Hình 3.1 – Biểu đồ tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp huyện Củ Chi giai đoạn 2006 – 2011

Từ biểu đồ, có thể nhận thấy hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nông nghiệp của huyện Củ Chi là trồng trọt và chăn nuôi. Đây là hai ngành có đặc điểm phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán sinh sống

của người dân. Do đó, trồng trọt và chăn nuôi đã trở thành hai ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Trong đó, các loại cây trồng chủ yếu là:

- Trồng lúa: 5.454 ha với năng suất bình quân đạt 3,79 tấn/ha, chiếm 30% diện tích đất trồng trọt, tập trung tại các xã An Nhơn Tây, Tân Thạnh Đông, Trung Lập Thượng, Tân Phú Trung, Thái Mỹ, Phước Thạnh.

- Trồng cây ăn trái: 5.164,6 ha, chiếm 28,42% diện tích, trồng cây ăn trái thường kết hợp với du lịch sinh thái, tập trung tại 08 xã dọc sông Sài Gòn là xã Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, hiệu quả của loại hình trồng trọt này không cao và có xu hướng giảm dần diện tích.

- Trồng cỏ phục vụ chăn nuôi: 3.246 ha với năng suất bình quân 300 tấn/ha/năm, chiếm 17,86% diện tích, tập trung tại các xã Tân Thạnh Đông, An Phú, Trung An.

- Trồng rau: 2.891,6 ha với năng suất bình quân 250 tấn/ha/năm, chiếm 15,91% diện tích, tập trung tại các xã Bình Mỹ, Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ.

- Trồng bắp: 850 ha với năng suất bình quân 8 tấn/ha, chiếm 4,68% diện tích, cây bắp giống nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên diện tích trồng bắp luôn tăng qua các năm gần đây.

- Trồng hoa – cây kiểng: 568 ha chủ yều là trồng lan, mai, cây kiểng các loại, chiếm 3,13% diện tích, có tại hầu hết các xã.

Các loại vật nuôi chủ yếu là:

- Chăn nuôi bò sữa: 40.846 con, trong đó con cái vắt sữa là 16.373 con, sản lượng sữa 245.597kg/ngày. Củ Chi là vùng trọng điểm có đàn bò sữa cao nhất toàn thành phố, tập trung tại các xã An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Thái Mỹ.

- Chăn nuôi heo: 156.500 con, tập trung tại các xã Phạm Văn Cội, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ.

- Chăn nuôi gia cầm: Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, từ năm 2006 đến nay, số lượng đàn gia cầm giảm mạnh còn 450.000 con.

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát thực tế và số liệu thống kê tình hình kinh tế

xã hội 09 tháng đầu năm 2011 của Phòng Thống kê huyện Củ Chi)

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được tăng cường và phát huy tác dụng như kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, công tác hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đa phần phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách và điều kiện tự nhiên của mỗi xã, do đó không được thực hiện đồng đều tại các xã. Chính vì vậy, mức độ đa dạng các loại hình nông nghiệp và năng suất nông nghiệp tại 20 xã thuộc huyện Củ Chi cũng có sự chênh lệch rõ nét.

Bên cạnh đó, người dân vùng nông thôn còn chưa chú trọng đến vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn nông phẩm trong sản xuất… dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, làm cho năng suất nông nghiệp giảm đáng kể, số lượng nông phẩm đạt được lại khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ với mức giá thấp do quá trình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt không đảm bảo quy trình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng một số mô hình Năng suất xanh tại khu vực nông thôn huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh (Trang 50 - 52)