CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.3 Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Sơn La tại Mường Lay
Hình 4.14: Trình tự thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Nguồn: Tác giả vẽ dựa trên quy định taị Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ Theo trình tự trên, UBND tỉnh Điện Biên giao việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ thị xã Mường Lay thực hiện. Đồng thời, chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định gồm các thành viên được trưng tập từ Sở tài chính,
Bước 1
•UBND tỉnh thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của thị xã gồm UBND thị xã, BQLDA thị xã, Chi cục thuế, Mặt trận tổ quốc. Phổ biến chủ trương thu hồi đất, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ.
Bước 2
•HĐBT triển khai công tác đo, đếm, xác minh giá trị thực tế, đối chiếu với bản tự kê khai đất, tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa mầu của các hộ gia đình.
Bước 3
•HĐBT lập phương án áp giá cho đất, tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa mầu.
Bước 4
•HĐBT trình kết quả xác minh và phương án đền bù lên Tổ công tác liên ngành của tỉnh (gồm người của Sở Tài chính, Sở KHĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Cục thuế...) thẩm định.
Bước 5
•Tổ công tác của tỉnh tổng hợp các phương án sau khi đã xem xét, trình UBND thị xã phê duyệt quyết định đền bù.
Bước 6
•BQLDA căn cứ quyết định của UBND thị xã, mang hồ sơ sang Ngân hàng phát triển lấy tiền để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Bước 7
• Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Sở KHĐT, Sở xây dựng, Sở tài nguyên môi trường và Cục thuế tỉnh, do Giám đốc Sở tài chính làm Chủ tịch hội đồng16.
Thời gian tối thẩm định tối đa là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Sau thời gian trên, nếu cơ quan thẩm định không có ý kiến thì chủ tịch UBND thị xã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ. Trên thực tế, có nhiều phương án đền bù được thẩm định nhiều lần nhưng vẫn không có sự thống nhất giữa Hội đồng bồi thường và người dân dẫn đến thời gian giải quyết bồi thường kéo dài, có khi cả năm, gây khó khăn cho người dân tái định cư.
4.3.2 Chính sách bồi thường theo quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP Bồi thường đối với đất
Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng. Hạn mức đất bồi thường bằng giao đất ở mới cho người có đất bị thu hồi, 100m2 cho hộ gia đình tái định cư tập trung đô thị, 350m2 cho hộ tái định cư tập trung khu vực nông thôn. Trường hợp người bị thu hồi có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất thì UBND cấp tỉnh căn cứ quỹ đất địa phương và số nhân khẩu của gia đình bị thu hồi đất để xem xét quyết định giao thêm một phần diện tích đất ở cho người bị thu hồi, nhưng không vượt quá diện tích đất bị thu hồi.
Bồi thường tài sản, nhà và công trình xây dựng trên đất
Tài sản được bồi thường theo nguyên tắc: Tài sản gắn liền với đất, khi nhà nước thu hồi sẽ được bồi thường. Nhà và những công trình khác xây dựng sau ngày 01/7/2004 mà tại thời điểm xây dựng đã trái mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xây dựng thì không được bồi thường.
Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ xây dựng ban
16 Xem chi tiết tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
hành. Giá xây dựng mới của nhà, công trình được tính theo diện tích xây nhà, công trình nhân với đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Chính phủ.
Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi
Mức bồi thường đối với cây hàng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đó.
Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất; Với cây lâu năm, được tính bằng giá hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất; Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do di chuyển. Đối với vật nuôi, nếu thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường. Vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi chưa đến kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm.
Hộp 4.1: Những bất cập ghi nhận ở Bản Bắc 2, xã Lay Nưa
Ông Lò Văn P kể: "Sau trận lũ quét ngày 17/8/1996, công sở di chuyển đi nơi khác, nhà công vụ của khu bệnh viện thuộc phường Na Lay ngày đó thanh lý lại cho dân. Nay, nhà nước đền bù nhà đã thanh lý bằng 40% giá trị ban đầu, người dân đồng ý, nhưng lương thực và chất đốt chỉ hỗ trợ 80%
mức thông thường. Khi hỏi tại sao thì cán bộ trả lời, do họ ở tổ dân phố nên chỉ được như vậy. Người dân thấy không thuyết phục bởi dù mua thêm nhà ở đó nhưng họ vẫn sinh sống và canh tác trên những mảnh đất thuộc Bản Bắc 2, xã Lay Nưa. Trong khi đó cùng là đất nông nghiệp, cho sản lượng như nhau nhưng cách nhau chỉ một cây cầu Bản Xá, đất nông nghiệp của phường Na Lay được đền bù với mức cao hơn".
"Ở xã này, nhiều khu đất ruộng được người dân khai hoang trên 10 năm để trồng lúa, khi chính quyền thu hồi để lấy mặt bằng thi công các công trình ven hồ thì chỉ được đền bù 30% giá quy định hoặc không được thanh toán. Những hoa màu ở phía trên Quốc lộ 12 thì được đền bù, phía dưới thì không. Kiến nghị nhiều cũng chẳng được giải quyết."
4.3.3 Chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP
Hỗ trợ lương thực, chất đốt
Mỗi nhân khẩu hợp pháp17 được hỗ trợ 20 kg gạo/tháng trong thời gian 03 năm18. Việc hỗ trợ được quy ra bằng tiền theo thời giá trung bình tại địa phương; Chất đốt được hỗ trợ tương đương 15.000 đồng/người/tháng trong thời gian 03 năm.
Hỗ trợ di chuyển
Mỗi hộ gia đình khi nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi tỉnh được hỗ trợ 3.000.000 đồng, những hộ gia đình di chuyển đúng tiến độ được thưởng 5.000.000 đồng.
Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao, được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng tiền cho 01 nhân khẩu/tháng tương đương 30 kg gạo tính theo thời giá trung bình tại địa phương.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người trong độ tuổi lao động.
Hỗ trợ thuê nhà ở không phải là nhà thuộc sở hữu nhà nước trong thời gian tạm cư
Do phải tái thiết lại toàn bộ thị xã nên chính quyền không thể đảm bảo cơ sở hạ tầng hoàn thiện trước khi chuyển người tái định cư đến, do đó hầu hết các hộ tái định cư phải làm nhà tạm hoặc thuê nhà để tạm cư trước khi đến nơi ở mới. Có gia đình phải chuyển nơi ở tạm đến 3 lần. Những hộ này được hỗ trợ tương đương tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư.
17 Nhân khẩu hợp pháp của hộ tái định cư là nhân khẩu có tên đăng ký trong số hộ khẩu và hiện tại đang sinh hoạt trong hộ đến thời điểm kê khai.
18Cuối tháng 3/2014, Chính phủ giao cho Bộ tài chính cấp không thu tiền 1.351 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Điện Biên để cứu đói cho nhân dân. Trong đó, hỗ trợ cứu đói giáp hạt 1.135 tấn, hỗ trợ cho các hộ gia đình tái định cư thủy điện Sơn La 216 tấn.
Hộp 4.2: Chuyện gia đình người đánh cá
Dù có 350m2 đất, song ngoài diện tích nhỏ làm nhà, đất còn lại không thể trồng được hoa màu, đành bỏ hoang.
Chị Lò Thị N (31 tuổi), cho biết: "Tách khẩu sau thời điểm quyết định quy hoạch chính thức và không có nhà nên không có tiền đền bù, chỉ được hỗ trợ gạo và chất đốt. Ngôi nhà sàn rộng trên 50m2, toàn bộ tiền của bố mẹ hai bên cho mượn, cộng với tiền vay ngân hàng để làm. Gỗ mua loại rẻ tiền, mái lợp bằng tấm fipro xi măng. Do nhà ở trên đồi cao nên mỗi dịp tháng 3, tháng 4 là lại lo tốc mái do gió lốc. Lần nhẹ cũng bung vài tấm, có khi thì cả góc nhà, chi phí từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng. Gia đình có báo chính quyền, mong nhận hỗ trợ, song không thấy gì; Nhà đã có 3 năm, nhưng đến nay nhà vệ sinh cũng chưa làm được, nơi tắm được che tạm bằng tấm bạt, nước sinh hoạt lấy từ trên núi về chứa trong thùng phuy sắt và thùng nhựa".
"Lên nơi ở mới, không có việc gì làm, nên dù ở khá xa hồ nước, nhưng chồng phải quay lại nghề cũ là đánh bắt cá bằng chiếc thuyền mộc nhỏ chung với một người quen. Mỗi lần đi tới vài ngày mới về, thu nhập cũng chỉ được khoảng 1 triệu/tháng.
4.3.4 Những tồn tại, bất cập trong triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định nơi ở của người dân tái định cư, song dự án di dân, tái định cư tại thị xã Mường Lay đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Một số hạng mục đầu tư quan trọng vẫn chưa hoàn thiện, nhiều chính sách hỗ trợ tái định cư vẫn chỉ là những lời hứa nằm trên giấy. Cụ thể như:
Trình tự của việc di dân, tái định cư chưa đúng: Theo trình tự đúng của việc di dân, tái định cư thì nhà nước phải hoàn thiệc cơ sở vật chất của nơi đến trước, sau đó mới chuyển những hộ gia đình tái định cư đến ở, song do áp lực về tiến độ phục vụ nhà máy thủy điện, trình tự này đã không được thực hiện. Chính quyền thu hồi đất, động viên, cưỡng chế người dân di chuyển nhà trong khi chưa chuẩn bị được mặt bằng để làm nhà mới cho dân.
Khi đã có được đất làm nhà, thì việc thanh toán tiền hỗ trợ làm nhà19 lại chậm. BQLDA đã kéo dài việc thanh toán tiền làm nhà thành ba đợt, hai đợt năm 2010, một đợt vào năm 2011, trong khi việc di chuyển đến nơi ở mới rất vất vả, khó khăn, có gia đình phải tạm cư tới 3 lần ở 3 nơi khác nhau do vừa ở vài tháng một chỗ, đến khi nhà nước cần khu đất đó cho mục đích xây cơ sở hạ tầng, người dân phải trả lại mặt bằng, chuyển đi ở tạm nơi khác.
Giá đền bù đất chưa hợp lý: Nhà nước đền bù đất theo giá đất cho mục đích đang sử dụng, trong trường hợp ở tỉnh ở vùng đồng bằng, người dân còn có thể dùng tiền đền bù đó để thuê lại đất nông nghiệp của khu vực lân cận để canh tác do quỹ đất ở đây còn nhiều. Và ở nhiều dự án, khi người dân không nhất trí với phương án đền bù theo giá của mục đích hiện tại, nhà nước hay chủ đầu tư đã phải tăng giá đền bù, có khi lên tới vài lần so với giá ban đầu. Trường hợp thị xã Mường Lay có những đặc thù riêng, đó là diện tích đất canh tác, trồng lúa nước trước khi có dự án đi dân khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La đã ít, nay thu hồi gần như toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, người dân mất hết đất sản xuất. Mặt khác cơ hội để chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp là rất khó khăn do nguồn công ăn việc làm ở thị xã rất ít, toàn thị xã chỉ có 24 doanh nghiệp với quy mô siêu nhỏ, chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ việc làm.
19 Thực chất là tiền đền bù nhà do khi người dân phải phá dỡ nhà cũ khiến nếp nhà cũ hỏng, những vật liệu nhà cũ chỉ tận dụng được một phần cho làm nhà mới. Nhà gỗ còn đỡ, nhà lợp mái fipro xi măng, tường chát tocxi thì gần như hỏng hoàn toàn.
Nhiều hạng mục công trình chậm tiến độ: Một số nhà văn hóa thôn, bản vẫn chưa được xây, mỗi khi có những buổi sinh hoạt cộng đồng, họp triển khai một chương trình gì đó của nhà nước, lại phải họp nhờ ở nhà dân, tận dụng gầm nhà sàn làm nơi họp. Điều đó rất bất tiện, và do không có bàn ghế, không gian bừa bộn, nên ảnh hưởng đến hiệu quả của của các buổi họp;
Hiện nay trên địa bàn thị xã đã có 13 cơ sở xử lý nước sinh hoạt, có tới 90% các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, song theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạnh thì chưa có một cơ sở nào đủ điều kiện; Nhà máy, cở sở xử lý rác thải chưa có nên một số khu dân cư đã có hiện tượng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Chính sách hỗ trợ người tái định cư bị trì hoãn: Theo quyết định 02/2007/QĐ-TTg, ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, những lao động nông nghiệp sau khi tái định cư chuyển sang nghề phi nông nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyền đổi nghề và được hỗ trợ chi phí mua sắm công cụ lao động làm nghề mới, số tiền 5 triệu đồng/người; những khoản hỗ trợ cây, con giống, thuốc trừ sâu cho người tái định cư nông nghiệp…. Và tại quyết định 03/2010/UBND của UBND tỉnh Điện Biên về việc hỗ trợ các hộ dân tái định cư tập trung khu vực nông thôn xây bể nước, sân bể và rãnh thoát nước, hay bồn chứa nước bằng thép không rỉ đối với những hộ gia đình tái định cư tập trung khu đô thị. Số tiền hỗ trợ căn cứ vào số lượng nhân khẩu của mỗi hộ, trị giá từ 3 đến 7 triệu đồng. Tất cả những khoản hỗ trợ đó, đến tháng 5/2014 vẫn chưa thực hiện.
Chưa giao đất rừng sản xuất: Năm 2012, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự thảo Quyết định chính sách đặc thù hỗ trợ đầu từ phát triển toàn diện, bền vững các điểm tái định cư thủy điện Sơn La, trong đó có việc giao đất rừng sản xuất tối thiểu 2ha/hộ và tối đa 25ha/hộ, hoặc giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ổn định lâu dài tối thiểu 5ha/hộ, thời gian là 50 năm; hộ gia đình tái định cư được hỗ trợ 100% chi phí đầu tư cải tạo đất, hỗ trợ 3 năm giống cây trồng để chống xói mòn và tăng độ phì nhiêu của đất, hỗ trợ chi phí mua hóa chất và chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nước để nuôi trồng thủy sản; Cấp đất, giao đất không thu tiền cho các hộ tái định cư và hộ sở tại xây dựng trang trại sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, thời hạn giao, cấp đất là 50 năm; hỗ trợ 1 lần 100/% lãi suất vốn vay cho các hộ tái định cư và hộ sở tại đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế; hỗ trợ 1 lần 50%
kinh phí đầu tư cho giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế trang trại.20 Chủ trương là như vậy, nhưng đến tháng 4/2014, toàn bộ những chính sách trên đều vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, thủ tục tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ phức tạp, nhiều cấp, nhiều khâu; trình độ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác bồi thường hỗ còn hạn chế dẫn đến việc giải thích chính sách không đúng, đưa ra phương án đền bù nhiều sai sót, gây thiệt hại cho dân. Ví dụ như việc thanh toán tiền đền bù, hỗ trợ đã diễn ra được 4 năm, người dân đã tiêu hết tiền, nhưng nay UBND thị xã mới có thông báo về việc thu hồi tiền đền bù trên 1 tỷ đồng do tính thừa cho cho các hộ tái định cư, khiến họ không khỏi bức xúc.
Hộp 4.3: Những điều bất hợp lý ở Tổ dân phố 6
Bà Điêu Thị D ở Tổ dân phố 6 cho biết: "Nơi ở cũ thì có đất cấy lúa, trồng rau, ngô, hoa trái, không phải lo cái ăn. Khi chuyển lên đây, không có đất trồng cây, động cái gì cũng phải mua, tiền đâu cho xuể".
"Theo quy định, mỗi nhà ở tổ này được phân 350m2 đất ở, nhưng nhà mình ở góc cua của đường nên bị lẹm vào, chỉ còn 310m2. Khi hỏi chính quyền về việc đền bù, được trả lời là phải làm đơn kiến nghị, nhưng ngại thủ tục phiền hà, không làm, nên đành chịu thiệt".
"Khi thanh toán tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư, BQLDA giữ lại 35 triệu, bảo để đối trừ chênh lệch đất giữa nơi đi và nơi đến (đất ở cũ rộng hơn 100m2, nhà trát tocxi). Trong khi có một số hộ, nơi ở cũ chỉ là túp lều tạm dựng trên đất để lấy tiền đền bù, không đủ diện tích để đối trừ với nơi ở mới cũng 350m2, lại không phải nộp thêm tiền. Hỏi sao lại chỉ trừ tiền nhà tôi, thì cán bộ trả lời "nhà chị có tiền thì phải nộp"".