Nghiên cứu tính kích kháng bệnh của cây trồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật nội sinh để tăng cường tính kích kháng đối với bệnh khô cành ngọn keo tai tượng tại một số vùng sinh thái chính ở miền bắc Việt Nam (Trang 34 - 37)

Khái niệm về kích kháng: Kích kháng là một phương pháp giúp cho cây trồng bị nhiễm bệnh trở nên có khả năng kháng được bệnh ở mức độ nào đó sau khi được xử lý chất kích kháng. Kích kháng không tác động trực tiếp đến mầm bệnh mà nó kích thích, nó tác động đến cơ chế tự vệ tự nhiên trong cây. Chất kích kháng có thể là một loài vi sinh vật không gây bệnh, không mang tính độc đối với cây trồng hoặc có thể là một loại hóa chất nào đó không độc và không có tác động trực tiếp diệt mầm bệnh như hóa chất được dùng trong nông dược (Phạm Văn Kim et al., 2009)[10].

Kích kháng tại chỗ là kích thích tính kháng chỉ xảy ra tại một vị trí được xử lý bởi các tác nhân kích kháng. Kích kháng lưu dẫn là tính kháng không chỉ thể hiện tại vị trí được xử lý bởi tác nhân kích kháng mà còn truyền đến những mô cây cách xa nơi được xử lý kích kháng. Những tác nhân này có cả tác nhân sinh học và không phải sinh học. Khi xử lý kích kháng bằng biện pháp ngâm hạt nhưng cây có khả năng tự vệ kháng lại một số bệnh cũng thể hiện tính kích kháng lưu dẫn. Kích kháng lưu dẫn khác với kích kháng tại chỗ ở những nơi có k hả năng truyền đến, các mô của cây khác cách xa điểm xử lý kích kháng và làm nâng cao khả năng tự vệ trong cây. Cơ chế kích kháng ở cây trồng, trong tế bào, trong cây là khả năng tiết ra các chất kháng được với một số loại bệnh. Trong điều kiện bình thường cây chưa phát huy hết được khả năng kích kháng. Khi tác động một số các tác nhân kích kháng lên một số bộ phận của cây giúp tế bào của cây tiết ra các chất kháng bệnh. (Phạm Văn Kim, 2002)[9]; (Nguyễn Thị Quỳnh, 2010)[20].

Theo Đái Duy Ban và Lữ Thị Cẩm Vân (1994)[1] sử dụng tác nhân kích kháng như muối của axit salicylic sản xuất chế phẩm (Exin, Phytoxin) để phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn và một số bệnh khác.

Một số chế phẩm đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh chức năng có tác dụng hạn chế bệnh HXVK. Bệnh héo vàng đối với cây trồng cạn đã sử dụng vi khuẩn Pseudomonas fluorescens kết hợp với lân, Exin 4.5 HP đã làm giảm tỷ lệ bệnh HXVK ở giai đoạn sớm và kích thích cây phát triển tốt. Một số thuốc hoá học

không độc có khả năng kích kháng như muối của Axit Salisilic, Bo... cũng được thử nghiệm và có kết quả. Một số chế phẩm sinh học B16, VK58 trong phòng trừ bệnh HXVK trên cà chua và lạc. Trong nghiên cứu phân loại các chủng, loại VSV đối kháng cũng đã được nghiên cứu bước đầu ở Việt Nam. Sử dụng kỹ thuật PCR, RNA của vi sinh vật để phân biệt mối quan hệ giữa VSV với các bệnh khác (Đoàn Thị Thanh, et al., 2006)[22]; (Bùi Chỉ Bửu và Nguyễn Thị Lạng, 2004)[2]; Đái Duy Ban và Lữ Thị Cẩm Vân, 2004[1].

Đoàn Thị Thanh và cs. (2006)[22] đã sử dụng kỹ thuật RNA để phân loại VK đối kháng sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh HXVK và héo vàng.

Nghiên cứu về kích kháng bệnh đối với cây trồng ở nước ta còn hạn chế, các tác giả chủ yếu nghiên cứu trên đối tượng cây nông nghiệp ngắn ngày là chính. Chưa có tác giả nào đi sâu nghiên cứu về khả năng kích kháng bệnh khô cành ngọn Keo tai tượng.

1.2.5. Nghiên cứu về vi sinh vật nội sinh

Biện pháp phòng trừ các loại nấm bệnh bằng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ nấm và vi khuẩn đã được rất nhiều nhà khoa học trong nước nghiên cứu và áp dụng (Nguyễn Lân Dũng và Phạm Văn Ty, 1998)[6], (Nguyễn Lân Dũng, 1982)[5].

Sử dụng xạ khuẩn để phòng chống bệnh thối cổ rễ cây thông con ở vườn ươm do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Trong công trình nghiên cứu của mình tác giả đã sử dụng chủng Tricoderma spp, xạ khuẩn Streptomyces spp để phòng chống bệnh thối cổ rễ cây thông con vườn ươm (Phạm Văn Mạch, 1991)[10].

Phạm Quang Thu (2010)[31] sử dụng vi khuẩn nội sinh thực vật có khả năng ức chế sự phát triển của nấm gây bệnh, như nghiên cứu khả năng tương tác của các vi khuẩn có khả năng ức chế sinh vật gây bệnh với các loài sinh vật đặc thù khác nhau như VK phân giải lân, vi sinh vật đối kháng với nấm gây bệnh... để tạo ra chế phẩm hỗn hợp được gọi là “phân vi sinh chức năng”. Phân vi sinh chức năng này đã được nghiên cứu và sản xuất cho đối tượng cây trồng như: Thông, bạch đàn trên các lập địa thoái hoá, nghèo chất dinh dưỡng.

Phạm Quang Thu và Trần Thanh Trăng (2002)[24] đã phân lập và tuyển chọn VK đối kháng với nấm gây bệnh cây thông con ở vườn ươm, với 12 loài cây dùng làm mẫu để phân lập vi khuẩn nội sinh, tác giả đã phân lập được 70 chủng vi khuẩn nội sinh khác nhau và đã tuyển chọn được 11 chủng có hiệu lực đối kháng với nấm gây bệnh thối cổ rễ Fusarium oxysporum.

Vai trò của vi khuẩn nội sinh trong cơ chế kháng bệnh loét thân, cành do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây hại đối với keo (Nguyễn Hoàng Nghĩa và Phạm Quang Thu, 2006)[17].

Nghiên cứu tăng cường khả năng kháng bệnh cảm ứng cho cây keo lai bằng sử dụng vi khuẩn nội sinh. Tác giả đã phân lập được 30 chủng vi khuẩn ở 5 cấp bệnh khác nhau đối với cây keo lai trong đó có 3 chủng vi khuẩn có hiệu lực đối kháng với nấm gây bệnh C. gloeosporioides cao chủng B03, P01, X02. Tác giả đã thử nghiệm 3 chủng vi khuẩn với các cây keo lai trong giai đoạn vườn ươm, trong đó chủng B03 có tác dụng ức chế nấm gây bệnh và kích thích sinh trưởng như chiều cao vút ngọn và đường kính gốc tốt nhất (Vũ Văn Định, 2009)[7].

Nhận xét chung: Ở nước ta đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về bệnh hại keo và biện pháp phòng trừ. Các tác giả đã cung cấp nhiều thông tin quý về bệnh hại keo. Các biện pháp phòng trừ chính đã được áp dụng như biện pháp hóa học, lâm sinh song chưa có một công trình nghiên cứu chi tiết, đầy đủ và mang tính hệ thống về bệnh khô cành ngọn Keo tai tượng. Việc sử dụng vi sinh vật để phòng trừ bệnh hại cây trồng ở Việt Nam cũng đã được nghiên cứu và áp dụng trong lĩnh vực Nông nghiệp song trong lĩnh vực Lâm nghiệp còn ít và chưa có một tác giả nào đi sâu vào nghiện cứu vi sinh vật nội sinh trong phòng trừ bệnh khô cành ngọn Keo tai tượng. Vì vậy “Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật nội sinh để tăng cường tính kích kháng đối với bệnh khô cành ngọn Keo tai tượng tại một số vùng sinh thái chính ở miền Bắc Việt Nam” là cần thiết có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Nghiên cứu này bước đầu xác định được cơ chế kháng và ứng dụng vi khuẩn nội sinh để tăng cường tính kích kháng đối với bệnh khô cành ngọn cho Keo tai tượng ở miền Bắc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật nội sinh để tăng cường tính kích kháng đối với bệnh khô cành ngọn keo tai tượng tại một số vùng sinh thái chính ở miền bắc Việt Nam (Trang 34 - 37)