Qua kết quả đánh giá hiện trạng tại Cà Mau cho thấy, để nâng cao sản lượng, hiệu quả sản xuất tôm sú giống cần phải tác động đến rất nhiều yếu tố trong đó chất lượng con giống là yếu tố tác động lớn nhất. Theo các tài liệu tại phần tổng quan cho thấy, chất lượng con giống liên quan đến trình độ kỹ thuật của người vận hành, chất lượng tôm sú bố mẹ (thông qua khối lượng tôm sú bố mẹ), mật độ ương ấu trùng, tình trạng sức khỏe ấu trùng, loại thức ăn sử dụng, môi trường, tỷ lệ thay nước qua các giai đoạn biến hóa, hàm lượng hóa chất xử lý nước, bệnh tôm ,...Thế nên, để nâng cao chất lượng tôm giống cần tác động đến các yếu tố như:
Trình độ kỹ thuật (trại sản xuất):
Thông qua tổ chức khuyến ngư, định kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất.
Tổ chức tham quan những mô hình sản xuất tiên tiến, có hiệu quả giúp người dân có điều kiện học hỏi và bổ sung kinh nghiệm trong thực tế. Chú ý đi sâu vào qui trình xử lý nước, chọn, nuôi vỗ tôm sú bố mẹ, kỹ thuật ương nuôi ấu trùng, các nội dung cần phải thiết thực, cụ thể rõ ràng để người tham dự dễ dàng tiếp thu và ứng dụng.
Tổ chức các lớp hội thảo chuyên đề về tác động của môi trường và dịch bệnh đến sản xuất, để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần có các hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức chọn lọc con giống tốt, cập nhật thông tin về thị trường, giá cả giống thủy sản cho người sản xuất.
Xử lý nguồn nước:
Nguồn nước mặn cung cấp cho sản xuất giống là khâu đầu tiên rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn ấu trùng nauplius và zoea. Hiện nay người sản xuất chưa quan tâm đầy đủ tới chất lượng nguồn nước thông qua các chỉ tiêu thuỷ lý, thủy hoá, mà chỉ mới chú ý tới độ mặn, pH, còn các chỉ tiêu khác như các kim loại nặng, chất hữu cơ, tổng lượng vi khuẩn hiếu khí,…ít được quan tâm, dẫn tới sử
dụng các hoá chất xử lý nước không thích hợp hoặc không đúng liều lượng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
Quy trình xử lý nguồn nước cơ bản như sau:
Nguồn nước cung cấp cho trại đục, chất hữu cơ cao, cần có bể lắng. Sử dụng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,5 - 1ppm (dựa vào thực tế của từng vùng nước và định tính để xác định nồng độ thích hợp, nghĩa là sau khi xử lý 24 giờ nước lắng trong và mất màu đỏ của thuốc tím, là nồng độ thích hợp. Về định lượng, rất khó xác định do trong nước có rất nhiều chất bị KMnO4 ôxy hoá như COD, Fe, H2S...). Nếu không loại bỏ các chất hữu cơ trước khi xử lý Chlorine sẽ sinh ra chloramin (NH2Cl) rất độc, có hại cho ấu trùng (nồng độ 0,01ppm đã gây độc) trong giai đoạn đầu.
Sau khi xử lý thuốc tím, chuyển qua bể xử lý có sử dụng chlorin (chất lượng tốt) diệt trùng với nồng độ 30 - 40ppm tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước. Sau 24 giờ sử dụng Sodium thiosulfat 20- 30ppm loại bỏ chlorin dư thừa, nếu sau 48 giờ giảm lượng sodium thiosulfat xuống 10 - 15ppm, nồng độ sodium dư thừa > 0,5ppm không có lợi cho giai đoạn nauplius và zoea. Khi lấy nước ra bể ương cần bổ sung EDTA (Ethylene diamine tetracetate) 5 - 10ppm để khử kim loại nặng có trong nước, tránh hại cho ấu trùng. Nguồn nước có hàm lượng kim loại nặng cao, tôm sú giống thường khó chuyển giai đoạn, giai đoạn nauplius chuyển zoea thường bị hao hụt nhiều, các râu bị đứt. Ngoài ra, có thể xử lý bằng Ozon, tia cực tím là rất tốt nhưng mức đầu tư ban đầu cao.
Chất lượng tôm sú bố mẹ
Chất lượng tôm bố mẹ là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất tôm sú giống. Thế nên, cần phải lựa chọn thật kỹ tôm sú mẹ để phục vụ sản xuất.
Nên lựa chọn những cá thể tôm sú mẹ có kích thước 180 - 250 g/con, có nguồn gốc từ biển khơi hoặc nhập khẩu từ các nước Mỹ, Úc, Thái Lan, Singapo đã được kiểm dịch trước khi nhập khẩu, có phụ bộ nguyên vẹn, màu sắc tự nhiên, sáng bóng, cơ quan sinh dục không trầy xước, đặc biệt tôm sú mẹ phải có túi màu trắng của tôm sú đực ở thelycum. Trước khi cho tôm sú mẹ tham gia sinh sản phải xử lý bằng formol 50mg/L, trong 1 giờ hay thuốc tím 100mg/L trong 30 phút. Nếu có điều kiện nên gửi mẫu tôm sú mẹ (cắt mẫu chân bơi và ngâm ngâm trong dung dịch cồn 900) đến phòng thí nghiệm xét nghiệm bằng phương pháp PCR để loại bỏ những mẫu tôm bị nhiễm các loại virus MBV, WSSV, YHV.
Mỗi cá thể tôm mẹ chỉ cho chúng tham gia sinh không quá 4 lần, không nên chọn tôm sú giống có kích cỡ quá lớn ( > 250gram), vì tôm mẹ có kích cỡ lớn đã tham gia sinh sản nhiều lần ngoài tự nhiên chất lượng ấu trùng thấp.
Kỹ thuậtương nuôi ấu trùng tôm sú
Khi vớt Nauplius khỏi bể đẻ phải tấm bằng Formol hay Iodine trước khi thả và bể ương. Nếu nhiệt độ và độ mặn chêch lệch quá 0,5oC và 1ppt thì phải thuần hóa. Mật độ ương từ 180 – 200 nauplius/L. Mức nước ban đầu chỉ cấp 50% thể tích bể ương.
Quản lý tốt các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, oxy hòa tan, ánh sáng, thay nước. Xử lý hóa chất cần được kiểm soát chặt chẽ và duy trì ở ngưỡng thích hợp. Trong thời gian ương ấu trùng ở giai đoạn Nauplius đến Mysis nên che bể bằng tấm bạt để giữ tối bể, ổn định nhiệt độ, hạn chế tảo phát triển quá mức và tránh dịch bệnh lây lan.
Giai đoạn Nauplius, ấu trùng dinh dưỡng bằng noãn hoàng nên không cần cho ăn. Tuy nhiên, khuyến cáo nên bổ sung tảo tươi hoặc tảo khô vào bể ương ở giai đoạn Nauplius 6 để đến khi chuyển sang Zoea 1 thì có sẵn thức ăn, ở các giai đoạn Mysis, hậu ấu trùng (Post-larvae) cần phải dùng ấu trùng Artemia và các loại thức ăn tổng hợp có giá trị dinh dưỡng cao.Tỷ lệ sử dụng Artemia/ thức ăn tổng hợp: 3/1 (mỗi ngày cho ăn 8 lần).
Trong quản lý môi trường bể ương cần hạn chế tối đa dùng thuốc, hóa chất, chất kháng sinh. Nên dùng chế phẩm vi sinh nhằm hạn chế sự phát triển của mầm bệnh và các vi sinh vật gây bất lợi cho vật nuôi. Điều chỉnh nước trong bể ương cho phù hợp, kích thích tôm sú giống lột xác. Theo dõi các yếu tố môi trường hàng ngày để kịp thời điều chỉnh những bất lợi về môi trường.
3.5.1.2.Về quản lý Nhà nước Giải pháp về quy hoạch:
Cà Mau hiện có 250 trại sản xuất tôm giống nằm ngoài qui hoạch của tỉnh, gây ảnh hưởng rất lớn cho công tác quản lý cũng như trong chỉ đạo sản xuất, những trại này thường có điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo, gây tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Để khắc phục vấn đề trên UBND tỉnh Cà Mau cần sớm qui hoạch khu sản xuất tôm sú giống tập trung. Đối với địa bàn tỉnh Cà Mau để hạn chế tối đa việc ô
nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất tôm sú giống nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản bền vững nói chung, các trại sản xuất tôm sú giống cần qui hoạch tại những nơi có nguồn nước sạch, chủ động,…Tập trung chủ yếu: Cửa biển Gành Hào, Bồ Đề, Rạch Gốc và sông Cửa Lớn.
Ưu tiên đầu tư xây dựng các trại hạ tầng tại các khu sản xuất giống tập trung theo quy hoạch để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng trại sản xuất giống có qui mô lớn, chất lượng cao..
Giải pháp về quản lý
Triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể:
Thời gian qua, nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, ngành Nông nghiệp cũng đã tích cực kiểm tra, thanh tra các trại giống và đã có biện pháp xử lý những trường hợp sai phạm. Thế nhưng, sau khi bị xử phạt, các trại sản xuất tôm sú giống này vẫn lén lút hoạt động, không đăng ký, không kiểm dịch gây khó khăn trong công tác quản lý.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng con giống thì ngoài việc tăng cường kiểm dịch giống, thanh kiểm tra việc chấp hành kiểm dịch thì ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cần tăng cường tập trung quản lý về gốc, xây dựng trại hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất giống thủy sản, yêu cầu khắc phục hoặc xử lý đối với các trại sản xuất tôm sú giống chưa đủ điều kiện, đồng thời hướng dẫn cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, giám sát các trại sản xuất đóng trên địa bàn. Mặt khác, triển khai thành lập thí điểm các mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Chi hội sản xuất, kinh doanh tôm sú giống. Ngoài việc giúp nhau phát triển sản xuất, các tổ chức này còn tham gia giám sát chất lượng, ngăn ngừa tình trạng sản xuất, kinh doanh tôm sú giống không đạt chất lượng.
Tăng cường phối hợp với Viện, Trường, Trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành thủy sản để đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm sú giống; đồng thời chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại Cà Mau.
Giải pháp về bảo vệ môi trường
Củng cố, hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng môi trường các vùng nước ven bờ nhằm cảnh báo các diễn biến của môi trường để kịp thời ứng phó, phục vụ tốt cho sản xuất.
Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng xung yếu ven biển, rừng bãi bồi ven sông và cả rừng sản xuất nhằm hạn chế mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm các vùng nước ven biển, các sông rạch. Phát triển bền vững nghề Nuôi trồng Thủy sản.
Nạo vét các sông rạch nội đồng, các cửa biển nông; khai thông các cống rãnh, tháo gỡ nò, đó, gió, lú, hàng đáy trên sông tạo thông thoáng cho nguồn nước lưu thông.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các nhà máy chế biến, khu công nghiệp, đầm nuôi tôm công nghiệp thải nước thải, chất thải ra các thủy vực nước chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đúng theo qui định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho cho các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các trại sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện xử lý nước thải sản xuất trước khi thải ra môi trường công cộng. Đồng thời kiểm tra việc thực hiện xử lý và bảo vệ môi trường.
3.5.2. Giải pháp lâu dài 3.5.2.1. Giải pháp kỹ thuật