Đặc tính không hột là một đặc điểm quý của trái cây nói chung và cam quýt (Citrus) nói riêng vì đó là đặc tính mong muốn của thị trường trái tươi và ngay cả
ngành chế biến nước ép. Vì nước ép từ trái cam quýt có hột thường có mùi không thích hợp và còn có vị đắng (Ollitrault và ctv., 2007) [101].
Cam quýt thương mại thường có rất ít hột, trung bình ít hơn 2 hoặc 1,5
hột/trái được xem như không hột (Ortiz, 2002) [103]. Theo Zhu và ctv. (2008) [152], trung bình 2,3 hột/trái được coi là không hột. Theo Varoquaux và ctv. (2000)
[138], trái cam quýt được xem là không hột khi số hột nhỏ hơn 5 hột. Ở Mỹ trái cam được xem là không hột khi có từ 0- 6 hột (Purdure University, 2005) [108].
Đặc tính không hột của cam quýt có nhiều yếu tố chi phối và còn chịu ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường. Ví dụ, giống Mukakukishiu hoàn toàn không hột
trong bất kỳ điều kiện nào. Cam Navel và quýt Satsuma thường không hột, nhưng đôi khi có hột khi được thụ phấn. Mặt khác, khi được thụ phấn chéo, vài giống bưởi
có thể có hơn 100 hột, trong khi không hột trong điều kiện tự thụ phấn (Ollitrault và
ctv., 2007) [101]. Giống bưởi Năm Roi không hột cũng gặp tình trạng tương tự (Lê
Văn Bé và Nguyễn Văn Kha, 2010) [8].
Trong thực tế sản xuất, chúng ta có thể thấy trái không hột ở những giống có
hột, có thể yếu tố ngoại cảnh đã tác động đến hiện tượng này. Nguyễn Bá Phú và Nguyễn Bảo Vệ (2008) [11]đã kết luận thời vụ có liên quan đến số hột trên trái cam Sành tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, vào mùa thuận có số hột cao nhất (21,1- 22,2 hột/trái) và thấp hơn vào mùa nghịch (13,9 – 17,5) hột/trái; và cam Sành có khả năng trinh quả sinh, tạo và phát triển trái không cần thụ phấn.
Hoa cam quýt sau khi thụ tinh xong phần tiểu noãn hình thành hột và bầu
noãn hình thành trái. Trong giaiđoạn đầu hột và trái phát triển song song, hột phát
triển tổng hợp thêm nhiều chất dự trữ ở phôi nhũ, tăng cường sự tổng hợp auxin và kích thích sự phát triển của bầu noãn. Sự phát triển của trái tùy thuộc vào sự nẩy
mầm và thụ tinh của hạt phấn hoặc tùy thuộc vào sự phát triển của ống phấn. Bằng
cách xử lý auxin ở giai đoạn trước khi thụ phấn cũng có thể tạo nên những trái
không hột. Tuy nhiên, ảnh hưởng của auxin lên sự phát triển của những trái không
hột còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, có những loại trái mà không cần sự
thụ phấn như chuối, dứa,… Trong khi đó sử dụng GA3 có thể tạo trái không hột như
nho, táo,…nhiều giảthuyết cho rằng sự phát triển này là do sự cân bằng giữa auxin, gibberellin và cytokinin (Lê Văn Hoà và Nguyễn Bảo Toàn, 2004) [9].
Theo Vũ Văn Vụ và ctv. (1999) [43], quá trình sinh trưởng của trái được điều chỉnh bởi các hoocmon nội sinh, sự sinh trưởng của bầu noãn mạnh mẽ khi có
số lượng hạt phấn rơi trên nướm nhụy càng nhiều, vì hạt phấn là nguồn giàu auxin. Tuy nhiên, auxin của hạt phấn không đủ để kích thích sự hình thành và lớn lên của
trái mà quá trình này được điều chỉnh bởi một phức hệ hoocmon sản sinh từ phôi và
sau đó là hột. Trong phức hệ đó có auxin, gibberellin và cytokinin, các chất này
được hình thành trong phôi và khuếch tán vào bầu noãn kích thích sự phân chia và giãn dài của tế bào. Do đó, số lượng hột và sự phát triển của hột có liên quan chặt
chẽ đến hình dạng và kích thước cuối cùng của trái. Nếu loại trừ sớm hột khỏi trái
thì sự sinh trưởng của trái bị ngừng. Nhưng nếu sử dụng auxin ngoại sinh thì có thể
thay thế được hột và trái vẫn phát triển bình thường. Chính vì những lý do đó mà chỉ có các hoa được thụ phấn, thụ tinh phát triển thành phôi và hột thì bầu noãn mới
phát triển thành trái. Nếu chúng ta thay thế nguồn phytohoocmon của phôi bằng các
chất điều hoà sinh trưởng ngoại sinh thì cũng có khả năng kích thích sự sinh trưởng
của bầu noãn thành trái và tất nhiên trái hình thành không qua thụ phấn sẽ không có
hột.
Sự tạo trái không hột có thể hoàn toàn và không hoàn toàn tức có thể hoàn toàn không có hột hay số lượng hột giảm đi nhiều. Nguyên nhân của việc tạo trái
không hột trong tự nhiên là do hàm lượng auxin nội sinh cao ở trong bầu của chúng,
cho phép bầu phát triển thành trái mà không cần có nguồn auxin trong hột giải phóng ra. Người ta đã phân tích hàm lượng auxin ở trong bầu của các loài có hột
bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với các loài không hột. Bằng việc xử lý auxin ngoại
sinh có thể thay thế được nguồn auxin của phôi, hột và tạo được trái không hột
trong nhiều trường hợp như cà chua, ớt, thuốc lá, sung, vải, dưa hấu, dưa chuột,
bầu, dâu đất… Tuy nhiên, có đến 80% cây ăn trái khi xử lý auxin không gây hiệu
quả. Bằng việc xử lý gibberellin cũng có thể tạo trái không hột cho nhiều loại trái
mà auxin không gây hiệu quả như táo, lê, anh đào, nho, mận, đào. Ngoài ra, một số ít trường hợp trái không hột được tạo nên do xử lý cytokinin (một số giống nho)
hoặc bằng các chất ức chế sinh trưởng như CCC, photphon D, ADHS (một số giống
táo). Tuy nhiên, trái không hột thường có hình thái thay đổi ít nhiều, chứng tỏ các hoocmon đi ra từ hột có bản chất auxin, hoặc gibberellin, nhưng không hoàn toàn
giống như các chất ngoại sinh. Gibberellin có vai trò làm tăng tỉ lệ đậu trái, kích thước của trái và tạo trái không hột trong một số trường hợp (Vũ Văn Vụ và ctv., 1999) [43].
Khi cung cấp GAs ngoại sinh trên quýt Clementine sẽ làm tăng tỷ lệ đậu trái. Do đặc tính của giống quýt này là không hột nên có thể hàm lượng GAs nội sinh không đủ để kích thích sự phát triển của bầu noãn. Tuy nhiên, khi áp dụng GAs trên quýt Satsuma thì khôngảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái, khi phân tích định lượng GAs nội sinh được thực hiện bằng GC-MS cho thấy rằng GA53, GA44, GA39, GA20, GA1,
lượng GA29 và GA3 thì chiếm nhiều nhất trong bầu noãn của quýt Satsuma ở giai đoạn phát triển (Talon và ctv., 1992) [130].
Trên cam quýt, sự bất dục mạnh kết hợp với khả năng trinh quả sinh là điều
kiện cần thiết cho sản xuất trái không hột (Ollitrault và ctv. 2007) [101]. Vì tuy có khả năng bất dục nhưng nếu không có khả năng trinh quả sinh thì không thể sản
xuất trái không hột.