Việc thực hiện các chính sách đối với phụ nữ được coi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên cho đến nay việc thực hiện các chính sách đó vẫn còn thiếu các quy chế, chế độ. Bên cạnh đó cũng còn nhiều ý kiến cho rằng chính sách đối với phụ nữ là công tác phong trào, vì vậy làm cũng tốt mà không làm cũng chẳng sao. Xét cho cùng các chính sách khi đem ra thực hiện người phụ nữ vẫn chưa thực sự được hưởng những quyền lợi ngang với nam giới. Vậy tác động của các chính sách đó xét về mặt kinh tế, xã hội đối với các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là người phụ nữ ra sao?
- Chính sách đất đai: ở nông thôn thì đất đai là một nguồn lực rất quan trọng. Về nguyên tắc, nhà nước qui định đứng tên sử dụng ruộng đất là cả hai vợ chồng nhưng trong thực tế chủ hộ chủ yếu là nam giới, việc sử dụng ruộng đất như thế nào, cho thuê, nhường quyền sử dụng cho người khác... thì người chồng lại nắm quyền quyết định với lý lẽ phụ nữ ít có sự hiểu biết về vấn đề này. Mặc dù lao động vất vả trên ruộng đất của gia đình mà họ vẫn không có quyền gì. Khi xảy ra ly hôn thì không được chia ruộng cũng như không có các tài sản lớn như: nhà, xe đạp, xe máy.
- Chính sách tín dụng: Hiện nay vốn là một vần đề rất quan trọng, hầu hết các hộ đều muốn phát triển sản xuất kinh doanh nhưng đều thiếu vốn. Nhưng khi đi vay vốn họ gặp phải rất nhiều trở ngại bởi vì thủ tục vay vốn còn rườm rà và lãi suất vẫn còn cao. Hơn nữa muốn vay vốn thì phải có tài sản để thế chấp mà phụ nữ lại không có tài sản lớn vì họ không đứng tên người chứng nhận quyền sử dụng đất mà việc này thường do chủ nhà tức
người chồng quyết định trong khi đi vay vốn lại là người vợ. ở nông thôn hiện nay chỉ có hội nông dân và hội phụ nữ là 2 tổ chức mà người phụ nữ có thể tin cậy nhất, họ được vay với lãi suất thấp tuy nhiên vốn vay lại không được nhiều. Muốn vay nhiều phải chấp nhận lãi suất cao và ở tổ chức tín dụng, ngân hàng và các tổ chức tư nhân khác. Mặt khác quỹ phục vụ giúp đỡ người nghèo nhiều khi được sử dụng không đúng mục đích. Những hộ nghèo họ không có tài sản thế chấp nên họ không vay được vốn và một phần quỹ này thường bị thất thoát do nhiều mục đích khác nhau. Chính vì vậy mà quỹ này khi đến tay người dân thì lại bị hao hụt tương đối cao.
- Chính sách bảo hiểm: Một thực tế cho thấy rằng người phụ nữ nông thôn phải làm việc vất vả hơn nam giới nhưng mức thu nhập lại không ổn định và họ cũng không được hưởng chế độ hưu trí khi về già, cũng như bảo hiểm y tế thương tật, chế độ thai sản, nghỉ phép và các khoản đền bù khác. Vì vậy mà chính sách này gần như không có ý nghĩa với phụ nữ ở nông thôn.
- Chính sách dân số: Khi nói đến chính sách này các cấp chính quyền cũng như đoàn thể thường tập trung vào vận động chị em phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch từ 1-2 con thường chỉ tập chung vào phụ nữ mà không nói đến nam giới. Nhưng trên thực tế việc sinh bao nhiêu con và vào thời gian nào không phải do phụ nữ quyết định mà phần lớn là do chồng. Có nhiều trường hợp gia đình nhà chồng vì muốn có con nối dõi phải sinh được con trai.
Mặt khác vấn đề giới tính và sức khoẻ sinh sản được coi là rất nhạy cảm tế nhị, phụ nữ thường rất xấu hổ khi đề cập đến vấn đề này. Chính vì thế việc nâng cao nhận thức cho chị em là rất khó.
- Hệ thống luật chính sách của nhà nước ta cũng chưa có điều luật cụ thể rõ ràng quy định về thời gian làm việc của lao động nông nghiệp. Trên thực tế thường lao động phụ nữ không thể cạnh tranh với nam giới, giá ngày công của phụ nữ rẻ mạt nên trong thuê mướn thường có tình trạng bóc lột và lợi dụng lao động nữ đặc biệt là thuê mướn theo vụ việc, không có hợp đồng mà chỉ hợp đồng trên miệng. Họ phải lao động quá sức và quá thời gian, đó là một thiệt thòi rất lớn hạn chế vai trò của họ đối với gia đình và xã hội. Mặt khác sự thiếu chặt chẽ trong hệ thống luật đã và đang làm gia tăng tình trạng: “Bạo lực gia đình” ở nông thôn. Người phụ nữ đã khổ lại càng khổ hơn.
- Trong mấy năm qua hội phụ nữ của xã hoạt động cũng đạt những kết quả đáng kể tuy nhiên năng lực còn yếu và nội dung sinh hoạt hội còn nghèo nàn nên chất lượng hội viên tham gia còn chưa cao. Sự tiếp nhận các thông tin kiến thức của phụ nữ còn hạn chế. Đồng thời sự hạn chế các chính sách và hệ thống luật của nhà nước là nguyên nhân rất lớn gây cản trở khó khăn cho phụ nữ trong quá trình tham gia phát triển kinh tế xã hội.
4.2.3.5. Nhận xét đánh giá chung về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Ngọc Động - huyện Quảng Uyên - tỉnh Cao Bằng