Qua phân tích các yếu tố trên và căn cứ vào chế độ thủy triều, các yếu tố về địa hình, chất đáy, độ trong của nước, môi trường… của vùng nghiên cứu. Phương án quy hoạch xác định vùng nuôi nghêu như sau:
- Vùng 1: Thời gian phơi bãi dài từ 8 – 10 giờ/ ngày, có cao trình mặt đất (theo số 0 lục địa) từ (- 0,20) m đến (- 0,50) m. Vì thời gian phơi bãi dài sẽ rút ngắn thời gian bắt mồi của con nghêu nên vùng này khống chế mật độ nuôi thả thấp và thu hoạch sớm để ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và độ mặn xuống thấp về mùa hè.
- Vùng 2: Thời gian phơi bãi từ 4 – 6 giờ/ngày, có cao trình mặt đất (Theo số 0 lục địa) từ (- 0,50) m đến (- 0,80) m. Đây là vùng nuôi nghêu tốt nhất, phù hợp với các điều kiện tiêu chuẩn.
- Vùng 3: Thời gian phơi bãi rất ít hoặc thường xuyên ngập nước từ 0,2 đến 0,3 m, có cao độ mặt đất từ (0,80) m đến (-1,00) m. Đây là vùng nuôi nghêu tương đối sâu, nhưng có thời gian ngập nước dài để nghêu bắt mồi nên sinh trưởng tốt, tuy nhiên phải chú ý đến các biện pháp quản lý, không để nghêu di chuyển mất và kích cỡ nghêu giống thả phải tưoơg đối lớn.
- Đối với vùng bãi triều thuộc xã Thụy Hải, Thái Thượng tiếp giáp với sông Diêm Điền là nơi nhận nước từ cống Trà Linh (nước thải nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh…), trong thiết kế mặt bằng phải chú ý để lại khoảng trống khoảng 200 m tính từ mép sông, đề phòng nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến việcnuôi nghêu.
- Vùng nuôi nghêu thuộc xã Thái Đô giáp với cửa sông Trà Lý bị ảnh hưởng bởi dòng chảy nước ngọt đổ ra biển thường xuyên, độ mặn thấp hơn các vùng khác và biến đổi đột ngột nhất là về mùa mưa lũ nên phần diện tích gần mép cửa sông (khoảng 200 m
– 300 m) không nên nuôi nghêu hoặc có nuôi thì phải thu hoạch sớm trước mùa lũ và phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chăm sóc nghêu hàng ngày để kịp thời xử lý những tình huống môi trường biến dổi bất lợi cho nghêu.