a. Nội dung phương pháp
Phương pháp phân tích ghi chép là một phương pháp quan sát mà trong đó hành động của người lao động được ghi chép lại một cách nhanh chóng theo trình tự xảy ra nhờ vào hệ thống mã được xây dựng tùy thuộc vào đối tượng và phạm vi của nghiên cứu.
Mục đích và nguyên tắc xây dựng hệ thống mã:
+ Mục đích: Giúp công việc quan sát và ghi chép nhanh, dễ dàng hơn tất cả các thao tác trong sản xuất. Giảm tải sự sai sót do đánh giá chủ quan của người quan sát.
+ Nguyên tắc: Tất cả hành động của người lao động, dụng cụ hoặc bất kì các đối tượng nào liên quan, cần được quan sát và ghi chép đều được mã hóa thành các kí tự viết tắt. Vì vậy, mỗi nghiên cứu sẽ có một hệ thống mã được xây dựng tương thích. Không có sự giống nhau giữa các hệ thống mã của các nghiên cứu khác nhau.
Ngoài ra, phương pháp phân tích ghi chép chính là phương pháp nghiên cứu định tính. Trong nghiên cứu định tính thì kích thước mẫu phụ thuộc vào vấn đề cần tìm hiểu, lý do tại sao cần phải làm rõ, kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng như thế nào khi lượng mẫu sử dụng không nhiều [9].
Áp dụng phương pháp phân tích quan sát tốt nhất khi cần nhận diện và đánh giá các thao tác gây ra nhiễm chéo trong thực phẩm, khi người nghiên cứu mong muốn số liệu đạt được phản ánh thực tế vấn đề cần nghiên cứu.
b. Yêu cầu của phương pháp
Để thực hiện quá trình ghi chép và đánh giá, đưa ra kết quả đúng nhất của nghiên cứu khi đi quan sát thì ta sử dụng bảng mẫu phân tích ghi chép.
Cần phải thực hiện khảo sát và quan sát khu vực cần nghiên cứu trước khi thực hiện quan sát thao tác từng cá nhân. Cá nhân nhân bị quan sát được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của người nghiên cứu.
Tuy nhiên, việc quan sát phải thực hiện kín đáo để người bị quan sát không phát hiện ra, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lí người được quan sát, làm cho kết quả không chính xác (Roethlisberger và Dickson, 1939) [22].
Để giảm thiểu sự ảnh hưởng đó, ta có thể thực hiện:
- Trang phục đơn giản, không quá lịch sự và có thể ăn mặc giống như người được quan sát. Tờ giấy dùng để ghi chép thao tác càng nhỏ gọn càng tốt.
- Tìm một ví trí thích hợp (trống, không gây ảnh hưởng đến công việc của người khác, không gây sự chú ý đối với người được quan sát). Tránh đứng một vị trí quá lâu mà cần phải có sự di chuyển.
- Nếu một đối tượng khác đặt câu hỏi về công việc quan sát thì trả lời với mục đích khác sao cho không ảnh hưởng đến lợi ích và hoạt động của họ.
c. Ưu nhược điểm của phương pháp
- Ưu điểm
+ Tiết kiệm chi phí.
+ Cho phép ghi chép chi tiết từng thao tác quan sát được.
+ Độ chính xác của kết quả phân tích cao hơn phương pháp quan sát truyền thống (chỉ ra được các hoạt động có thể gây ra nhiễm chéo).
- Nhược điểm
+ Tốn nhiều thời gian quan sát và đi lại.
+ Có thể xảy ra thiếu sót thao tác trong quá trình quan sát ghi chép.
+ Kết quả thu được có thể phản ánh chủ quan vấn đề nghiên cứu nếu như
thực hiện quan sát và ghi chép không đồng bộ.