Mứt là một sản phẩm không thể thiếu của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong những ngày Tết. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mứt ngoại nhập chiếm thị phần lớn trên thị trường mứt (40 - 50%). Nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng đến xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa có sức mua lớn. Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất mứt chưa chú ý đến đổi mới mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm. Trên thị trường các loại mứt truyền thống như mứt bí, mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng…là phổ biến.
Hiện nay, công nghệ chế biến và mức độ vệ sinh an toàn cũng như chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm mứt là tiêu chí để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong quản lý tạo điều kiện cho các sản phẩm mứt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, an toàn được bày bán tràn lan, các cơ sở sản xuất mứt tư nhân, nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh vẫn hoạt động một cách tự do, công khai. Đây là nguyên nhân đánh mất lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm mứt.
Vài năm gần đây, công nghệ sản xuất mứt ở Việt Nam đã được chú trọng và thay đổi rất nhiều. Sản phẩm mứt có trên thị trường rất phong phú và đa dạng về mẫu mã, nguyên liệu và dạng sản phẩm như mứt miếng đông, mứt nhuyễn… Trên thị trường xuất hiện các loại mứt được đóng gói dạng đơn nguyên liệu hoặc hỗn hợp nhiều loại nguyên liệu với chất lượng đảm bảo. Mứt Việt Nam đã dần chiếm lĩnh thị trường và bước đầu đã có sự giao lưu trong cả nước.
Mứt nhuyễn là sản phẩm xuất hiện gần đây nhưng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Mứt ở trạng thái sánh dẻo, độ khô của sản phẩm không quá cao (65-70%) và sản phẩm giữ được nhiều tính chất ban đầu của nguyên liệu, dễ dàng trong sử dụng. Tuy nhiên công nghệ sản xuất của nước
ta còn yếu, chưa đi theo chiều sâu nên sản phẩm còn ít.