Những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo

Một phần của tài liệu Mở rộng tín dụng hộ nghèo tại ngân hàng chính sách xã hội huyện vị thủy tỉnh hậu giang (Trang 29 - 33)

* Điều kiện tự nhiên

Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo, những hộ sống ở vùng đồng bằng, nơi có cơ sở hạ tầng tốt, trình độ dân trí cao, khí hậu ôn hòa, đất đai rộng, thì vốn tín dụng hộ nghèo dễ có điều kiện phát huy hiệu quả cao

và ngược lại, những nơi cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, đất đai ít, cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt thì vốn tín dụng phát huy hiệu quả không cao.

* Điều kiện xã hội

Do tập quán canh tác ở một số nơi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, như chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, không có chuồng trại, không tiêm phòng dịch, nên hiệu quả không cao. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tín dụng hộ nghèo. Các hộ nghèo thường có số con đông hơn các hộ trung bình, nhưng sức lao động ít; trình độ học vấn của chủ hộ và các thành viên trong gia đình thấp, nên sử dụng vốn kém hiệu quả. Một số hộ nghèo do nhận thức còn hạn chế, xem nguồn vốn tín dụng của NHCSXH là vốn cấp phát, cho không của Nhà nước, nên sử dụng chủ yếu vào sinh hoạt trong gia đình; không đầu tư vào SXKD; vốn sử dụng không có hiệu quả, dẫn đến không trả nợ cho Ngân hàng.

* Điều kiện kinh tế

Vốn tự có của hộ nghèo hầu như không có (chỉ có sức lao động), nên vốn SXKD chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng cũng là một yếu tố làm giảm hiệu quả của vốn vay. Cùng với việc thiếu vốn SXKD, thì việc lồng ghép tập huấn các chương trình như: Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…hạn chế cũng góp phần làm giảm hiệu quả tín dụng hộ nghèo.

* Điều kiện y tế, giáo dục, thị trường cũng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tín dụng hộ nghèo. Những nơi có trạm y tế, có đội ngũ y, bác sỹ đầy đủ, thì nơi đó việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, người dân có sức khỏe tốt đồng nghĩa với sức lao động tốt, có điều kiện để SXKD tốt, sử dụng vốn có hiệu quả; trong đó, có vốn tín dụng hộ nghèo và ngược lại. Giáo dục có ý nghĩa quyết định đến việc sử dụng vốn tín dụng có hiệu quả. Nếu nơi nào có tỷ lệ người được học cao, thì nơi đó dễ có điều kiện tiếp thu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nơi đó con người có ý thức tốt hơn; SXKD có hiệu quả, chấp hành pháp luật Nhà nước và thực hiện việc trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay có những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện đi lại khó khăn (vùng đồng bằng Sông Cửu Long, v.v.) tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng hộ nghèo. Nơi nào có chợ, chợ họp thường xuyên, thì nơi đó kinh tế phát triển, hàng hóa sản xuất

ra dễ tiêu thụ, người dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, có điều kiện tiếp cận được kinh tế thị trường.

* Chính sách nhà nước

Sự can thiệp (điều tiết) của Nhà nước đối với nền kinh tế là một tác nhân quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế. Sự điều tiết của Nhà nước đúng, kịp thời sẽ giúp môi trường kinh tế được lành mạnh hóa, hoặc ngược lại sẽ gây rối loạn thị trường. Để Nhà nước có các chính sách hỗ trợ vốn cho các vùng nghèo, xã nghèo, hộ nghèo kịp thời, liên tục; có chính sách hướng dẫn hộ đầu tư vốn vào lĩnh vực nào trong từng thời kỳ, xử lý rủi ro kịp thời cho hộ nghèo, thì vốn vay dễ có điều kiện phát huy hiệu quả cao. Sản phẩm làm ra của hộ nghèo, nếu có thị trường tiêu thụ tốt, thì dễ tiêu thụ có lợi nhuận và hiệu quả đồng vốn cao và ngược lại; nếu Nhà nước có các chính sách đúng, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì góp phần làm cho việc sử dụng vốn có hiệu quả. Nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng và nâng cấp các con đường giao thông nông thôn, các công trình thuỷ lợi và chợ. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bao gồm cung cấp giống mới và các loại vật tư nông nghiệp khác, tập huấn và khuyến nông để người nghèo có các điều kiện cần thiết sử dụng vốn có hiệu quả.

* Bản thân hộ nghèo

Khách hàng vay vốn của NHCSXH hiện nay chủ yếu là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, mà hộ nghèo thường thiếu nhiều thứ; trong đó, có tri thức, kinh nghiệm SXKD, dẫn đến hiệu quả của SXKD hạn chế, sản phẩm sản xuất ra chi phí cao, chất lượng và khả năng cạnh tranh kém khó vượt qua các rủi ro trong sản xuất và đời sống. Về vốn chủ yếu là vốn vay ngân hàng, không có vốn tự có, dẫn đến bị động về vốn sản xuất. Nếu hộ nghèo có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích gặp thuận lợi trong sản xuất, chăn nuôi thì có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tại một số vùng đặc biệt khó khăn là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Một số hộ nghèo do ý thức kém, nên sử dụng vốn sai mục đích, không chấp hành việc trả nợ (gốc, lãi) cho ngân hàng đúng hạn.

1.2.2 So sánh tín dụng hộ nghèo của NHCSXH với tín dụng thương mại tại các Ngân hàng thương mại

Trước đây, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao nhiệm vụ làm đầu mối cho vay tín dụng hộ nghèo của Nhà nước. Các ngân hàng này vừa hoạt động kinh doanh vừa thực hiện hoạt động công ích. Tuy nhiên, kể từ năm 2003 hoạt động tín dụng chính sách và hoạt động kinh doanh đã tách bạch ra khỏi các ngân hàng này. So sánh với các tín dụng thương mại, tín dụng chính sách tại NHCSXH có những điểm khác nhau như sau:

- Mục đích hoạt động: Tín dụng hộ nghèo do Nhà nước quản lý, cho vay theo chủ trương của Nhà nước nên mục đích hoạt động không vì lợi nhuận. Trong khi đó, tín dụng NHTM do nhiều thành phần quản lý (của Nhà nước hoặc các thành phần khác, liên doanh, ngân hàng...) và mục đích hoạt động chủ yếu là vì lợi nhuận.

- Cơ quan quản lý nhà nước: Tín dụng Chính sách của NHCSXH do Chính phủ trực tiếp quản lý, còn đối với NHTM do NHNN trực tiếp quản lý.

- Can thiệp của Nhà nước: Tín dụng Chính sách của NHCSXH được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, đối với tín dụng của NHTM được Nhà nước giám sát thông qua luật TCTD và Ngân hàng.

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay tín dụng Chính sách do Nhà nước quy định, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế từng thời kỳ, từng đối tượng mà Nhà nước cần khuyến khích và lãi suất cho vay thường cố định và thấp hơn lãi suất của các NHTM.

- Đối tượng cho vay: Đối tượng cho vay của NHCSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Quyết định của Chính phủ, Còn đối với tín dụng của NHTM thì đối tượng cho vay rất rộng, ngoài cho vay đầu tư còn cho vay vốn lưu động và các hoạt động khác miễn là đảm bảo an toàn vốn vay, khách hàng chấp nhận lãi suất vay, đủ khả năng trả nợ cả gốc và lãi.

- Tài sản bảo đảm tiền vay: Tín dụng hộ nghèo của NHCSXH chủ yếu là tín chấp, thông qua 4 đoàn thể chính trị: Đoàn Thanh Niên, hội Phụ Nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh.

- Thời gian và Giới hạn dư nợ cho vay: Thời giantối đa và giới hạn mức cho vay tùy thuộc vào chương trình vay vốn, được qui định cụ thể theo Quyết định của Chính phủ.

- Thủ tục vay vốn: Tín dụng hộ nghèo của NHCSXH đơn giản hơn, chỉ cần hộ vay là hộ nghèo có trong danh sánh hộ nghèo của địa phương, kết nạp vào tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng, và thực hiện vay vốn theo qui trình vay vốn của Ngân hàng. Nói tóm lại, người vay chỉ cần làm đơn vay vốn, còn các thủ tục khác do tổ trưởng kết hợp với ngân hàng thực hiện, mọi chi phí giấy tờ hồ sơ, sổ sách vay vốn đều được miễn phí.

- Nhận vốn vay và trả nợ của người vay: khác với các NHTM, NHCSXH phát vay và thu nợ trực tiếp đến người vay tại các điểm giao dịch xã của địa phương, còn tiền lãi hàng tháng do tổ trưởng đến nhà thu. Chính điều này, đã tiết kiệm chi phí tối đa cho hộ nghèo, và được sự đồng tình ủm hộ của Chính quyền địa phương.

Một phần của tài liệu Mở rộng tín dụng hộ nghèo tại ngân hàng chính sách xã hội huyện vị thủy tỉnh hậu giang (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)