2.1. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô
2.1.6. Chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ôtô của nhà nước
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước; đồng thời phấn đấu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.
Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược) (có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020).
Về công nghiệp hỗ trợ: Chiến lược xác định sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ: Mục tiêu của Chiến lược là giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Chiến lược phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...); tập trung đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế; hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ôtô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác-liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu-triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa...
Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm: Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn; Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Phát triển công nghiệp ôtô trên cơ sở bình đẳng giữa sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường; Phù hợp với các cam kết quốc của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Sau thời hạn trên, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này. Các doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất, doanh nghiệp phải cam kết linh kiện, phụ tùng đúng chuẩn xe, phải kiểm tra chất lượng 1 xe trong mọi lô hàng nhập khẩu, bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ôtô con nhập khẩu đã qua sử dụng, có đủ giấy tờ nhập khẩu theo quy định từ 01/01/2018.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó có nội dung sửa đổi một số quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Cụ thể: Nghị định số 17/2020/NĐ-CP bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định quản lý chất lượng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu. theo đó, đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản
lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.
Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường. Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng.
Nghị định giao Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định này. Các quy định liên quan đến điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.
Ngoài các chính sách về đầu tư, kinh doanh nói chung, ngành công nghiệp ô tô còn chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang tính đặc thù và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt là các chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh các yếu tố có lợi cho sự phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như nhu cầu thị trường ô tô, định hướng chiến lược phát triển và chiến lược mua sắm của các hãng ô tô lớn trên thế giới, lợi thế so sánh của quốc gia thì vẫn còn một số yếu tố gây hạn chế cho sự phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp CNHT, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn rất khó để tiếp cận được với những ưu đãi của Chính phủ. Nguyên nhân là do, sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều doanh nghiệp CNHT chưa tiếp cận được các ưu đãi theo quy định. Với lĩnh vực khoa học, công nghệ, sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế, không ít các sản phẩm nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn về ứng dụng và phát triển sản phẩm.
Hiện vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực CNHT.
Hay đối với các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng, để vay được vốn, doanh nghiệp cần có rất nhiều điều kiện. Trong khi đó, doanh nghiệp CNHT đa số có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp. Hơn thế, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn, phạm vi ưu đãi hẹp, chưa kể rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển… nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.
Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.