2.1. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô
2.1.5. Lợi thế so sánh của quốc gia
Việt Nam hiện đang rất khát khao làm được ô-tô, thiết bị viễn thông 5G, và các sản phẩm trí tuệ made in Vietnam, song chúng ta lại chưa có đủ năng lực và cơ sở để sản xuất chip bán dẫn, động cơ xe, cell pin, … cho nên viễn cảnh đột phá đi đầu là vô cùng khó. Tập đoàn Vingroup mới đây vừa tuyên bố ngừng kinh doanh smartphone để tập trung cho mảng ô-tô, lên kế hoạch đánh chiếm thị trường Mỹ bằng hai mẫu xe điện VF32 và VF33, tiếp đó IPO trên sàn NASDAQ để thu về 3 tỷ USD (biến VinFast thành công ty trị giá 50 tỷ USD, ngang với Honda, Huyndai). Điều này chắc chắn không dễ bởi Mỹ nổi tiếng là thị trường khắc nghiệt nhất thế giới với rất nhiều rào cản kỹ thuật, pháp lý, tài chính, … mà ngay đến các nhà sản xuất đầy tham vọng và tiềm lực của Trung Quốc như Geely, GAC, BYD, … cũng vẫn đang loay hoay.
Theo lý giải của giáo sư Ricardo Hausmann (người từng làm Bộ trưởng Kế hoạch Venezuela thời trước Hugo Chavez) tại Harvard trong bài viết Can cheap countries catch up (Nước nghèo có khả năng bắt kịp?) trên Project Syndicate, các quốc gia đang phát triển thường có mức giá khá rẻ, khiến công nghệ mới trở nên đắt tương đối với họ. Ông xếp những sản phẩm như ô-tô, smartphone, … thuộc loại có khả năng trao đổi quốc tế (internationally tradable), cho nên sẽ gặp rất nhiều cạnh tranh. Nếu một tay chơi từ nước nghèo gia nhập ngành khi không có được vị thế độc quyền thì nó sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi chi phí đổi mới. Như VinFast, mặc dù được hưởng một số ưu đãi cho sản phẩm lắp ráp trong nước tại thị trường Việt Nam, nhưng mới chỉ đạt doanh số khiêm tốn trước sự cạnh tranh của quá nhiều đối thủ. Điều này sẽ khiến VinFast gặp khó khăn về dòng tiền, biểu hiện qua việc công ty phải phát hành thêm trái phiếu và dự tính IPO. Thế giới có không ít tên tuổi lớn, chẳng hạn Robert Bosch GmbH (Đức) hay Koch Industries (Mỹ) chưa bao giờ phải cần IPO bởi họ muốn tránh nghĩa vụ báo cáo tài chính theo quý cho cổ đông, trong khi vẫn kiếm lợi nhuận khủng.
Đài Loan, một nền kinh tế đã công nghiệp hóa thành công tại châu Á, hiện vẫn chưa có một thương hiệu ô-tô thật sự nổi tiếng thế giới, hay chí ít là để không kém cạnh Hàn Quốc với Hyundai và KIA. Tuy nhiên, Đài Loan lại chọn hướng đi khác khi tập trung cho công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn, … hiện đang phát triển ở trình độ cao nhất thế giới. Trong lúc thế giới đang quay cuồng vì Covid, các hãng xe hơi toàn cầu thì điêu đứng vì thiếu chip, vị thế của Đài Loan nói chung và công ty TSMC nói riêng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn hướng đi cho riêng mình để phát triển thành một quốc gia mạnh về sản xuất, dựa trên các yếu tố thuận lợi của đất nước như tài nguyên, khí hậu, nhân lực, … với chìa khóa cốt lõi tất nhiên vẫn phải là đầu tư cho giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.