Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Một phần của tài liệu Khảo sát tình hình sử dụng vancomycin ở bệnh viện bạch mai (Trang 62 - 63)

Đa số các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu đều tập trung ở độ tuổi khá cao, trung bình là 48,5±18,7, trong đó tỉ lệ bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm 19,8%. Ở đối tượng này, sự suy giảm chức năng thận cùng với tình trạng đa bệnh lý ảnh hưởng rất lớn đến các thông số dược động học của thuốc [2]. Đây cũng là một đối tượng cần phải theo dõi điều trị chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả va an toàn khi sử dụng thuốc.

Trong mẫu nghiên cứu, bệnh nhân khoa Truyền nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất (42,1%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, 59,88% bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có

bệnh mắc kèm, và chủ yếu là các bệnh lý tim mạch, bệnh huyết học, hô hấp và đái tháo đường. Suy giảm chức năng thận, tình trạng đa bệnh lý, bệnh nhân điều trị tích cực đều là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thay đổi nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân.

Vancomycin là thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, đồng thời có khả năng gây ra tác dụng không mong muốn trên thận. Do vậy, việc xác định chức năng thận để hiệu chỉnh liều là điều rất cần thiết. Hệ số thanh thải của creatinin là chỉ số tốt nhất để đánh giá chức năng thận của bệnh nhân. Tuy vậy trên thực tế, có tới 74 bệnh nhân (chiếm 41,8%) không xác định được CLCR do không theo dõi cân nặng, 6 bệnh nhân (chiếm 3,39%) không làm xét nghiệm hoặc không ghi nhận kết quả Scr. Theo nghiên cứu năm 2008 của Đỗ Thuỳ Liên, tỉ lệ bệnh nhân xác định được hệ số thanh thải đã tăng đáng kể (từ 15,8% năm 2008) [6] , tuy nhiên đây vẫn là một thiếu sót lớn, có thể ảnh hưởng đến việc giám sát điều trị vancomycin. Trong các bệnh nhân xác định được hệ số thanh thải, có 16 bệnh nhân suy thận (9,04%) và 9 bệnh nhân có CLCR trên 90ml/phút. Trong các bệnh nhân chỉ xác định được Scr, có 44 bệnh nhân (24,85%) có chỉ số này bất thường. Đây là những nhóm bệnh nhân cần có sự can thiệp chỉnh liều để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Một phần của tài liệu Khảo sát tình hình sử dụng vancomycin ở bệnh viện bạch mai (Trang 62 - 63)