Xác định những phẩm chất và năng lực của nhân viên lễ tân

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan về lễ tân khách sạn (Ngành: Quản lý và kinh doanh khách sạn - Trung cấp) - Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn (Trang 29 - 30)

1.3.7. Đặt tour

Công việc của bộ phận này thường là sắp xếp xe, đặt xe đón tiễn khách, tổ chức các tour tham quan du lịch tại địa phương, mua vé nhà hát hoặc xem kịch… 1.3.8. Chăm sóc khách hàng

Nhân viên chăm sóc khách hàng thông thường có vị trí làm việc ở khu vực sảnh chính khách sạn. Trách nhiệm của họ là tạo cho khách cảm giác được đón tiếp chu đáo và cung cấp các dịch vụ cá nhân. Các nhân viên chăm sóc khách hàng còn giải quyết các than phiền và các vấn đề khác của khách, luôn có mặt giúp khách khi cần. Ngoài ra, trách nhiệm của nhân viên chăm sóc khách hàng còn là chăm sóc các khách VIP, các khách hàng thường xuyên đến khách sạn, kiểm tra việc chuẩn bị phòng khách và tháp tùng khách lên phòng.

1.3.9. Kiểm toán đêm

Nhân viên kiểm toán đêm là người kiểm tra việc cập nhật chi tiêu mỗi ngày và việc đặt cọc thêm của khách vào tài khoản, lập báo cáo doanh thu trong ngày và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động tại quầy lễ tân vào ban đêm.

1.4. XÁC ĐỊNH NHỮNG PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC CỦA NHÂN VIÊN LỄ TÂN TÂN

1.4.1. Yêu cầu về ngoại hình và thể chất

Nhân viên cần có sức khoẻ tốt để đáp ứng điều kiện làm việc, ngoại hình cân đối, ưa nhìn bởi lễ tân chính là bộ mặt của khách sạn.

30

1.4.2. Yêu cầu về kiến thức

Có kiến thức về nghiệp vụ khách sạn, đặc biệt là nghiệp vụ lễ tân; nắm vững các quy định pháp lý liên quan đến khách và khách sạn; nắm vững quy định của khách sạn; có kiến thức cơ bản về kế toán, thống kê, marketing và hành chính văn phòng; có kiến thức tổng quát về lịch sử, địa lý, các điểm du lịch của địa phương, các dịch vụ phục vụ khách trong và ngoài khách sạn; hiểu một số quy tắc về ngoại giao, lễ nghi, phong tục tập quán, tâm lý khách của một số quốc gia dựa theo thị trường khách chính mà khách sạn phục vụ; đồng thời có kiến thức cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội…

1.4.3. Yêu cầu về kỹ năng nghiệp vụ

Bên cạnh kiến thức về nghể thì nhân viên cần phải thường xuyên trau dồi để tay nghề được nâng cao; ngoài ra với việc trở thành bộ mặt của khách sạn thì kỹ năng giao tiếp là điều không thể thiếu; có khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ (tuỳ vào quy mô khách sạn có thể yêu cầu trình độ ngoại ngữ khác nhau) và khả năng sử dụng vi tính văn phòng thành thạo.

1.4.4. Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp

Trung thực, đáng tin cậy là yêu cầu nhân cách hàng đầu bởi đây là ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với khách và cũng có thể là tài sản có giá trị của khách. Bên cạnh đó, khách sạn còn yêu cầu ở nhân viên bộ phận Tiền sảnh tính siêng năng, tỉ mỉ, làm việc một cách chính xác, có hiệu quả; có khả năng tự giải quyết công việc trong quyền hạn cho phép; có tinh thần đồng đội, luôn sẵn sàng giúp đỡ khách.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan về lễ tân khách sạn (Ngành: Quản lý và kinh doanh khách sạn - Trung cấp) - Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn (Trang 29 - 30)