Người kể chuyện ngôi thứ ba: điểm nhìn khách quan về thế giới

Một phần của tài liệu Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết (Trang 39 - 45)

Chƣơng 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1. Điểm nhìn người kể chuyện

2.1.1. Người kể chuyện ngôi thứ ba: điểm nhìn khách quan về thế giới

Ngôi thứ ba xác lập quan hệ cơ bản của NKC với đối tượng được kể - hệ thống nhân vật, các sự việc, hay nói chung là toàn bộ diễn biến sự việc. Đó là mối quan hệ khách quan. NKC như một đối tượng bên ngoài, quan sát và ghi/kể lại câu chuyện mà mình quan sát được. Vì vậy, người kể chuyện ở ngôi thứ ba dù không tham gia trực tiếp vào câu chuyện, nhưng lại là người dẫn dắt câu chuyện cho người đọc. Tính chất khách quan vừa là một thuộc tính, vừa là một

yêu cầu đối với kiểu người kể chuyện này. Đặc biệt, khi tiếp cận từ điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba, người đọc đồng thời tham dự vào sự dẫn dắt câu chuyện, trở thành “đồng minh” trong quá trình quan sát và tái hiện câu chuyện. Điểm thú vị của kiểu điểm nhìn này là người kể chuyện có thể theo dõi, dẫn dắt nhân vật, dẫn dắt hành động. Mặt khác, người kể chuyện, do đó không có cơ hội để bình luận, phân tích sự việc. Nhiệm vụ số một của người kể chuyện là thâu tóm thật nhanh những diễn biễn của các sự việc. Đây là một trong những lí do mà trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương để nhân vật nói ngắn gọn nhất, thậm chí chẳng cần đầy đủ lượt lời để hoàn kết một hội thoại. Người kể chuyện cũng đoán biết được tình thế của các nhân vật, nên tốc độ kể rất nhanh, các cảnh được chuyển đổi một cách linh hoạt.

2.1.1.1. Mạch kể tuyến tính trong Thoạt kỳ thủy

Thoạt kỳ thủy là một tiểu thuyết đặc biệt, giống như một bộ hồ sơ về các

nhân vật và các sự kiện. Tác phẩm gồm ba phần. Mở đầu là phần Tiểu sử, giới thiệu tóm tắt tiểu sử của mười tám nhân vật bằng lối kể ngắn gọn, xúc tích. Phần trọng tâm là phần Chuyện. Ở đó, người kể chuyện đã dẫn dắt hai mạch

truyện song song: chuyện về con cú bị bắn rơi và chuyện về người dân Linh Sơn. Phần cuối là Phụ chú gồm: I. Tác phẩm của ông Phùng (nhan đề Và cỏ);

II. Những giấc mơ (những giấc mơ của Tính và của Hiền). Đây là một cấu trúc lạ đối với một cuốn tiểu thuyết thông thường, trong đó, phần mở đầu và kết thúc đều được trần thuật bằng người kể chuyện ngôi thứ ba. Tính chất khách quan cũng được thể hiện nổi bật qua điểm nhìn này. Qua đó, “hồ sơ” về các nhân vật được tái hiện một cách trung thực và hệ thống.

Phần thứ nhất vô cùng ngắn gọn nhưng nhà văn đã cho độc giả làm quen với 18 nhân vật trong tiểu thuyết. Cách mở đầu này đã tạo ấn tượng ban đầu cho độc giả về các nhân vật với những đặc điểm tiêu biểu nhất. Những câu văn ngắn, những thông tin rõ ràng đã tạo tiền đề khả tín cho câu chuyện. Từ những nhân vật chính như ông Phước, bà Liên, Tính, Hiền, cú mèo… đến các nhân vật khác

như: ông Sung, cô Nheo, ông Điện, Nam, ông Thụy, ông Mịch, ông Bồi, bà Châu Cải, ông Khoa, chú Mười, Hưng, ông Phùng, cô Nhai, mỗi người đều có một tiểu sử, được trình bày theo số thứ tự, dù có thể chỉ là hai câu nhưng vẫn đủ những thông tin cần biết nhất về một con người, từ hình thể, phẩm tính tới các quan hệ thân thuộc. Một vài ví dụ:

“1. Ông Phước: người nhỏ, đầu nhỏ, tóc cứng. Cao 1 mét 50, tiếng khàn, da tái, có ba nốt ruồi ở dái tai phải. Nguồn gốc gia đình không rõ. Chết vì cảm lạnh. Thọ 53 tuổi”.

2. Bà Liên: cao, đẫy, tóc dài, cằm nhọn, mặt nhiều nếp nhăn. Xuất thân từ

gia đình công nhân. Sơ tán sang Linh Sơn cùng cô Nheo. Kém ông Phước 4 tuổi. Cuối đời bị mù. Chết vào 2 giờ sáng ngày 8 tháng Chín. Thọ 58 tuổi.” [50; 6]

“14. Hiền: tóc đen, dày. Vai tròn, hông nở, trán mịn, đuôi mắt vút dài, hơi

nheo ở cuối. Tròng mắt đen pha nâu”.

15. Tính: cao 1 mét 68, nặng 56 ki-lô-gam. Tai dài, lưng dài, chân ngắn.

Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu. Không biết chữ.

16. Cú mèo: Lông hoa mơ, sải cánh dài 40 phân. Mỏ khoằm, sắc. Bị bắn

rụng lúc 11 giờ 15. Bay lên lúc 12 giờ. Không rõ bay tới đâu” [50; 7-8]

Cả mấy trang sách không một lời bình luận, ngoài các thông tin hoặc một vài nét miêu tả. NKC không chỉ thể hiện tính khách quan mà còn bộc lộ khả năng quan sát bao quát. Những thông tin cơ bản về đặc điểm của các nhân vật sẽ tạo ra những phán đoán khác nhau cho độc giả, vì thế nó tạo sự tò mò, hay nói đúng hơn là nó đặt người đọc trong một hành trình nghiêm ngặt để khám phá câu chuyện.

Trong phần Chuyện, như đã giới thiệu, có hai mạch truyện. Ở mạch truyện

thứ nhất, cuộc đời của con cú đã được miêu tả trong thời gian ngắn với những thông tin thời gian cụ thể: “Mười một giờ mười lăm. Con cú giật mình chới với

rơi từ vòm lá sung xuống không tiếng nổ, không người. Một vật gì bằng ngón tay cái đã nhằm trúng ngực nó ”[50; 10]; “Mười hai giờ... con cú rướn lên lần cuối... Con cú bay, chẳng cần biết tới phương nào. Bay, cứ bay, miễn là bay” [50; 136 - 137]. Truyện được kể theo sự việc xảy ra với con cú. Từ sự việc này, người kể chuyện như dự báo về những sự việc khác sẽ xảy ra với người dân Linh Sơn. Đặc biệt, con cú cũng chính là đối tượng quan sát những sự việc ấy, đặc biệt là những biến động trong cuộc đời của Tính, nhân vật trung tâm của thiên tiểu thuyết.

Bên cạnh, song song với sự việc về con cú, mạch thứ hai kể về cuộc đời Tính và bức tranh đời sống của người dân vùng Linh Sơn. Ở mạch truyện thứ hai này, người đọc được chứng kiến tận mắt những góc khuất của đời sống cũng như thân phận của những con người cô độc, thậm chí cả đám đông cô độc với những mức độ và hoàn cảnh khác nhau.

Trước hết, nói về Tính, một đứa trẻ được kết tinh bằng sự thờ ơ, ngẫu nhiên, vô tình của người cha nghiện rượu. Cú đạp của ông Phước như một sự sẵn sàng khước từ đứa con đã sắp chào đời. Tính chào đời trên khu đập đá, khi bà Liên đã nỗ lực hết sức để làm việc. Cái đêm mà Tính chào đời đã có sự chứng kiến của mặt trăng: “Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt... Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời”[50; 14-15]. Sự chứng kiến thơ mộng ấy của thiên nhiên tưởng chừng sẽ tạo sinh ra một người nghệ sĩ hay ít nhất là một chàng trai tuấn tú. Nhưng diễn biến truyện không như vậy. Khi lớn lên, Tính có sở thích hết sức kỳ dị: giết công cống, giết kiến, thích chơi với bọn điên… Tính không đi học, một phần bởi cái nghèo không cho tính đi học. Trên hết là sự thô lỗ, vô tâm, vô tính của người cha không cho Tính có được môi trường học hành. Và cũng một phần, bản thân Tính không thể có những tố chất của một đứa trẻ có thể đi học. Thế là Tính giao du, “học hỏi” ở những người xung quanh. Ấn tượng đầu tiên đối với Tính là câu chuyện “cắn cổ Mỹ” mà anh Hưng kể lại. Tính đi theo ông Điện chuyên nghề

mổ lợn, chứng kiến nhiều lần ông chọc tiết lợn, Tính đâm ra thích nhìn máu và ám ảnh về hành động “chọc tiết”. Hai từ “chọc tiết” đã trở thành bản năng vô thức đối với Tính. Sau khi Tính sang nhà Hưng chơi và nghe Hưng kể chuyện cắn cổ Mỹ, cảnh đốt trại tù binh, Tính bèn về xòe diêm dúi vào mái cọ nhà ông Điện. Hành động này dù là cố tình hay vô thức thì Tính cũng đã gây nên cái chết của ông Điện, rồi sau đó, do đau lòng quá mà vợ ông cũng chết. Sự việc này không ai biết, mà có lẽ chính Tính cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng có điều thú vị là sau đó, chính gia đình Tính lại đùm bọc Hiền, đứa con gái duy nhất của ông bà Điện, rồi sau đó, Hiền trở thành vợ của Tính.

Mạch chuyện có đoạn chậm lại để nói về cuộc sống của Hiền với tư cách là vợ Tính, nhưng sự hãm chậm ấy cũng chỉ thoáng chốc như chính sự bẽ bàng của nhân vật. Tính không có khả năng làm chồng, hay đúng hơn là nó không giống bất kì một người đàn ông nào khác. Trong tâm trí của Tính chỉ có giết chóc, “mắt chó vàng như trăng”, và sự điên loại. Nỗi cô đơn, ớn lạnh đến với Hiền khi cô chung sống với người chồng bất đắc dĩ, người chồng không hề có chút cảm xúc của một con người bình thường. Hằng đêm cô vẫn tự ngắm mình trong nỗi đớn đau. Bản chất điên và ham muốn giết chóc của Tính đã được tiếp sức sau khi uống rượu say từ nhà ông Phùng: “ Đột nhiên Tính vùng dậy lảo đảo chạy về nhà (…) Tính cầm kéo đâm liên tục vào cổ một thằng bé điên. Cả nhà đổ ra can nhưng không kịp”[50 ,68-69]. Tính đã giết chết thằng bé điên. Hành động này không làm cho Tính sợ hãi, mà ngược lại, nó như sự tôi luyện cho những hành động giết chóc ngày càng dày đặc hơn, bí ẩn hơn và chuyên nghiệp hơn: “Đêm nào Tính cũng dậy đi. Cả xã chết lợn liên tục. Không ai bắt được thủ phạm” [50; 110]. Như thế, Tính và Hiền như những mảnh vỡ không thể lắp ghép, một người là sự tự phá vỡ bản thân, trượt dài với những hành động thú tính; một người chìm trong nỗi đơn độc, chua xót trong đời sống vợ chồng. Bản năng ham muốn đã có lúc đẩy cô đi quá giới hạn khi cô gặp ông Phùng, nhưng đáp lại lại là một người “đã già” và bất lực.

Khi chiến tranh biên giới xảy ra, Tính và Hưng là hai người hăng máu nhất xin nhập ngũ nhưng không được. Sự gàn dở của Hưng đã dẫn đến hành động ngang ngược: lấy một khẩu súng bên nhà ông Mịch, bắn chết ông Phùng khi ông định sang phố mua com - lê để mặc đi nhận giải thưởng văn học. Còn Tính, sự ám ảnh của trăng, trăng đen, trăng vàng đã làm hắn càng trở nên điên loạn. Hình ảnh chiếc thánh giá của ông Khoa bắt nắng vụt lóe lên rọi vào mắt Tính đã khiến hắn lầm tưởng là trăng, hắn giết ông Khoa rồi tự kết liễu đời mình: “Tính quặt đầu dao, ấn mạnh vào cổ mình... Máu từ cổ Tính trào ra ấm nóng” [50; 136].

Như vậy, trong Thoạt kỳ thủy, về cơ bản mạch truyện được kể theo trình tự thời gian. Các sự kiện vẫn tuân theo trật tự tuyến tính của dòng thời gian tự nhiên từ trước đến sau theo logic nhân quả. Qua hình thức này, nhà văn đã xây dựng một bức tranh tổng thể về đời sống người dân Linh Sơn. Cuộc sống ở đó diễn ra liên tục theo dòng chảy của thời gian và gắn liền với cuộc đời Tính. Một thực trạng có thể nhận thấy đó là sự đối lập giữa vận động nhanh của thời gian với sự ngưng trệ, tù túng của cuộc sống con người, của những kiếp người dật dờ như ảo ảnh.

2.1.1.2. Kể chuyện theo trình tự phi tuyến tính

Cách kể chuyện theo tuyến tính đã tạo sự liên hoàn trong câu chuyện, dọc theo cuộc đời của các nhân vật, đồng thời làm thời gian trần thuật cũng được tận dụng tối đa khả năng diễn tả mạch chuyện. Bên cạnh trật tự phổ biến này, Nguyễn Bình Phương còn kết hợp lối kể chuyện phi tuyến tính. Lối kể chuyện này không làm đảo lộn trật tự của tuyến tính truyện mà bổ sung cho các tình tiết, làm câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, đồng thời cuộc sống cũng hiện ra trên nhiều mảng vẽ.

Trong Thoạt kỳ thủy, sự lật lại các chi tiết miêu tả trạng thái của con cú, sự hồi tưởng của các nhân vật đã tạo nên những đứt gãy thời gian để mạch truyện có sự chuyển biến linh hoạt. Câu chuyện chạy Tây mà ông Thụy kể cho Tính là một ví dụ. Độc giả được ngược về quá khứ, chứng kiến những tội ác dã man của

kẻ thù: “Tao men theo vách đá, vạch rừng mà đi. Nó đốt đuốc đến Ba-na-tắc-cun thì túm được. Nó treo ngược lên, lấy báng súng đập vào đây. Gẫy ba cái xương sườn cả thảy... Người chết từng đống, nó thu lại đem ra rừng lấp hờ. Tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết...” [50; 39]. Hay hồi ức của bà Liên về quá khứ nhọc nhằn: “Ngày xưa tao với ông bà đây thân nhau lắm. Nhớ cái đận dìu nhau lưu lạc từ Phù Liễu đến chỗ này, khổ ơi là khổ. Ấy vậy mà vẫn sống được, có gì cũng san sẻ cho nhau. Chóng thật thôi” [50; 50]. Tuy nhiên, biểu lộ rõ nhất, chất nhất cho tính phi tuyến tính trong Thoạt kỳ thủy là sự lột tả những khúc đoạn điên loạn, vô thức của Tính: “Thế rồi động đất. Mắt chó vàng như trăng. Bom nổ lách tách, lách tách từ mồm bố ghé vào miệng chén. Ông Tường chết văng, ông Thụy chạy bở hơi tai, mẹ thì ngủ. Máu lênh láng thành nắng. Cây chết run, chết run” [50; 79]. Một đoạn văn chất chứa bao sự kiện song hoàn toàn phi logic,

thiếu mạch lạc. Nhưng chính sự phi logic này lại phù hợp với tính chất điên loạn của Tính. Nó làm nổi bật trạng thái hỗn độn mà Tính đang phải đối mặt. Đồng thời, nó cũng làm hiển lộ những cuộc sống bề bộn, đan xen như đang bủa vây con người.

Một phần của tài liệu Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)