Chƣơng 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.2. Ngôn ngữ kể chuyện
"Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học" (M.Gorki). Ngôn ngữ kể chuyện giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống kết cấu của tác phẩm. Mọi tư tưởng, nhận thức, quan niệm của người viết đều được thể hiện qua ngôn ngữ kể chuyện. Chính vì thế, qua phương tiện này, bạn đọc thấu hiểu được tác phẩm, đồng thời nhận ra cá tính và phong cách của tác giả. Ngôn ngữ kể chuyện chịu sự chi phối của phương thức kể của tác giả, do người kể chuyện tạo ra bao gồm: lời của người kể chuyện và lời của nhân vật nằm trong ngôn ngữ kể chuyện.
1.2.1. Phương thức kể chuyện (PTKC)
PTKC là cách thức mà người kể chuyện dùng để thực hiện trong quá trình kể, bao gồm: thao tác kể, cách lựa chọn chi tiết, ngôn từ... Mỗi tác phẩm vận dụng những cách thức kể riêng để làm nên cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.
Dựa vào tiêu chí điểm nhìn trần thuật có ba phương thức kể: phương thức kể theo điểm nhìn bên trong, phương thức kể theo điểm nhìn bên ngoài, phương thức kể theo điểm nhìn toàn tri.
* Phương thức kể theo điểm nhìn bên trong
Đây là phương thức phác họa nội tâm của nhân vật. Ở phương thức này, người kể chuyện như biết mọi chuyện, bóc tách từng biểu hiện của nhân vật ở đời sống tinh thần. NKC nhập vai vào nhân vật để bày tỏ cảm xúc của nhân vật cũng như quan sát thế giới. Do đó, kể chuyện theo phương thức này cần những thao tác như liên tưởng, tưởng tượng, nhập vai, suy luận hoặc phán đoán…
PTKC theo điểm nhìn bên trong được phân ra thành hai tiểu loại :
- PTKC theo điểm nhìn bên trong cố định, tức là NKC chỉ tường tận đối với một nhân vật.
- PTKC theo điểm nhìn bên trong di động, tức là NKC nhìn thấy suy nghĩ đồng thời của nhiều nhân vật trong tác phẩm.
* PTKC theo điểm nhìn bên ngoài :
PTKC này hết sức khách quan. NKC thuần túy là một người quan sát mà không có bất kỳ một hình thức đánh giá nào. Không gian trong truyện kể là bối cảnh xã hội và là không gian của sự kiện. Phương thức này chú ý đến thao tác miêu tả, tường thuật, kể chuyện,…
* PTKC theo điểm nhìn toàn tri :
PTKC này là sự hòa nhập giữa phương thức kể theo điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Cả thế giới nội tâm và thế giới hoạt động bên ngoài đều được phản ánh được tái hiện. Khi đó NKC rất gần gũi, rất hiểu nhân vật nhưng chỉ đóng vai trò là NKC và không bao giờ là nhân vật hành động trong truyện. NKC không chỉ nhìn thấy và kể lại mà còn đánh giá, nhận xét, bình luận về thế giới ấy. Vì vậy những tác phẩm kể theo điểm nhìn toàn tri thì NKC là NKC hàm ẩn, đứng trên nhân vật và điều khiển nhân vật. Nhưng cũng có khi NKC là NKC tường minh.
Ba phương thức kể chuyện trên đã chi phối mạnh mẽ đến cách lựa chọn ngôn ngữ kể chuyện của tác giả trong tác phẩm, từ ngôn ngữ nhân vật đến ngôn ngữ NKC.
1.2.2. Ngôn ngữ người kể chuyện
1.2.2.1. Người kể chuyện (NKC)
NKC là một trong những nhân tố không thể thiếu trong tác phẩm tự sự, là chủ thể của hành vi kể chuyện và là người nói trong tác phẩm. NKC có thể xuất hiện trực tiếp hoặc có thể không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm.
NKC xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm – là NKC tường minh. NKC tường minh xưng "tôi" để kể về mình hay kể về người khác.
Tác giả Đỗ Hải Phong đã nhận định về mối quan hệ giữa NKC và tác giả: "NKC là một trong những hình thức thể hiện quan điểm của tác giả trong tác
phẩm” , tuy nhiên “quan điểm thái độ ấy của NKC không bao giờ trùng khít hoàn toàn với quan điểm của tác giả"[48,119].
1.2.2.2. Lời người kể chuyện
Lời NKC có vai trò quan trọng trong việc vận hành diễn biến câu chuyện. Nó vừa tổ chức, vừa liên kết các lời của các nhân vật khác vừa thể hiện lời của bản thân người kể chuyện. Sự liên tục hay gián đoạn của câu chuyện gắn liền với vai trò của loại lời này. Lời NKC cũng bộc lộ quan điểm, cách đánh giá của nhà văn về con người và hiện thực, gắn với vai kể và giọng kể. Xét về chức năng lời NKC bao gồm: lời kể, lời miêu tả, lời trữ tình.
- Lời kể (lời trần thuật): Liên quan mật thiết đến vấn đề thời gian và không gian thực hiện hội thoại hoặc thời điểm nhân vật suy nghĩ. Cũng có khi nó kết nối các nhân vật trong những sự việc, tình huống cụ thể.
- Lời tả: có vai trò tái hiện thế giới vật thể, thiên nhiên, con người từ đời sống hiện hữu vào tác phẩm. Nó có vai trò đắc lực trong nghệ thuật xây dựng nhân vật từ ngoại hình đến nội tâm và hỗ trợ cho lời nói của nhân vật.
- Lời trữ tình: thường là lời của tác giả, không liên quan đến cốt truyện. Nó có thể là sự bình luận hay đơn giản, một cảm nghĩ về một vấn đề nào đó được thể hiện trong tác phẩm. Đo đó lời trữ tình bộc lộ rất rõ tâm tư, tình cảm của tác giả.
Mỗi kiểu lời đều có những chức năng riêng trong việc tạo dựng cốt truyện hay xây dựng hình tượng và góp phần thể hiện đặc điểm phong cách riêng của tác giả. Lời NKC có vai trò then chốt trong định hướng, đánh giá của bạn đọc về các hình tượng trong tác phẩm. Vì vậy lời NKC luôn gắn bó mật thiết với hình tượng NKC, với tư tưởng của tác giả và bạn đọc tích cực.
1.2.3. Ngôn ngữ nhân vật
1.2.3.1. Nhân vật
Nhân vật là hình tượng con người được thể hiện trong tác phẩm, có chức năng truyền tải nội dung, diễn biến câu chuyện và thông điệp của truyện. Nhân vật có tên hoặc không tên, nhưng tất cả đều có ngôn ngữ của nó. Vì vậy có thể
nhận diện nhân vật qua ngôn ngữ. Trong trường hợp NKC xưng "tôi" kể chuyện mình thì nhân vật chính là NKC, là NTĐH và còn phần lớn nhân vật là cái được kể là NTĐTĐH trong tác phẩm.
1.2.3.2. Lời nhân vật
Trong văn xuôi, lời nhân vật hết sức quan trọng. Lời nhân vật trước hết thuộc về bản thân hình tượng nhân vật, không tách dời và tồn tại độc lâp, riêng rẽ mà có mối quan hệ tác động với hình tượng nghệ thuật khác trong chỉnh thể tác phẩm. Lời nhân vật được thể hiện trong lời thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật được dẫn lại, còn gọi là các dẫn thoại. Trong tác phẩm, dẫn thoại là lời nhân vật được đưa vào lời của NKC.
* Thoại dẫn trực tiếp
Giúp lời thoại tham gia vào nhiều phương diện khác nhau của tác phẩm, rõ nhất là ở phương diện xây dựng nhân vật, tham gia vào bố cục, vào sự liên kết của câu chuyện được kể trong tác phẩm.
* Thoại dẫn gián tiếp (lời kể gián tiếp và lời kể gián tiếp tự do)
Lời kể gián tiếp là sản phẩm của người nói (nhân vật) được NKC tái hiện theo giọng điệu của mình. Về hình thức, trên văn bản, thoại dẫn gián tiếp cách lời dẫn một dấu phẩy và hướng đến nội dung, ý nghĩa của nó. Lời dẫn gián tiếp sẽ trở thành gián tiếp tự do khi có sự "nhập vai" giữa lời thoại của nhân vật và lời kể, giữa giọng đối thoại và giọng kể. Nó có thể phát triển thành đoạn trữ tình. Dấu hiệu để nhận biết một lời kể gián tiếp tự do là thoại dẫn đó không có lời dẫn. Người dẫn ở thoại dẫn gián tiếp và thoại dẫn gián tiếp tự do có thể là NKC, có thể là nhân vật.
Nói tóm lại, ngôn ngữ kể chuyện là một đối tượng nghiên cứu quan trọng của phong cách học hiện đại. Ngôn ngữ kể chuyện trong tác phẩm văn xuôi, xét về tiêu chí gồm hai thành phần : lời NKC và lời nhân vật, nhưng trong thực tế sáng tạo lại tồn tại nhiều kiểu lời trung gian mang giá trị thẩm mĩ nhất định. Ngôn ngữ trong tác phẩm gắn bó chặt chẽ với ĐN và giọng điệu. Do đó, tìm
hiểu về ngôn ngữ kể chuyện sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều khía cạnh quan trọng của ĐN trần thuật, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu của đề tài luận văn.