Tư tưởng cải cách về chính trị

Một phần của tài liệu Đánh giá tư tưởng cải cách kinh tế, chính trị của một số nhà cải cách ở việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 35 - 43)

7. Cấu trúc khóa luận

1.2. Tư tưởng cải cách về kinh tế, chính trị nửa cuối thế kỉ XIX

1.2.2. Tư tưởng cải cách về chính trị

1.2.2.1. Hệ thống chính trị của nhà Nguyễn

Vào năm 1802, sau khi xóa bỏ được triều đình của Quang Trung, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, tái lập vương triều Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế).

Nhà Nguyễn từng bước củng cố về quyền lực, xây dựng một nền chính trị phong kiến trung ương tập quyền cao độ. Trong đó, quyền hành của nhà vua là quyền “tối cao”. Hoàng đế tự xưng là Thiên tử - con trời, thay trời trị dân. Vua có uy quyền tuyệt đối cho ai sống thì được sống, bắt ai chết thì phải chết. Trong thực tế, vua là một địa chủ lớn nhất, có toàn quyền quyết định trong việc sử dụng ngân khố nhà nước, có quyền tước đoạt bất kì cái gì, của bất cứ ai nếu nhà vua muốn [3;14]. Nắm giữ toàn bộ quyền lực của quốc gia là triều đình, trong đó vua nắm mọi quyền hành tối cao gồm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng thời vua cũng là tổng chỉ huy quân đội.

Để đảm bảo uy quyền tuyệt đối của nhà vua, vua cho đặt lệ “tứ bất” gồm bốn điều không lập đó là: không đặt Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lấy Trạng nguyên, không phong tước vương cho người ngoài Hoàng tộc. Dưới vua phụ trách các mảng công việc quan trọng của quốc gia là Lục Bộ do các chức Thượng thư đứng đầu ở mỗi bộ. Bên cạnh đó, còn có một số cơ quan biệt lập trực thuộc Bộ là Bưu Chính ty (Binh bộ) và Tiết Thận ty (Công bộ). Thành viên của mỗi bộ phụ thuộc vào tình hình công việc của mỗi bộ.

Bên cạnh Lục bộ, còn đặt thêm nhiều cơ quan phụ trách về chuyên môn khác gọi là các Nha, bao gồm: Các nha phục vụ cho hoàng gia và hoàng cung (Tôn Nhân phủ, Cẩn Tín ty, Thái Y viện); các nha sở trông coi về kho tàng (Nội Vụ phủ, Thương trường, Vũ khố); các nha sở phụ trách về những mảng công việc khác của quốc gia.

Đô Sát viện là một tổ chức về giám sát có nhiệm vụ phát hiện và tâu báo lên nhà vua về những việc làm của các Bộ không đúng luật lệ được vua Minh Mạng thành lập năm 1832. Giúp vua giải quyết các công việc là Tam Nội viện gồm Thị Thư viên, Thị Hàn viện và Nội Hàn viện, đây là một cơ quan độc lập không chịu sự kiểm soát của bất kì cơ quan nào trong triều đình. Vua Minh Mệnh cho thiết lập một cơ quan làm nhiệm vụ phát hiện và đề xuất các kế sách giải quyết những vấn đề “quân quốc trọng sự” được gọi là Cơ mật viện, được Minh Mạng phỏng theo tổ chức Khu mật viện của nhà Tống và Quân cơ sứ của nhà Thanh (Trung Quốc). Cơ mật viện gồm có 2 kinh là Nam Chương kinh làm nhiệm vụ theo dõi tình hình ở các tỉnh thuộc phía nam Kinh đô Phú Xuân và Bắc chương kinh làm nhiệm vụ theo dõi về tình hình ở các tỉnh thuộc phía bắc của Kinh đô Phú Xuân. Đứng đầu Cơ mật viện có 4 viên quan đại thần do vua lựa chọn từ các quan văn, quan võ có hàm từ tam phẩm trở lên.

Tổ chức hành chính địa phương

Dưới triều Nguyễn, hệ thống hành chính ở địa phương mang tính thống nhất. Vua Gia Long chia nước thành ba khu vực: Bắc, Trung, Nam. Ở miền Bắc gọi là Thành bắc được chia làm 11 Trấn. Ở miền Trung (Kinh đô), được chia thành các Dinh hoặc Trấn trực thuộc vào Triều đình. Ở miền Nam thì gọi là Gia Định gồm 5 Dinh. Tổng toàn quốc có 27 Trấn/Dinh. Dưới Trấn (hoặc Dinh) được chia ra Phủ và Huyện (ở miền xuôi) hoặc Châu (ở miền núi). Tại Bắc thành và Gia Định thành vua Gia Long cho đặt một chức Tổng trấn đứng đầu cấp Thành, được có toàn quyền xử quyết tất cả các công việc ở bên trong

khu vực quản lý của mình sau đó tâu lên vua. Đầu thế kỉ XX, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính thâu tóm mọi quyền lực vào tay triều đình. Tổ chức bộ máy nhà nước dưới thời Nguyễn giống như thời Lê sơ nhưng tổ chức chặt chẽ hơn. Nhà Nguyễn đã xây dựng bộ máy nhà nước tập quyền cao độ từ trung ương đến địa phương ngày càng hoàn thiện chặt chẽ đặc biệt sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng. “Nguyên tắc bao trùm chi phối trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thời Nguyễn là tập trung thống nhất quyền lực vào một cá nhân – Hoàng đế, tăng cường sự quản lí của nhà nước trung ương đối với tất cả các địa phương, quan lại các cấp” [5;132].

Theo đánh giá của Giáo Sư Đinh Xuân Lâm “Tổ chức xã thôn thời này đã hoàn toàn trở thành một công cụ của bọn cường hào địa chủ nông thôn, nó trói buộc người nông dân trong những quan hệ địa phương hẹp hòi có lợi cho sự bóc lột của nhà nước quân chủ và cản trở sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa”. Tuy nhiên, xây dựng một bộ máy quân chủ quan liêu chuyên chế trước lúc các quốc gia khác trên thế giới đang chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng công nghiệp, một số nước láng giềng như Nhật Bản, Xiêm… cải cách đi theo hướng chủ nghĩa tư bản và đặc biệt trong lúc tư bản phương Tây đang chuẩn bị ráo riết xâm lược Việt Nam. Vì vậy, không còn phù hợp với thời đại và xu thế lịch sử nước ta lúc bấy giờ. Việc nhà Nguyễn tập trung củng cố đặc quyền, đặc lợi của dòng họ như vậy sẽ không củng cố được khối đoàn kết dân tộc mà nó còn làm cản trở sự phát triển của đất nước trở nên bảo thủ, trì trệ, không hòa nhập với thế giới bên ngoài, không phù hợp với xu thế thời đại.

1.2.2.2. Tư tưởng cải cách về chính trị

Cuối thế kỉ XIX, một số nhà cải cách đã nhìn nhận được những bất cập của bộ máy quản lí triều Nguyễn nên đã đưa ra một số cải cách với tư duy đổi mới, tiêu biểu như:

Phạm Phú Thứ là người nhìn nhận ra sự bất cập trong bộ máy quản lí đương thời. Ngay từ năm 1850, ông đã không đồng tình với sự “nhiêu khê, rườm rà” lãng phí của triều đình Huế, ông đã dâng sớ phê phán vua lơi lỏng trong việc triều chính nhưng lại bị triều đình cách chức và kết án khổ sai (bị đày làm Thừa nông dịch ở Trạm thừa nông, thực chất là phải cắt cỏ, chăn ngựa). Một năm sau ông mới được phục hồi chức Hàn lâm viện.

Năm 1865, sau khi được thăng làm Thự Hộ bộ Thượng thư sung Cơ

mật viện đại thần, Phạm Phú Thứ đã xin đặt bốn Tuyên phủ sứ ở các vùng giáp ranh Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An và Hưng Hóa, cụ thể: 9 châu Cam Lộ đối với Quảng Trị, An Tây phía Tây Bình Định, trấn Tây ở Nghệ An và phủ Điện Biên ở Hưng Hóa. Cùng với đề xuất thành lập các Tuyên phủ xứ này, ông còn kiến nghị xây thành, lập chợ, sửa đổi thuế thương chính, thi hành biện pháp “thổ tù đời đời được tiếp tập” để “cha con, anh em họ cùng nhau ngăn giữ”,… nhưng việc không thành [13;758].

Như vậy, có thể thấy Phạm Phú Thứ là nhà cải cách khá toàn diện trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, do được đi và tiếp xúc với nhiều nước phương Tây nên ông tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức vì vậy tư tưởng cải cách, canh tân của ông mang tư duy đổi mới, sớm nhìn nhận ra những điều cần thay đổi trong triều đình. Ông là người cương trực, dám phê phán cả vua mà không sợ bị rang chức, dù bị ráng chức nhiều lần nhưng cũng không hề nhụt chí. Ông rất quan tâm đến việc triều chính, tổ chức quan lại trong triều đình, ông chủ trương xây dựng các Tuyên phủ và xây thành, lập chợ,… để làm vững mạnh nơi biên phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước và mạnh dạn đề xuất để đưa đất nước thoát khỏi sự xâm lăng của các nước tư bản phương Tây nhưng tất cả những đề nghị của ông cũng như của những nhà cải cách khác thời điểm này cũng đều bị triều đình khước từ.

Khi bàn về bộ máy nhà nước, Nguyễn Trường Tộ nêu lên thực trạng hệ

thống ấy vừa làm cho triều đình tốn lương bổng, vừa làm cho tình trạng quan dân cách nhau muôn dặm, trên dưới không hiểu lòng nhau. Quan viên bất tài, ăn chơi sa đọa, lợi dụng dân trí thấp kém, chữ nghĩa rắc rối,… để bóp méo sự thật và công lý. Con đường thăng quan tiến chức là con đường sống lâu lên lão làng, con đường đút lót, con đường “tập ấm”, gặp may chứ không phải thực tài. Còn trong triều thì che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn bậc hiền tài, chia bè lập đảng khuynh loát lẫn nhau. Ngoài nội thì xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước. Ở các làng thì bọn hương hào, lý dịch bao chiếm đất công, biến ruộng công thành ruộng riêng, làng mình dung vào việc cúng tế, hát xướng, trốn thuế, lậu thuế, man khai sổ đinh để thu của bọn dân thì nhiều, nạp lên thì ít.

Nguyễn Trường Tộ cho rằng những tệ nạn đó đã trở thành một thói quen, khó có thể thay đổi được. Ông đã đưa ra những biện pháp để thay đổi thực trạng đó: Đổi mới học thuật, đào tạo quan lại theo lối mới vì “học xưa thì lòng người hướng về xưa, học nay thì hướng về thời nay” và “có học thì mới hiểu rõ đạo lí thì mới cứu được đất nước ra khỏi sự suy yếu”. Phải dùng luật pháp để duy trì trật tự xã hội, pháp lệnh phải được thi hành đều khắp từ thành thị đến rừng sâu, vì có luật mới giành được kỷ cương, uy quyền và chính lệnh của quốc gia, hạn chế được sự lạm dụng quyền hành và đảm bảo công bằng, dẫu là vua cũng không được đứng ngoài pháp luật “Kẻ làm vua biết rõ cái điều trời phó thác cho mình là nặng nề, mọi họa phúc đều do trách nhiệm ở vua cho nên tự hạ mình ghép vào vòng pháp luật” [1;175]. Phải hạn chế quyền hành của nhà vua, ông đề nghị vua không có quyền xét xử mà chỉ có quyền ân xá. Phải thẩn trọng trong việc tuyển chọn quan lại, phải chọn quan giỏi, thanh liêm, siêng năng, sáng suốt, thải quan dở dù là con cháu công thần, con nhà tập ấm vì “bất tài thì chính bản thân cũng không sắp xếp được nói gì đến quản lý người khác”. Theo ông muốn giữ được thanh liêm cho quan lại

thì một trong những biện pháp là phải tăng lương mà phải tăng lương thì phải biên chế bộ máy gọn nhẹ, lấy quỹ lương dư ra cấp cho các quan lại tại chức. Để ổn định tình hình chính trị - xã hội thì cần phải có công bằng, đây là điều kiện bền vững cho an ninh xã hội. Cần có hệ thống luật pháp chặt chẽ, tất cả các mối quan hệ, các vấn đề xã hội đều được xem xét bằng pháp luật của quốc gia. Đối với bọn tù tội, ăn của nhà nước, bọn lười biếng thì phải cải tạo bằng lao động. Phải xuất công quỹ lập trại tế bần để nuôi người nghèo khổ, lập viện Dục Anh để nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyến khích việc nuôi trẻ mồ côi. Nhà nước nên lập các trường dạy trẻ miễn phí, nhà trọ, nơi phục hồi nhân phẩm,… Những vấn đề chính trị - xã hội mà ông đưa ra cho tới bây giờ vẫn còn mang tính thời sự.

Nguyễn Trường Tộ đề cao thuyết “quốc dân nhất thể”: Nước cũng như cơ thể, một bộ phận bị đau thì cả cơ thể vì thế mà không yên. “Quốc gia với nhân dân như huyết mạch trong cơ thể con người. Nếu có sự đình trệ, không lưu thông, thì tất nhiên sinh ra bệnh tật”. Ông muốn xây dựng một chế độ chính trị khác theo mô hình của Nhật Bản: “Tôi đã hiểu rõ cái chính lý của đạo trung ái trong kinh, biết rõ danh vị là lợi ích cho nhân dân, thấy thiên hạ có sự yên trị lâu dài, lợi ích to lớn là do chỗ một họ cầm quyền, do chỗ đời đời truyền mối. Mà chế ngự được nhân tâm là do trị lý về kinh tế, và duy trì được đời đời dài lâu là nhờ ngoại giao” [1;180]. Cùng với đó ông đề nghị hàng loạt các cải cách hành chính như: giảm bớt bộ máy quan lại bằng cách hợp các tỉnh, huyện lại; lược bớt thủ tục giấy tờ; chống tham nhũng; sử dụng đội ngủ quan lại chuyên ngành ứng dụng,…

Nguyễn Trường Tộ là một nhà tri thức yêu nước nhìn xa trông rộng với kiến thức uyên bác, muốn thay đổi đất nước cho phù hợp với thời thế, ông đặc biệt tin tưởng vào triển vọng canh tân của Nhật Bản, lấy Nhật Bản làm mô hình ở một số lĩnh vực như chính trị, kinh tế để tiến hành cải cách trong nước, tuy nhiên không áp dụng máy móc mà dựa vào tính khả thi ở Việt Nam.

Những tư tưởng canh tân đó của Nguyễn Trường Tộ đều xuất phát từ thực tiễn của đất nước. Ông đã gợi ra những chương trình canh tân, cải cách để mở ra cho đất nước những hướng đi để thoát khỏi khủng hoảng. Những tư tưởng đó đều nhằm mục đích làm cho đất nước phú cường, bảo vệ được đất nước và thoát khỏi sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây. Tư tưởng canh tân của ông được coi là toàn diện nhất trong số các nhà tư tưởng cuối thế kỉ XIX, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, chính trị mà còn cả trên các lĩnh vực khác như ngoại giao, quân sự, văn hóa, giáo dục. Nhưng những bản di thảo mà ông gửi lên triều đình đề nghị canh tân thì đều bị triều đình từ chối do nhận thức lạc hậu, bảo thủ, không muốn canh tân đất nước mà chỉ muốn bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của dòng họ.

Tiểu kết chương 1

Vào nửa cuối thế kỉ XIX, tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng. Sự thay đổi về tình hình thế giới tác động rất lớn đến hoàn cảnh Việt Nam. Đặc biệt là sự khủng hoảng trầm trọng và suy yếu của nhà Nguyễn mà điều quan trọng là triều Nguyễn đã không có những tư duy tiến bộ để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời cũng không nhìn thấy thời thế thay đổi và không có những biện pháp để đưa đất nước thoát khỏi vận mệnh bị thực dân Pháp xâm lược mà chỉ chú trọng đến việc củng cố quyền lợi dòng họ. Như vậy, có thể thấy rằng cải cách là một nhu cầu bức thiết không thể thiếu của mỗi đất nước. Các nước láng giềng như Nhật Bản, Xiêm (Thái Lan) đã có những cải cách, canh tân đã đưa đến những thay đổi lớn đến cục diện đất nước. Trong bối cảnh đó, đã tác động nhất định tới bộ phận quan lại, sĩ phu yêu nước Việt Nam. Họ là những người học rộng, hiểu biết và sớm tiếp thu với trào lưu văn hóa bên ngoài. Từ đó dẫn đến sự hình thành những tư tưởng cải cách, canh tân đất nước mang tính tất yếu trước yêu cầu đổi mới đất nước.

Như vậy, khi đứng trước vận mệnh dân tộc cùng với lòng yêu nước đã xuất hiện những tư tưởng cải cách, canh tân của một bộ phận tầng lớp quan lại sỹ phu yêu nước đều nhằm mục đích đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ và lạc hậu so với thời đại để phát triển tiến bộ hơn và thoát khỏi sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây. Những tư tưởng cải cách, canh tân đất nước khá đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và phát huy hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Đa phần các đề nghị canh tân không trùng lập nhau về mặt nội dung, thậm chí còn đối lập nhau, nhưng tựu chung lại các quan điểm của các nhà canh tân đã bổ sung, hoàn chỉnh lẫn nhau để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc đó.

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ CỦA TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH KINH TẾ,

Một phần của tài liệu Đánh giá tư tưởng cải cách kinh tế, chính trị của một số nhà cải cách ở việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 35 - 43)