Giới hạn quyền của chủ sở hữu sáng chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 55 - 58)

2.2 Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

2.2.4 Giới hạn quyền của chủ sở hữu sáng chế

Các quy định pháp luật về giới hạn quyền của chủ sở hữu sáng chế được coi là biện pháp để hài hòa lợi ích của chủ sở hữu sáng chế với lợi ích của xã hội. Đây cũng được coi là ranh giới phân định quyền của chủ sở hữu sáng chế với quyền của các chủ thể khác trong quá trình sử dụng, khai thác sáng chế.

Theo quy định của pháp luật, các quyền của chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ một cách tuyệt đối trong thời gian còn hiệu lực của sáng chế. Chủ sở hữu có quyền độc quyền sử dụng, khai thác sáng chế của mình nên nếu có bất kỳ người nào khác muốn có được quyền sử dụng, khai thác sáng chế đều phải được sự đồng ý của chủ sở hữu và phải trả thù lao thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp nhất định, việc sử dụng sáng chế không cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu và/hoặc không cần phải trả thù lao cho chủ sở hữu. Luật pháp của các quốc gia đưa ra các giới hạn quyền sau đây đối với việc sử dụng một sáng chế đã được cấp VBBH độc quyền41:

Thứ nhất, sử dụng sáng chế ngoài lãnh thổ được bảo hộ và hết thời hạn hiệu lực bảo hộ. Như đã nói ở trên, quyền độc quyền của chủ sở hữu sáng chế bị giới hạn theo lãnh thổ và theo thời gian. Sáng chế mang tính chất lãnh thổ, có nghĩa là sáng chế chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia cấp VBBH độc quyền. Do vậy, bất kỳ người nào khác có thể sử dụng và khai thác thương mại đối với sáng chế tại các quốc gia không cấp VBBH độc quyền mà không cần phải xin phép hay trả tiền thù lao cho chủ sở hữu sáng chế. VBBH độc quyền sáng chế có hiệu lực theo thời gian. Điều này có nghĩa là thời gian bảo hộ có giới hạn nhất định, thông thường thời hạn bảo hộ sáng chế tối đa là 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Trong thời hạn này, VBBH độc quyền sáng chế chỉ có thể được duy trì hiệu lực khi chủ sở hữu nộp đúng hạn và đầy đủ lệ phí duy trì hiệu

41 Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2001), Cẩm nang Sở hữu trí tuệ, số xuất bản WIPO số 888, 6/2001, trang 30 và 31.

52

lực. Do vậy, việc khai thác thương mại đối với sáng chế chỉ có thể được thực hiện khi sáng chế đang còn hiệu lực. Khi sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ hoặc vẫn còn thời hạn bảo hộ nhưng chủ sở hữu không nộp phí duy trì hiệu lực thì bất kỳ người nào khác cũng có quyền sử dụng sáng chế mà không cần xin phép hoặc trả tiền cho chủ sở hữu sáng chế.

Thứ hai, sử dụng sáng chế phục vụ nhu cầu cá nhân và không nhằm mục đích kinh doanh. Việc sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu của cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, NCKH, thí nghiệm, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc nhằm mục đích thu thập thông tin và giảng dạy đều không phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu sáng chế. Trên thực tế, pháp luật ghi nhận và bảo hộ quyền độc quyền sử dụng một cách hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế nếu quyền này được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Đây là điểm đặc biệt của quyền SHTT nói chung và của quyền SHCN đối với sáng chế nói riêng. Do vậy, nếu việc sử dụng đối tượng quyền SHTT nói chung và sáng chế nói riêng không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại thì không phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu vì không xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Khác với việc sử dụng TSVH, người nào muốn sử dụng TSHH, dù vào mục đích cá nhân, phi thương mại hay thương mại đều phải xin phép và phải trả tiền thuê cho chủ sở hữu tài sản đó.

Thứ ba, sử dụng sáng chế do chính chủ sở hữu sáng chế đưa ra thị trường. Cụ thể, các sản phẩm, hàng hóa mang sáng chế (đã được cấp VBBH độc quyền sáng chế) do chính chủ sở hữu sáng chế đưa ra thị trường, dù trong nước hay ngoài nước, thì chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm các hành vi nhập khẩu, lưu thông các sản phẩm, hàng hóa đó. Hành vi đưa ra thị trường ở đây có thể hiểu là việc trực tiếp bán, phân phối hàng hóa, sản phẩm đó theo các kênh thương mại hoặc là việc ký kết các hợp đồng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế cho chủ thể khác. Quy định này bắt nguồn từ nội dung cơ bản của học thuyết hết quyền hoặc học thuyết cạn quyền, theo đó khi chủ sở hữu đối tượng SHCN đã đưa hàng hóa, dịch vụ chứa đối tượng SHCN ra thị trường một cách hợp pháp thì không còn quyền đối với hàng hóa, dịch vụ đó. Trên

53

thực tế, việc nhập khẩu hợp pháp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chứa quyền SHCN của chủ sở hữu đối tượng SHCN đó đã đưa ra thị trường tại bất cứ đâu thường được gọi là nhập khẩu song song. Các quốc gia thường có quy định về vấn đề nhập khẩu song song, được thực hiện ở các cấp độ khác nhau.

Thứ tư, sử dụng sáng chế chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc ở tạm thời tại một quốc gia khác. Theo nội dung này, việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa chứa sáng chế trên các phương tiện giao thông quá cảnh, lưu trú tạm thời của nước ngoài chỉ nhằm mục đích duy trì sự hoạt động của các phương tiện đó thì không phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu sáng chế.

Thứ năm, sử dụng sáng chế do bên thứ ba có đặc quyền được tiếp tục tạo ra sản phẩm. Cụ thể, trong một số trường hợp nhất định, cần thiết, Nhà nước có quyền yêu cầu và bắt buộc chủ sở hữu sáng chế chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế cho bên thứ ba bất kỳ nhằm tiếp tục tạo ra sản phẩm cho xã hội, ví dụ như người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản (hoặc sáng chế chi phối) nhằm nghiên cứu, áp dụng và phát triển sáng chế phụ thuộc do Nhà nước hoặc người thay mặt Nhà nước thực hiện vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên, việc chuyển giao này không phải là li- xăng độc quyền và bên nhận li-xăng sáng chế vẫn phải trả một khoản phí chuyển giao nhất định cho bên bị bắt buộc chuyển giao.

Thứ sáu, sử dụng sáng chế vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết, ví dụ như nhằm đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, y tế, dinh dưỡng, v.v., Nhà nước hoặc người thay mặt cho Nhà nước có thể thực hiện li-xăng sáng chế một cách không tự nguyện (li-xăng cưỡng bức hoặc li-xăng bắt buộc) bằng cách bắt buộc chủ sở hữu sáng chế chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho bên thứ ba hoặc cho Nhà nước với một số điều kiện nhất định. Tương tự như trường hợp sử dụng sáng chế do bên thứ ba có đặc quyền được tiếp tục tạo ra sản phẩm, việc chuyển giao này không phải là li-xăng độc quyền và bên nhận li-xăng sáng chế vẫn phải trả một khoản phí chuyển giao nhất định cho bên bị bắt buộc chuyển giao.

54

Thứ bảy, sử dụng sáng chế theo “Quyền sử dụng trước”. Theo nội dung này, người có quyền sử dụng trước là bất kỳ người nào đã tạo ra và sử dụng sáng chế được cấp VBBH một cách độc lập trước ngày chủ sở hữu sáng chế nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền đối với sáng chế. Quyền sử dụng trước nhằm để giải quyết một tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn cuộc sống là có nhiều người cùng bắt tay vào nghiên cứu một vấn đề nào đó và những người này đều tìm ra các giải pháp mang tính kỹ thuật giải quyết được vấn đề nhưng vì nhiều lý do không phải ai cũng nộp đơn đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế cho giải pháp kỹ thuật của mình. Quyền sử dụng trước được pháp luật ghi nhận cho những chủ thể khác với chủ sở hữu sáng chế với điều kiện phải hội đủ các yếu tố sau đây: Đầu tiên, phải có hành vi sử dụng trước trên thực tế thông qua việc trực tiếp sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện để sử dụng sáng chế đồng nhất sáng chế đã được cấp VBBH độc quyền. Tiếp theo, thời điểm sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế đồng nhất phải xảy ra trước ngày công bố đơn đăng ký sáng chế. Hơn nữa, sáng chế đồng nhất phải được người sử dụng trước tạo ra một cách độc lập với sáng chế được bảo hộ. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng trước vẫn có quyền sử dụng, khai thác sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép cũng như không phải trả tiền cho chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi và khối lượng sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng nếu không được phép của chủ sở hữu sáng chế đồng thời không được chuyển giao quyền đó cho người khác trừ trường hợp phải chuyển giao toàn bộ quyền đó kèm theo việc chuyển giao toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh tiến hành việc sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng trước đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 55 - 58)