Quy định hiện hành về khai thác thương mại dưới hình thức chuyển nhượng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 89 - 95)

3.2 Thực trạng pháp luật về khai thác thƣơng mại dƣới hình thức chuyển giao

3.2.1 Quy định hiện hành về khai thác thương mại dưới hình thức chuyển nhượng

quyền sở hữu sáng chế

Khái niệm chuyển nhƣợng quyền sở hữu sáng chế

Theo Điều 138, Luật SHTT, chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế (chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) là việc chủ sở hữu quyền SHCN chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế này được coi là việc “bán đứt” sáng chế. Hình thức bán đứt sáng chế cho người khác là cách thức thực hiện quyền năng định đoạt đối với sáng chế của chủ sở hữu.

Theo quan điểm của WIPO, về cơ bản, có hai phương pháp, hình thức mà chủ sở hữu thường sử dụng để khai thác sáng chế, đưa ý tưởng của mình vào sản xuất để thu lợi bao gồm việc bán đứt sáng chế để có được một khoản tiền thanh toán gọn một lần hoặc là li-xăng sáng chế thông qua các thỏa thuận mua bán hoặc li-xăng sáng chế76.

Hình thức định đoạt sáng chế này cũng được ghi nhận bởi quy định của nhiều quốc gia. Tại Hoa Kỳ, pháp luật về sáng chế của quốc gia này dành quyền nộp đơn đăng ký sáng chế cho tác giả sáng chế đồng thời khuyến khích tác giả sáng chế khai thác thương mại bằng cách chuyển giao sáng chế cho các cá nhân, tổ chức có khả năng khai thác sáng chế. Do đó, hệ thống pháp luật về sáng chế của Hoa Kỳ tạo điều kiện mạnh mẽ việc chuyển giao quyền SHCN của tác giả sáng chế cho những cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức có đủ nguồn lực và khả năng khai thác thương mại những sáng chế này. Việc khai thác thương mại đối với sáng chế thường được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như chuyển nhượng quyền sở hữu và li-xăng sáng chế77.

Tương tự, tại Châu Âu, có ít chủ sở hữu TSTT nói chung và sáng chế nói riêng đủ nguồn lực để hoàn toàn tự mình khai thác thương mại TSTT và sáng chế thông qua

76 Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Cẩm nang Sở hữu trí tuệ, sách đã dẫn, trang 33 và 34.

86

việc ứng dụng sáng chế vào sản xuất, phân phối và bán sản phẩm. Phần lớn chủ sở hữu sáng chế thường chuyển giao quyền sở hữu sáng chế hoặc li-xăng sáng chế của mình cho người khác để tối đa hóa khai thác thương mại78.

Trước đây, chúng ta mới chỉ nhấn mạnh đến quyền nhân thân của chủ sở hữu, sự bảo hộ và thực thi quyền SHCN đối với sáng chế mà chưa chú trọng đến khía cạnh thương mại, quyền tài sản cũng như sự vận động của TSTT này trên thị trường với tư cách là một “hàng hóa đặc biệt”.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã đề cập đến khía cạnh thương mại của các đối tượng quyền SHCN nói chung và quyền SHCN đối với sáng chế nói riêng. Liên quan đến việc chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam được ghi nhận tại Điều 753, Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Chương X, Luật SHTT. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế còn được ghi nhận rải rác trong các văn bản pháp luật khác: pháp luật về CGCN, pháp luật về thương mại, pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp.

Điều kiện hạn chế việc chuyển nhƣợng quyền sở hữu sáng chế

Theo Điều 139, khoản a, Luật SHTT, điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế được pháp luật quy định như sau: Chủ sở hữu quyền SHCN chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. Ví dụ, sáng chế được bảo hộ theo lãnh thổ và trong một thời gian nhất định là thời hạn bảo hộ sáng chế. Do vậy, chủ sở hữu sáng chế chỉ có thể chuyển nhượng quyền sở hữu của mình trong phạm vi lãnh thổ và còn trong thời hạn sáng chế được bảo hộ. Nếu sáng chế không được bảo hộ ở một quốc gia nào đó thì việc sử dụng sáng chế ở quốc gia không có đăng ký bảo hộ sáng chế là việc không cần xin phép chủ sở hữu. Tương tự, nếu sáng chế hết thời hạn bảo hộ thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng sáng chế mà không cần xin phép chủ sở hữu sáng chế đó.

Thời hạn bảo hộ tối đa sáng chế theo quy định pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới thông thường là 20 năm và thời hạn này không được gia hạn. Do vậy,

87

thời hạn của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phụ thuộc vào thời hạn của VBBH độc quyền sáng chế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế không được gia hạn khi hết thời hạn bảo hộ sáng chế.

Hợp đồng chuyển nhƣợng quyền sở hữu sáng chế

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Điều 753, Bộ Luật Dân sự năm 2005 là một hợp đồng dân sự và mang đầy đủ đặc điểm của một hợp đồng dân sự thông thường. Do vậy, điều kiện tiên quyết để hợp đồng có hiệu lực là sự tự do thỏa thuận ý chí của các chủ thể trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng.

Theo nguyên tắc độc lập về mặt ý chí, các bên ký kết hợp đồng được thể hiện khả năng tự do cao nhất trong việc xác định nội dung và phạm vi của các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Mặc dù tự do ý chí của các chủ thể là yếu tố quan trọng nhất trong một hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật nhưng Luật SHTT Việt Nam lại quy định các giới hạn về hình thức, nội dung và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng này.

Hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế một cách tự nguyện của chủ sở hữu cho người khác khai thác thường được thực hiện dưới hình thức hợp đồng. Theo Luật SHTT hiện hành, khoản 2, Điều 138, việc chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Quy định pháp lý về hình thức hợp đồng chuyển giao quyền SHCN nói chung và hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế nói riêng phải thể hiện bằng văn bản của Việt Nam cũng giống với quy định của một số nước công nghiệp phát triển. Ví dụ, theo quy định pháp luật về chuyển giao quyền SHCN tại Điều L.613-8, mục 5, Luật SHTT của Cộng hòa Pháp, hình thức chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế phải được thực hiện bằng văn bản mới có giá trị hiệu lực.

Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế

Ngoài điều kiện là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải được thực hiện dưới hình thức bằng văn bản, nội dung của loại hợp đồng này cũng phải tuân

88

theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo Điều 140, Luật SHTT, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; b) Căn cứ chuyển nhượng; c) Giá chuyển nhượng; d) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Có thể thấy rằng các quy định này vẫn còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, nhất là những quy định pháp lý về giao dịch, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Theo Phạm Duy Nghĩa, việc áp dụng các quy định chung về hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự hiện hành đối với loại hợp đồng chuyển giao quyền SHCN, ví dụ như các quy định chi phối các giao dịch dân sự (từ Điều 121 đến Điều 138), các quy định chi phối các nghĩa vụ (từ Điều 280 đến Điều 387) và các quy định chi phối hợp đồng (từ Điều 388 đến Điều 427) còn chưa được cụ thể hóa79.

Trên thực tế, đây là những quy định rất quan trọng giúp cho các bên thực hiện thành công việc chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế cũng như giúp cho chủ sở hữu khai thác thương mại đối với sáng chế một cách có hiệu quả. Sự thiếu hụt các quy định chi tiết liên quan đến nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế đã dẫn đến việc khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các khó khăn và hạn chế này sẽ được thể hiện trong phần thực trạng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế ở phần sau.

Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế

Ngoài điều kiện về hình thức và nội dung, một trong những điều kiện để hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế có hiệu lực là hợp đồng đã được giao kết cần phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Điều 148,

79 Nhận định này được dựa trên nhận định của Phạm Duy Nghĩa tại cuốn sách do tác giả Phạm Duy Nghĩa làm chủ biên có tiêu đề Vietnamese Business Law in Transition, Thế Giới Publishers, 2002, trang 369.

89

Luật SHTT hiện hành, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN là Cục SHTT80. Việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả NCKH và phát triển công nghệ, bao gồm cả sáng chế, có sử dụng ngân sách nhà nước còn được điều chỉnh chặt chẽ hơn bởi Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN81.

Việc pháp luật về SHCN của Việt Nam có những quy định về việc đăng ký, thậm chí phê duyệt, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế để hạn chế tình trạng bên chuyển nhượng (tại quốc gia phát triển) áp đặt những điều kiện bất lợi cho bên nhận chuyển nhượng (tại quốc gia đang phát triển) bằng những điều khoản, ví dụ như điều khoản bắt buộc bên nhận phải mua kèm với sáng chế các nguyên vật liệu, các sản phẩm không cần thiết hoặc điều khoản hạn chế cách thức sử dụng sản phẩm, v.v.

Quy định này phù hợp với quy định pháp lý của nhiều nước đang phát triển đã từng làm như Ác-hen-ti-na, Ấn Độ, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Mê-hi- cô, Thái Lan, Trung Quốc82. Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, khi Việt Nam thường là bên nhận sáng chế, thì việc pháp luật Việt Nam đưa ra quy định này phần nào cũng là cần thiết. Tuy nhiên, quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam về việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế vẫn còn một số bất cập.

Cụ thể, các quy định pháp luật về trình tự và thủ tục hành chính đăng ký có thể làm cho bên chuyển nhượng (thường là bên nước ngoài) ngần ngại chuyển nhượng vì sợ tốn nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng này. Trước tiên, việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải tuân theo các quy định bắt buộc về hồ sơ và trình tự, thủ tục. Hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu

80 Theo Điều 48, Thông tư số 01/2007/TT–BKHCN, Cục SHTT là nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN.

81 Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/06/2014 quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả NCKH và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

82 Xem thêm Bernard Dutoit et Peter Mock, Le contrôle administratif des contrats de licence et de transfert de technologie, Librairie Droz SA, Genève, 1993.

90

sáng chế được quy định chi tiết trong Điều 149, Luật SHTT, Điều 26, Nghị định số 103/2006/NĐ–CP83 và Điều 47.2, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Không những thế, trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế là một bộ phận của hợp đồng khác ví dụ như hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng CGCN thì nội dung liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải được lập thành một phần riêng và phải đăng ký tại Cục SHTT theo hồ sơ, thủ tục và trình tự như luật định. Ngoài ra, mọi sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, gia hạn hợp đồng chính phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký như hợp đồng chính. Hơn nữa, việc chuyển giao quyền của mỗi bên trong hợp đồng đã đăng ký cho bên thứ ba, ví dụ như việc thừa kế, sáp nhập, v.v. cũng phải được đăng ký. Tóm lại, bất kỳ việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế nào đều phải lập thành hợp đồng độc lập, nếu là một phần của hợp đồng chính thì phải được lập tách rời hợp đồng chính và phải được đăng ký tại Cục SHTT nên cũng làm mất khá nhiều thời gian, tiền bạc của các bên giao kết hợp đồng.

Theo quan điểm của tác giả, trong hơn một thập kỷ trở lại đây, hoạt động thu hút công nghệ, sáng chế từ nước ngoài vào Việt Nam được coi như quá trình “song sinh” với hoạt động thu hút ĐTNN vào Việt Nam. Vậy mà, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế nói chung và chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế nói riêng vẫn chưa tạo ra sự khuyến khích đầu tư, phát triển và đổi mới công nghệ tiên tiến theo đúng chủ trương của Việt Nam. Việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải chăng chỉ mang tính hình thức hoặc chỉ là quá trình phải “làm thủ tục”? Hình thức ở chỗ mọi hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải được đăng ký và phải trải qua quá trình xét duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. “Làm thủ tục” ở chỗ quá trình xem xét kỹ lưỡng, xét duyệt mất khá nhiều thời gian, thậm chí cần phải có sự can thiệp của các nhà tư vấn có quan hệ tốt với chính quyền và đương nhiên là làm tốn thêm kinh phí của các bên giao kết hợp đồng.

83 Nghị định số 103/2006/NĐ–CP của Chính phủ ngày 22/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN.

91

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)